Thông cáo báo chí

Đại diện của LHQ kêu gọi hợp tác và hành động mạnh mẽ nhằm xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em ở Việt Nam

22 tháng 6 2016

  • Hà nội, 22 tháng 6 năm 2016 – Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về vấn đề bạo lực đối với trẻ em, bà Marta Santos Pais đã kết thúc ba ngày thăm và làm việc tại Việt Nam và kêu gọi Chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội và các bên liên quan cần hợp tác và hành động mạnh mẽ nhằm xó bỏ bạo lực đối với trẻ em. Tại Việt Nam, trẻ em đặc biệt có nguy cơ bị sao nhãng, lạm dụng và bạo lực tại gia đình, nhất là trẻ khuyết tật; có nguy cợ bị buôn bán qua biên giới, bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại và tham gia lao động trẻ em; có nguy cơ bị áp dụng biện pháp giam giữ quá nhiều đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ ngày càng tăng bị lạm dụng qua mạng internet. "Bạo lực đối với trẻ em gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho xã hội vì những tác hại lâu dài của bạo lực đối với sự phát triển của trẻ em và các chi tiêu ngân sách về y tế, phúc lợi xã hội và hệ thống tư pháp hình sự. Nếu đầu tư vào việc ngăn chặn bạo lực, chúng ta có thể tăng cường nguồn vốn về nhân lực và xã hội của Việt Nam" bà Santos Pais nhấn mạnh trong các cuộc gặp gỡ với các cơ quan chinh phủ Việt Nam.

"Tôi rất ấn tượng với những cam kết và những gì mà Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đã làm được để bảo vệ trẻ em ỏ Việt Nam", bà Santos Pais chia sẻ. "Việc thông qua Luật trẻ em gần đây và một mạng lưới cán bộ xã hội vững mạnh cùng với nguồn nhân lực và tài chính phù hợp có thể tạo tiền đề cho sự hợp tác mạnh mẽ mà trong đó mọi người đều có vai trò quan trọng trong việc biến luật pháp thành hành động cụ thể để xóa bỏ bạo lực với trẻ em"

Trong chuyến thăm của mình, bà Santos Pais đã có bài diễn văn khai mạc Diễn đàn Trẻ em ASEAN lần thứ tư tại Hà nội và thảo luận với các lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, các tổ chức dân sư xã hội và các bên liên quan về các vấn đề liên quan đến bạo lực trẻ em ở Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, bà cũng đã đến thăm Đà Nẵng và thăm Trung tâm công tác xã hội do UNICEF hỗ trợ. Tại đây, bà đã giao lưu với trẻ em để tìm hiểu suy nghĩ của các em về vấn đề bạo lực đối với trẻ em như là bạo lực đối với trẻ em có tác động gì tới các em, các em có thể làm gì để ngăn chặn bạo lực và ai có thể hỗ trợ các em trong việc này. Bà cũng đã thảo luận cùng với lãnh đạo TP Đà Nẵng và các tổ chức xã hội dân sự về các chinh sách và chương trình của thành phố nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em và hệ thống phúc lợi xã hội nhằm ngăn chặn và giải quyết vấn đề bạo lực đối với trẻ em.

Bà Santos Pais đã có một cuộc đối thoại với đại diện trẻ em tham dự Diễn đàn Trẻ em ASEAN lần thứ 4. Được truyền cảm hứng từ những cuộc trò chuyện này, bà đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe trẻ em và nghe ý kiến của các em về việc chúng ta có thể làm được gì để ngăn chặn và đối phó với bạo lực đang ảnh hưởng đến các em từ gia đình, trường học và ở xã hội nói chung.

Trong cuộc họp với các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức phi chinh phủ tại Hà Nội mà bà đồng chủ trì với Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, các đại biểu đã chia sẻ về những quan ngại trong việc sử dụng bạo lực tràn lan đối với trẻ em trong xã hội. Các tổ chức tham dự đã cam kết sẽ vận động cho quyền trẻ em nhằm làm thay đổi nhận thức và thái độ của ngươi dân để đạt được mục tiêu chung là không có bạo lực đối với trẻ em. "Các tổ chức xã hội dân sự có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau trong bạo lực đối với trẻ em", bà Santos nhấn mạnh.

Ước tính có khoảng 3,3 triệu trẻ em cần bảo vệ đặc biệt và các em có nguy cơ bị bạo lực, con số này chiếm khoảng 12% số trẻ em ở Việt Nam. Còn vô số trẻ em có nguy cơ bị sao nhãng, lạm dụng, buôn bán và bóc lột tình dục. Trẻ khuyết tật đặc biệt dễ bị tổn thương và các em có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực, sao nhãng, lạm dụng tình dục cao gấp 3 hoặc 4 lần các bạn cùng trang lứa. Hơn 1,7 triệu trẻ là lao động trẻ em, 172,500 trẻ không được bố mẹ chăm sóc, 21,000 trẻ em đường phố, 12,000 trẻ em vi phạm pháp luật, 2,381 trẻ có HIV/AIDS, 1,067 trẻ sử dụng ma túy.

