Sự kiện chung giữa LHQ và khối doanh nghiệp về Rừng và SDG – “Vì sao doanh nghiệp nên yêu quý Rừng?”
Phát biểu của Văn phòng Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam
Kính thưa bà Siren Gjerme Eriksen, Đại sứ Na Uy,
Thưa TS Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Thưa các quý ông, quý bà,
Hôm nay tôi hân hạnh có mặt tại buổi đối thoại này của khối doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến rừng và lâm nghiệp lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tự hào là một đối tác gần gũi của Chính phủ trong phát triển bền vững và đa chiều, đặc biệt đáng chú ý là kinh tế xanh, thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quản lý bền vững về rừng và cơ chế REDD+. Tôi rất vui được chứng kiến quan hệ đối tác này đã vươn tới khối doanh nghiệp, với vai trò ngày càng quan trọng ở Việt Nam.
Như các quý vị đều biết, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội trong mấy thập kỷ qua, từ một nước nghèo vươn lên thành một nước có thu nhập trung bình, và cùng lúc đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ngày nay, Việt Nam cần ưu tiên phát triển kinh tế bền vững và khối doanh nghiệp cần đóng một vai trò ngày càng quan trọng để đóng góp vào quá trình này. Tuy nhiên, đặc biệt trên một thế giới đang dễ bị tổn thương do khí hậu, nền kinh tế không thể được xem xét riêng biệt, như một trụ cột duy nhất mang lại sự giàu có cho đất nước. Nền kinh tế phải bao trùm hơn để đảm bảo sự chia sẻ công bằng hơn các thành tựu trong xã hội. Nền kinh tế phải xanh hơn để đảm bảo rằng các nguy cơ đang ngày càng tăng với môi trường cũng là những cơ hội được xem xét trong các lĩnh vực và mô hình kinh doanh. Trong vài thập kỷ qua, môi trường ở Việt Nam đã bị xuống cấp đáng kể và có thể đe dọa việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) đồng thời đe dọa sự bền vững của tăng trưởng kinh tế. Hàn gắn môi trường, chương trình nghị sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam là chìa khóa tới thành công của chương trình nghị sự 2030 (SDG).
Ở cấp toàn cầu, LHQ đã tích cực tham gia với các tập đoàn quốc tế lớn nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy họ đóng góp cho sự bền vững của xã hội một cách hệ thống và đáng kể hơn. Nhiều lãnh đạo của các tập đoàn quốc tế đang cam kết và có những hành động cụ thể lồng ghép môi trường và rừng vào các mô hình khai thác, sản xuất, vận tải và tiêu thụ. Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam, từ các tập đoàn lớn tới các công ty vừa và nhỏ, cần chủ động tham gia vào xu hướng này, hoặc sẽ có nguy cơ bị bế tắc trong các mô hình không năng suất và không bền vững.
Năm ngoái Chính phủ Việt Nam đã kết thúc các đàm phán với Liên minh Châu Âu về một Thỏa thuận Đối tác Tự nguyện nâng cao luật bảo vệ rừng, quản trị công và thương mại. Đây là một minh họa xuất sắc. Đây là một bước tiến quan trọng của Chính phủ Việt Nam, tạo ra cơ hội cho ngành công nghiệp gỗ 7 tỷ đô la có được tiếp cận bền vững và tiến sâu hơn vào thị trường xuất khẩu to lớn của EU. Nhưng đây cũng là thách thức cho doanh nghiệp khi phải đảm bảo xuất xứ rõ ràng và tính bền vững của dây chuyền cung ứng, cải tiến các mô hình, đầu tư công nghệ hiệu quả hơn, chuyển sang các mô hình trồng rừng mới, và củng cố quan hệ thương mại trong khu vực và trên toàn cầu.
