Diễn đàn Cấp cao về các cơ hội cho việc phát triển rừng tự nhiên bền vững
Phát biểu của Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Kính thưa ngài Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Đảng;
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
Kính thưa Bà Siren Gjerme Eriksen, Đại sứ Vương quốc Na Uy;
Ông Erik Solheim, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc;
Kính thưa các đồng nghiệp từ các bộ và các tổ chức đối tác quốc gia và quốc tế;
Thưa các vị khách quý,
Hôm nay, thay mặt cho Liên Hợp Quốc ở Việt Nam, tôi có vinh dự phát biểu trước các quý vị đến tham gia diễn đàn cấp cao này, bao gồm đại diện của Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Na Uy.
Khung Warsaw cho REDD+ thuộc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu đã thiết lập một khuôn khổ vững chắc và toàn diện để thực thi các hoạt động REDD+ một cách hiệu quả và lâu dài đồng thời hướng đến tính toàn vẹn môi trường và kết quả cụ thể. Việt Nam đã có những tiến bộ quan trọng trong việc lồng ghép Khung Warsaw cho REDD+ vào Chương trình Hành động Quốc gia REDD+ năm 2017, cũng như lồng ghép các bài học rút ra từ việc triển khai ở các tỉnh thí điểm. Việt Nam đã huy động sự ủng hộ chính trị cấp cao xung quanh tầm nhìn đa lĩnh vực cho REDD+ và phát triển xanh của mình. Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì đã đi đầu trong việc giảm phát thải khí CO2, vì Việt Nam là một trong những nước có kinh nghiệm nhất trên toàn cầu trong việc chuẩn bị và triển khai REDD+. Cần có tinh thần làm chủ và sự ủng hộ quốc gia mạnh mẽ đối với các hoạt động REDD+ bên ngoài khuôn khổ Chương trình UN-REDD năm 2018 để duy trì đà hiện tại.
Cũng cần có thay đổi trong cách Việt Nam đánh giá và tổ chức việc bảo vệ rừng. Giá trị đầy đủ của rừng phải được đưa vào các quy trình và cơ chế lập kế hoạch quốc gia, và phải được lồng ghép vào chương trình nghị sự phát triển quốc gia và các ưu tiên liên quan. Dựa trên mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng khen ngợi trong việc thúc đẩy các cách tiếp cận hiệu quả và đa lĩnh vực để giải quyết nạn chặt phá rừng. Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, việc phê chuẩn Kế hoạch Hành động Quốc gia mới về REDD+ và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Rừng Bền vững, cùng với việc ký hiệp định về Tăng cường Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị Rừng và Buôn bán Gỗ với Liên minh châu Âu, và sự tham gia ngày càng tăng của khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, tất cả góp phần tạo nên một nền tảng vững chắc để thay đổi và tiến bộ, đưa Việt Nam lên tuyến đầu toàn cầu về quản lý và bảo vệ rừng bền vững.
Nối tiếp lời các đồng nghiệp của tôi, tôi muốn nhấn mạnh hai thông điệp chính. Thứ nhất, cần phải có một sự thay đổi lớn để xây dựng một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển và hưởng lợi từ việc đầu tư vào việc phát triển rừng tự nhiên bền vững. Kinh nghiệm của các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân cho thấy việc này là khả thi, nhưng sẽ phải có mức độ sáng tạo cao và nhiều chi phí gián tiếp. Chính phủ Việt Nam và các đối tác quốc gia và quốc tế sẽ cần chú trọng vào việc đổi mới sáng tạo và thí điểm các mô hình kinh doanh mới để tạo điều kiện thuận lợi cho thành công và nhân rộng phạm vi áp dụng. Các khuyến nghị đưa ra ngày hôm nay của các đồng nghiệp và chuyên gia đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính là cơ hội và môi trường để mang lại sự thay đổi đó. Tôi xin kêu gọi các bên liên quan, trong đó có các tổ chức và đại diện khu vực tư nhân, dành thời gian và chia sẻ những hiểu biết quý báu để giúp hoàn thành công việc này đúng hạn.
