Sự kiện chính sách về Bình đẳng giới nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2018
Bài phát biểu khai mạc của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Kính thưa ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam,
Kính thưa các ông/bà Đại sứ,
Thưa các quý bà và quý ông;
Đại diện cho Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tôi xin gửi đến tất cả quý vị, không chỉ riêng phụ nữ, lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày Quốc tế Phụ nữ hôm nay. Tôi thực sự vui mừng khi thấy nhiều đại biểu là nam giới đang có mặt tại đây, cũng như nhận ra rằng ngài Thứ trưởng Diệp đại diện cho Chính phủ và bản thân tôi đại diện cho Liên Hợp Quốc đều là những người nam giới đang nỗ lực đẩy mạnh mối quan hệ giữa hai giới.
Tôi vô cùng vinh hạnh được phát biểu khai mạc tại Sự kiện chính sách nhân dịp Ngày quốc tế Phụ nữ ở Việt Nam.
Năm nay, trên toàn thế giới, tất cả chúng ta quy tụ lại để cùng nhau đưa ra giải pháp cho “Những thách thức và cơ hội để đạt được bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nông thôn” – như là chủ đề của Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay.
Năm nào cũng vậy, Liên Hợp Quốc luôn ưu tiên đề cao quyền của phụ nữ nông thôn nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ nông thôn. Năm 2018, Ủy ban Địa vị Phụ nữ, cơ quan liên chính phủ quan trọng cấp toàn cầu chuyên trách hoạt động về bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ, sẽ tập trung giải quyết những thách thức và cơ hội mà phụ nữ nông thôn đang gặp phải, đây cũng là chủ đề ưu tiên của năm nay. Ủy ban Địa vị Phụ nữ kêu gọi xóa bỏ rào cản đối với phụ nữ và trẻ em gái nông thôn trên toàn thế giới.
Hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có những tiến bộ đầy ấn tượng trong việc nâng cao đời sống của người dân và giảm dần bất bình đẳng giới, kể cả ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm xuống đáng kể và hiện đã không còn sự khác biệt lớn về tỷ lệ nhập học giữa trẻ em trai và trẻ em gái ở các cấp phổ thông sơ sở và trung học phổ thông.
Tuy nhiên, báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh cho thấy nhiều sự chênh lệch khi chúng ta xem xét kỹ các số liệu tách biệt giới. Ví dụ như, tỷ lệ tử vong mẹ của các bà mẹ dân tộc thiểu số cao gấp bốn lần so với tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng dân tộc Kinh.
Phụ nữ nông thôn không phải là một nhóm đồng nhất. Một người phụ nữ nông thôn có thể bắt đầu ngày lao động của mình từ sáng sớm tinh mơ cho tới lúc hoàng hôn và thậm chí tới tận khuya. Người khác thì có thể làm kinh doanh nhỏ hoặc trồng trọt, hay phải làm cả hai việc để phục vụ gia đình. Có người thì chăn nuôi gia súc, gia cầm. Rất nhiều phụ nữ phải bỏ ra hàng giờ để đi lấy nước, kiếm củi, và nấu ăn. Hầu hết chúng ta đều thấy phụ nữ có nhiệm vụ chính là chăm sóc con cái. Các nữ công nhân nông thôn gồm có cả lao động di cư trong và ngoài nước, có những người là nạn nhân của nạn buôn người, bị ép buộc lao động và phụ thuộc vì nợ nần.
Nếu thiếu phụ nữ và trẻ em gái, các cộng đồng ở nông thôn sẽ không thể phát triển được.
Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái đa phần là thuộc nhóm nghèo, thiếu khả năng tiếp cận tới tài sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ thiết yếu khác, là nhóm chịu tổn hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và các thảm họa khác do con người tạo nên, trong đó có những thảm họa tạo ra bởi nam giới.
Các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đã cam kết bảo vệ quyền của tất cả phụ nữ và trẻ em gái nông thôn. Chương trình nghị sự phát triển bền vững cho đến 2030 đã tạo ra một nền tảng vững chắc nhằm đạt được bình đẳng giới và tăng quyền cho mọi phụ nữ, trẻ em gái và phát triển bền vững. Việc thực thi toàn diện cam kết này là vấn đề đặc biệt cấp thiết ở các vùng nông thôn.
Trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, phụ nữ và trẻ em gái nông thôn vẫn đang phải đối mặt với những bất bình đẳng và phân biệt đối xử kép và chồng chéo, đặc biệt là phụ nữ trẻ và trẻ em gái, phụ nữ cao tuổi, chủ hộ gia đình, phụ nữ dân dân tộc thiểu số, phụ nữ chịu tác động bởi HIV/AIDs, phụ nữ khuyết tật, các phụ nữ di cư, phụ nữ tị nạn trong nước và ngoài nước. Chúng ta cũng cần ghi nhận rằng các nhóm phụ nữ và trẻ em gái nông thôn khác nhau có những nhu cầu và ưu tiên cụ thể khác nhau, đòi hỏi phải có những biện pháp về thể chế và chính sách cụ thể đối với từng nhóm khác nhau.
Khi xem xét vấn đề riêng của Việt Nam, ta không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã có những thành tựu kinh tế nổi bật trong vòng 30 năm qua với sự đóng góp đáng kể của ngành nông nghiệp, với số người lao động ở lĩnh vực này chiếm khoảng một nửa tổng lực lượng lao động cả nước. Và đây cũng là nguồn sống chủ yếu của các nhóm dân tộc thiểu số. Phụ nữ là lực lượng lao động then chốt trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi có tới 63,4% phụ nữ làm nông nghiệp so với 57,5% lao động nam giới. Rõ ràng rằng phụ nữ nông thôn đang đóng góp đáng kể cho ngành nông nghiệp, cũng như sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có bằng chứng cho thấy sự phát triển kinh tế không nhất thiết đồng nghĩa với việc bình đẳng giới được mở rộng hơn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn. Tôi muốn chia sẻ tới quý vị một số thách thức chính của các vùng nông thôn để chúng ta có thể cùng cảm nhận được sự tổn tại của bất bình đằng giới, và các vấn đề này cũng sẽ được đề cập cụ thể hơn trong các bài trình bày ngay sau đây:
- Theo truyền thống, phụ nữ thường là lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp bởi bên cạnh gánh nặng của các công việc chăm sóc không được trả lương, họ có trình độ học vấn và kỹ thuật thấp hơn so với nam giới. Số phụ nữ làm những công việc dễ bị tổn thương nhiều hơn hơn so với nam giới bởi phần lớn các nữ lao động phải làm cả những công việc gia đình không được trả công, chẳng hạn như làm lụng trên đất của gia đình, kinh doanh gia đình mà không có khả năng tiếp cận độc lập với thu nhập.
- Trong khi sự tiếp cận với các nguồn lực sản xuất ví dụ như đất đai, các phương tiện lao động hiện đại, dịch vụ kỹ thuật và tài chính là yếu tố xác định sống còn cho năng xuất nông nghiệp, thì khả năng tiếp cận của phụ nữ tới các nguồn lực này vẫn còn hạn chế. Phụ nữ chỉ có một mảnh đất nhỏ và gieo trồng theo vụ để đủ sống, vì thế họ cần phải trông cậy vào các nghề khác để tồn tại.
- Sự tiếp cận thiếu bình đẳng tới quyền đất đai của phụ nữ có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận tín dụng của họ, bởi các ngân hàng thường coi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản thế chấp. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận tới các nguồn tín dụng chính thức, trong khi chính sách tín dụng ưu đãi lại có ít tác động tới mức thu nhập và công tác giảm nghèo cho phụ nữ và trẻ em gái. Một khi nữ nông nhân gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng chính thức, họ sẽ phải phụ thuộc vào mạng lưới tín dụng đen ở các vùng nông thôn.
- Hầu hết phụ nữ và nam giới nông thôn làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, trong khi Luật Lao động của Việt Nam lại chỉ áp dụng cho những lao động ở khu vực chính quy. Do đó, việc tiếp cận toàn diện tới các chương trình bảo trợ xã hội, gồm trợ giúp xã hội, bảo hiểm và thị trường lao động có trả lương khi sinh con, chăm sóc cho người ốm và khuyết tật, và quyền có được nơi làm việc an toàn và lành mạnh không được bảo đảm.
