Việt Nam đăng cai Hội nghị Á – Âu (ASEM) về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững
31 tháng 3 2017
- TP. Huế, ngày 30-31 tháng 3 năm 2017 – Hội nghị Á – Âu (ASEM) về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khởi xướng, là sự kiện nhằm chia sẻ những thực tiễn tốt nhất trong việc thúc đẩy giáo dục chất lượng và sáng tạo để phát triển nguồn nhân lực cũng như hoạch định các chính sách quan trọng và đưa ra các khuyến nghị cần thiết trong những lĩnh vực này. Các nhà hoạch định chính sách; các nhà lãnh đạo Nhà nước; doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể thanh niên và các chủ thể hữu quan khác đến từ Châu Âu và Châu Á cùng thảo luận việc tích hợp kỹ năng Thế kỷ 21 vào các hệ thống giáo dục.
Với sự tham gia của gần 200 đại biểu, sự kiện đã tạo ra một diễn đàn để đề xuất về Tầm nhìn Giáo dục và phát triển nhân lực của ASEM, trong đó có Chương trình các kỹ năng mới của ASEM và các biện pháp cụ thể để trang bị cho thanh niên các phẩm chất và kỹ năng của Thế kỷ 21 nhằm hình thành một lực lượng lao động lành nghề, chuyên nghiệp và dễ thích nghi. Sự kiện kéo dài 2 ngày này được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 11 tại Mông Cổ vào tháng 7 năm 2016, với sự tài trợ của 5 quốc gia thành viên ASEM: Nhật Bản, Phần Lan, Ấn độ, Indonesia và Hàn Quốc.
Các đại biểu có mặt tại hội nghị đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế thông qua 4 phiên toàn thể với 17 bài thuyết trình, trong đó nêu bật vai trò của giáo dục và nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững; cơ hội, thách thức và vai trò của các bên liên quan; thực trạng và bài học từ Châu Á và Châu Âu; và hợp tác Á – Âu trong phát triển giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì sự phát triển bền vững.
Những chủ đề chính được thảo luận bao gồm việc áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện, liên ngành trong giáo dục và đào tạo; thúc đẩy học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tăng cường hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân nhằm đảm bảo rằng các chương trình giáo dục và đào tạo phải chứa đựng các kỹ năng cần thiết cho tiến trình hội nhập quốc tế. Việc thúc đẩy Giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) cũng là một trong những chủ đề quan trọng được thảo luận, trong đó đặc biệt chú trọng đến Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, cho rằng “Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển vũ bão, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực có tri thức, công nghệ ngày càng có tính quyết định.” Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và mở rộng nhiều sáng kiến, chương trình và dự án của ASEM, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có “một thế hệ công dân toàn cầu có trình độ và ý thức trách nhiệm không chỉ với cộng đồng, dân tộc, đất nước mình mà với những vấn đề chung của thế giới, với tương lai của văn minh nhân loại, của hành tinh này.”
Trong số những diễn giả chính, TS. Gwang-Jo Kim, Giám đốc Văn phòng UNESCO Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về Giáo dục, đưa ra bức tranh toàn cảnh về điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường trong khu vực cũng như cách thức tăng cường giáo dục để giải quyết các thách thức đang ngày một gia tăng. Ông nhấn mạnh: “giáo dục là chìa khóa không chỉ cho sự phát triển kinh tế, mà còn cho sự chuyển biến xã hội vì một thế giới hòa bình và bền vững hơn; chúng ta sẽ không thể nào đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững nếu như không đạt được MTPTBV4.”
Là một trong những diễn giả trình bày tại sự kiện, Bà Susan Vize, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ một vài sáng kiến lớn của UNESCO cũng như những bài học thu được trong việc phát triển giáo dục sáng tạo và nguồn vốn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Những sáng kiến này đều chú trọng đến tầm quan trọng của việc tích hợp CNTT vào giảng dạy thông qua các can thiệp chính sách, phát triển chuyên môn đội ngũ nhà giáo, áp dụng phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, Tăng cường năng lực về Thông tin và Truyền thông (MIL), Tài nguyên Giáo dục Mở (OER) và Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững (ESD).
Các báo cáo và đề xuất thông qua tại Hội nghị sẽ được sử dụng để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 dự kiến được tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 11; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 tại Myanmar vào tháng 11 và Hội nghị Thượng đỉnh ASEM lần thứ 12 tại Bỉ vào năm 2018.
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ: Ông Toshiyuki Matsumoto, Chuyên gia Chương trình Giáo dục của UNESCO tại địa chỉ email: t.matsumoto@unesco.org