Thưa các quý ông, quý bà,
Sự kiện hôm nay nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp với các nội dung về rừng. Nhưng rừng không chỉ có nghĩa là gỗ mà bao gồm cả nông nghiệp, nước, năng lượng, đường xá và các hạ tầng khác, y tế, công nghiệp xây dựng. Tất cả các ngành này được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các sản phẩm và dịch vụ được khai thác từ rừng. Ngay cả giấy mà tôi viết bài phát biểu này cũng đến từ rừng. Rừng có ở mọi nơi. Nhưng rừng cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng. Ngay kể cả ở Việt Nam. Việt Nam đã rất thành công trong việc tăng diện tích bao phủ rừng quốc gia từ 27% vào năm 1993 lên 41% năm 2015, nhưng đồng thời rừng quốc gia cũng đang bị khai thác bừa bãi và xuống cấp một cách đáng báo động, và chính vì vậy làm ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ hội cho sự phát triển bền vững của quốc gia trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng có những tin vui. Vào ngày 12 tháng Một năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị 13 kêu gọi huy động rộng rãi các thành phần trong xã hội để quản lý rừng bền vững. Chỉ thị đã vạch rõ "tư tưởng sai lầm đánh đổi phát triển bền vững lấy lợi ích kinh tế trước mắt", và "việc tư nhân hóa quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã bộc lộ nhiều yếu kém". Chỉ thị cũng "ủng hộ các cơ chế xã hội hóa và khuyến khích, đồng thời tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các cá nhân và doanh nghiệp vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng". Cách nhìn nhận về rừng của người Việt Nam cũng đang thay đổi, trong các cơ quan quản lý, các công ty, cũng như ngoài xã hội.
LHQ đã là đối tác hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này. Tôi muốn nêu bật cam kết của LHQ như là một đối tác chiến lược với Việt Nam về biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường. Là một phần của Chương trình UN-REDD với hỗ trợ của Na Uy, chúng tôi đã hỗ trợ hiệu quả cho Chính phủ, biến các kêu gọi điều phối và huy động thành các hành động và kết quả cụ thể. Thủ tướng Chính phủ cũng tham gia chỉ đạo quá trình xem xét Chương trình Hành động Quốc gia mới REDD+, các định hướng chương trình và sự sắp xếp các cơ quan tham gia đang được đảm bảo để đưa các định hướng này vào thực tiễn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực làm việc với các Bộ ngành liên quan để cải thiện môi trường doanh nghiệp nhằm quản lý bền vững tài nguyên rừng. Các bạn hãy sẵn sàng nắm lấy cơ hội để làm cho doanh nghiệp của mình, rừng và đất nước Việt Nam trở nên thịnh vượng hơn!
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, điều này có nghĩa là cả các cơ hội và trách nhiệm. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, thành công đi cùng với sáng kiến và sự lãnh đạo. Tôi hy vọng rằng cuộc đối thoại hôm nay sẽ kích hoạt những thay đổi trong cách suy nghĩ và hành động tích cực của các doanh nghiệp. Hôm nay chúng tôi đến đây là một LHQ thống nhất, cùng với Chính phủ và các doanh nghiệp, và các đối tác quốc tế như Na Uy, mở ra một kỷ nguyên đầy hứa hẹn cùng với sự cộng tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp trong các nội dung về rừng ở Việt Nam. Đây là một mốc quan trọng, thể hiện sự nâng cao nhận thức và động lực. Tôi có mặt tại đây để khuyến khích Chính phủ Việt Nam và khối doanh nghiệp tiếp tục làm sâu sắc hơn cuộc đối thoại nhiều ý nghĩa này cùng với sự hợp tác và đưa thành các hành động cụ thể thông qua các sáng kiến và cơ chế về tài chính, các chuẩn mực và tiêu chuẩn được nâng cao để thúc đẩy các doanh nghiệp có các bước tiến sớm, có động lực và bền vững. Dù các quý vị đang hoạt động trong lĩnh vực nào, tôi tin rằng các vị sẽ tìm ra nhiều phương thức để xem xét các nội dung về rừng tốt hơn để phát triển doanh nghiệp của các vị bền vững hơn và có tác động hơn.
Thưa các quý ông, quý bà,
LHQ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và khối doanh nghiệp để hiện thực hóa tầm nhìn này và các cơ hội tới cùng với nó.
Cảm ơn sự chú ý của quý vị.