Tôi hiểu rằng việc triển khai các giải pháp này sẽ mất thời gian và đòi hỏi phải có sự thay đổi tư duy, và các cuộc thảo luận và bài phát biểu ngày hôm nay đã nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Các doanh nghiệp đang kêu gọi tăng cường tính minh bạch và áp dụng các tiêu chuẩn xã hội và môi trường cao hơn và chúng ta sẽ cần tìm ra giải pháp cho phép các quy định thông minh hơn bảo vệ các bên tham gia, những người mà hành động của họ mang lại lợi ích cho xã hội và những người mang lại giá trị cho người dân và môi trường thay vì phá hủy nó. Cần phải xây dựng quan hệ đối tác vững chắc và mạnh mẽ để đương đầu với thử thách nhằm đề ra “các quy định thông minh” như vậy và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào việc phát triển bền vững rừng tự nhiên. Chính phủ Việt Nam sẽ cần đóng vai trò dẫn đầu và dẫn đường cho mọi người thông qua kế hoạch triển khai cụ thể, đồng thời đưa ra các quyết định táo bạo và dũng cảm. Khu vực tư nhân cũng sẽ cần đóng vai trò của mình vì họ có trách nhiệm xã hội vô cùng quan trọng trong việc tăng cường nhận thức về cơ hội và thách thức của việc làm kinh doanh trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu và chuyển sang phát triển bền vững hơn. Kinh nghiệm thế mạnh nên được phổ biến và truyền cảm hứng cho những người khác, và cho phép hình thành các thị trường và cơ hội mới, và hỗ trợ doanh nghiệp trong các giai đoạn phát triển khác nhau từ khởi nghiệp cho đến khi trưởng thành. Việc này sẽ đòi hỏi phải kết nối nhu cầu với giải pháp, và tạo ra một môi trường cung cấp dịch vụ năng động nhằm hỗ trợ những người đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh rừng.
Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh rằng Liên Hợp Quốc sẽ vẫn là một đối tác chiến lược quan trọng và tận tâm của Chính phủ Việt Nam để tăng cường hơn nữa việc quản lý rừng bền vững phối hợp với khu vực kinh doanh nội địa và quốc tế để đạt được lợi ích chung. Việc này sẽ đòi hỏi phải tập hợp và kết nối các đối tác và sáng kiến ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, một nhiệm vụ điều phối vốn là thế mạnh của Liên Hợp Quốc. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc ở Việt Nam đang hỗ trợ liên tục cho các bộ liên quan và các ủy ban của Quốc Hội về pháp luật hiện hành cũng như trong việc hình thành các cải cách pháp lý rộng lớn và cụ thể hơn trong các lĩnh vực liên quan đến rừng, đất, kế hoạch, đầu tư và kinh doanh.
Chương trình UN-REDD, do Tổ chức Nông nghiệp Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đồng chủ trì và đã hoạt động ở Việt Nam từ năm 2009, đã phát triển quan hệ đối tác quý giá với các công ty và hiệp hội kinh doanh hàng đầu để thí điểm việc triển khai các tiêu chuẩn xã hội và môi trường trong các chương trình liên quan đến rừng, một sáng kiến độc nhất vô nhị. Ngoài ra, UN-REDD có rất nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác với các tổ chức quốc gia và quốc tế, bao gồm cả các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức hợp tác song phương để xây dựng cơ sở tri thức và kinh nghiệm, và để kết nối các doanh nghiệp quan trọng nhằm tìm ra các giải pháp mới và sáng tạo hỗ trợ cho sự phát triển của họ.
Thưa các Quý vị,
Liên Hợp Quốc ở Việt Nam, trong đó có các cơ quan hàng đầu về REDD+ như FAO, UNDP và UNEP, cũng như các cơ quan Liên Hợp Quốc khác như UNIDO, có cam kết hợp tác dài hạn với Chính phủ, và hoàn toàn ủng hộ chương trình nghị sự thực hiện cơ hội kinh tế để phát triển bền vững rừng tự nhiên thông qua sự tham gia của khu vực kinh doanh và trao quyền cho khu vực doanh nghiệp.
Thay mặt Liên Hợp Quốc ở Việt Nam, tôi muốn nhân cơ hội này khẳng định lại cam kết của chúng tôi trong việc hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Vương quốc Na Uy, khu vực tư nhân và các đối tác có liên quan khác để đẩy nhanh tiến bộ trong việc quản lý rừng tự nhiên một cách bền vững hơn dưới khung REDD+, và trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của Việt Nam.
Xin Cảm Ơn!