Các số liệu báo cáo thường thấp hơn con số thực tế trẻ em cần chăm sóc và bảo vệ. Các số liệu về bạo lực trẻ em thường không hoàn chỉnh, và ở nhiều quốc gia, Chính phủ ước tính dựa trên các số liệu hành chinh và thường thấp hơn rất nhiều so với các số liệu có được từ các cuộc điều tra độc lập của các tổ chức phi chinh phủ và các học viện tiến hành. Các số liệu ước tính về bạo lực trẻ em ở Việt Nam dựa trên định nghĩa trẻ em là những người dưới 16 tuổi so với thông lệ quốc tế trẻ em là người dưới 18 tuổi. Hơn nữa bạo lực thường là vấn đề không nhận biết được cho dù bạo lực xảy ra tại gia đình, trường học, các trung tâm nuôi dưỡng thay thế, trên đường phố, trong nơi làm việc và trong nhà giam. Thường thì mọi người làm ngơ hoặc đơn giản là không báo cáo các trường hợp bạo lực do lo sợ hoặc do kỳ thị. Ngay cả khi trẻ em nói ra về các trường hợp bạo lực, thì chưa chắc mọi người đã tin những điều các em nói hoặc hệ thống luật pháp sở tại chưa được xây dựng để đối phó với các trường hợp một cách hữu hiệu.

"Thay đổi bắt đầu từ mỗi chúng ta. Chúng ta có thể khuyến khích đẩy mạnh phương thức nuôi dạy trẻ em không bạo lực để các bậc làm cha mẹ cảm thấy tự tin khi nuôi nấng con em mình trong một môi trường tích cực, yêu thương mà không có bạo lực về thân thể và trường học thực sự là môi trường học tập an toàn cho mọi trẻ em. Nếu chúng ta chứng kiến một trẻ em là nạn nhân của bạo lực, chúng ta phải hành động để ngăn chặn điều đó và phải báo cáo với chính quyền", bà Santos Pais phát biểu.

Bên cạnh các bạo lực về thân thể, trẻ em ngày càng có nhiều nguy cợ bị lạm dụng tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng internet. Một thăm dò ý kiến gần đây ở Việt Nam cho thấy 41% thanh thiếu niên ở độ tuổi 18 đã chứng kiến các bạn mình tham gia vào các hành động có nguy cơ trên mạng. Trên toàn cầu, một trong ba người sử dụng internet là trẻ em và sự phát triển của internet và điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức thanh thiếu niên tìm kiếm thông tin, nhưng cũng mang đến những rủi ro trên thực tế cho trẻ em về lạm dụng qua mạng internet.

Ngăn chặn và đối phó với bạo lực đối với trẻ em là ưu tiên quan trọng của LHQ tại Việt Nam, như được đề cập đến ở mục tiêu số 16.2 của Mục tiêu Phát triển bền vững nhằm chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em. Trong khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược Một liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021, các tổ chức LHQ cam kết hỗ trợ chính phủ trong các nỗ lực chấm dứt tất cả các hình thức bạo lực đối với trẻ em bao gồm hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia, thay đổi nhận thức và thái độ của xã hội đối với bạo lực đối với trẻ em và khuyến khích trẻ em và người dân lên tiếng khi họ chứng kiến bạo lực xảy ra xung quanh mình.

Về Đại diện Đặc biệt cho Tổng Thư ký LHQ về vấn đề Bạo lực đối với Trẻ em (SRSG)

Bà Marta Santos Pais được bổ nhiệm giữ chức Đại diện Đặc biệt đầu tiên cho Tổng Thư ký LHQ về vấn đề Bạo lực đối với Trẻ em (SRSG) vào năm 2009. Bà Marta Santos Pais có hơn 30 năm kinh nghiệm về các vấn đề nhân quyền, tham gia vào Liên Hợp Quốc và các quy trình liên chính phủ khác. Trước khi được bổ nhiệm làm Đại diện Đặc biệt đầu tiên cho Tổng Thư ký LHQ về vấn đề Bạo lực đối với Trẻ em, bà Marta Santos Pais từng giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu UNICEF Innoceti.

Cần thêm thông tin xin liên hệ

  • Louis Vigneault-Dubois, UNICEF Viet Nam +84-4-38500241 ; +84-966539673 ; lvigneault@unicef.org
  • Nguyễn Thị Thanh Hương, UNICEF Việt Nam, 84-4-38500225; +84-904154678; email: ntthuong@unicef.org
  • Miguel Caldeira, Office of the SRSG on Violence against Children; +1-917-402-8971; caldeira1@un.org 
Nguyen Thi Thanh Huong

Nguyễn Thị Thanh Hương

UNICEF
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này