- Đối với rất nhiều phụ nữ nông thôn, cơ hội kinh tế hạn chế đã buộc họ phải di cư đến các thành phố và các vùng đô thị để kiếm tìm công việc và cuộc sống tốt hơn. Mặc dù nữ lao động di cư có kỹ năng và kinh nghiệm đa đạng, tuy nhiên nhu cầu đối với lao động giúp việc và công việc chăm sóc ngày một tăng, đồng nghĩa với việc những phụ nữ di cư có xu hướng làm các công việc như vậy mà không có bảo trợ xã hội cơ bản nào.
- Phụ nữ nông thôn đặc biệt bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu, khiến họ phải bỏ ra nhiều thời gian hơn để đi lấy nước, củi đun - những việc thường được coi là trách nhiệm của phụ nữ. Hơn nữa, các khuôn mẫu về giới hiện hữu đã và đang hạn chế phụ nữ tham gia vào quá trình lập kế hoạch và ra quyết sách trong công tác chuẩn bị ứng phó rủi ro thiên tai và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Sự bất công về kinh tế và xã hội mà phụ nữ nông thôn đang phải gánh chịu là hoàn toàn có thể tránh khỏi; sự bất công này chính là hệ quả của những thông lệ mang tính gia trưởng lạc hậu tồn tại trong quá trình hoạch định chính sách cấp toàn cầu và cấp quốc gia.
Thưa các bà và các ông,
Mục tiêu Phát triển bền vững nhằm tiến tới việc không để ai ở lại phía sau, điều đó cũng có nghĩa là không có phụ nữ hoặc em gái nào sẽ bị bỏ lại phía sau.
Quá trình chuyển đổi cuộc sống của phụ nữ ở nông thôn đòi hỏi phải xóa bỏ các rào cản mang tính cấu trúc, luật pháp và chuẩn mực xã hội có phân biệt đối xử nhằm tạo ra các cơ hội và hưởng thụ các kết quả bình đẳng. Tôi xin phép được đưa ra một vài khuyến nghị thay cho lời kết.
Trước hết, hành động có mục tiêu và lồng ghép quan điểm giới trong mọi lỗ lực là thực sự cần thiết, trong việc lập kế hoạch quốc gia, ra quyết định, hoạch định và thực thi chính sách, các quá trình lập ngân sách và cơ cấu lại thể chế để thực hiện bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nông thôn.
Thứ hai, chúng ta cần tạo ra một môi trường thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái nông thôn và các tổ chức của họ để họ có tham gia đầy đủ và tích cực trong việc ra quyết định, hoạch định chính sách ảnh hưởng tới kế sinh nhai, đời sống và sự ổn định của họ. Điều này cũng bao gồm sự hỗ trợ việc tham gia có hiệu quả vào quá trình ra quyết định và lãnh đạo của phụ nữ nông thôn trong các doanh nghiệp, các tổ chức nông dân, hợp tác xã sản xuất và các tổ chức xã hội dân sự khác.
Thứ ba, khả năng chống chọi, thích nghi và phục hồi đối với biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, như phá rừng, sa mạc hóa và mất cân bằng đa dạng sinh học nông thôn, có thể được tăng cường thông qua việc hỗ trợ phụ nữ nông thôn tiếp cận với tài chính, năng lượng bền vững, công nghệ, thông tin và bảo trợ xã hội.
Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường năng lực của các cơ quan thống kê quốc gia và các cơ quan liên quan để thu thập, phân tích và phổ biến số liệu tách biệt giới và tuổi tác cũng như đưa ra được số liệu thống kê giới nhằm hỗ trợ việc hoạch định chính sách và có biện pháp dành cho phụ nữ và trẻ em gái nông thôn, giám sát và theo dõi tiến độ nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tôi hy vọng cuộc tọa đàm ngày hôm nay sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trên chặng đường chung hướng đến bình đẳng giới của chúng ta – tại đây chúng ta cùng nhau nhìn lại những thành tựu đáng kể đã đạt được, đồng thời để nhận ra rằng nhiều nỗ lực hơn nữa cần được thực thi. Chúng ta không nên tự mãn và ngủ quên trên chiến thắng, mà hãy tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh thực hiện cam kết và đầu tư hơn nữa, hướng đến những thay đổi và sự biến chuyển lâu dài vì bình đẳng giới ở Việt Nam.
Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam trên chặng đường quan trọng này. Xin cảm ơn.