Hội thảo về Giới và Tái định cư-Bằng chứng và các thực thi chính sách.
Bài phát biểu của Bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam
Kính thưa,
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
Ông Michel Welmond, Điều phối Chương trình Phát triển Nguồn nhân lực, Giới và Việc, Ngân hàng Thế giới
Kính thưa các vị khách quý và đồng nghiệp,
Đây là niềm vinh dự đối với tôi khi được có mặt tại đây vào buổi sáng hôm nay, để chào đón quí vị và các bạn đến với Hội nghị được tổ chức bởi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Thế giới.
Tầm ảnh hưởng của việc di cư và tái định cư do các dự án phát triển hoặc thiên tai lên người dân là không giống nhau. Việc tái định cư có thể làm gia tăng những thách thức và sự bất bình đẳng đã tồn tại từ trước tới những người bị lề hóa hoặc có hoàn cảnh khó khăn do giới, xuất xứ dân tộc, hoàn cảnh kinh tế xã hội, độ tuổi hoặc tình trạng sức khoẻ.
Năm 2015, các quốc gia đã đồng ý trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững tới năm 2030 bao gồm 17 Mục tiêu toàn cầu và không thể tách rời về phát triển bền vững, với cam kết "không bỏ ai lại phía sau". Đặc biệt, chương trình nghị sự toàn cầu mới được lập ra với một mục tiêu độc lập về bình đẳng giới. Mục tiêu số 5 về việc "Đạt được bình đẳng giới và tăng quyền cho mọi phụ nữ và trẻ em gái", hướng đến:
• Chấm dứt phân biệt đối xử và bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
• Ghi nhận công việc chăm sóc không lương của phụ nữ;
• Đảm bảo được sự tham gia và lãnh đạo một cách đầy đủ và hiệu quả của phụ nữ.
• Thực hiện được sự tiếp cận toàn cầu về vấn đề sức khoẻ sinh sản và các quyền liên quan; và
• Đảm bảo quyền của phụ nữ tới các nguồn lực kinh tế bao gồm quyền được tiếp cận tới việc kiểm soát và sở hữu đất đai.
Thêm vào đó, những mục tiêu mà các Mục tiêu phát triển bền vững khác hướng đến cũng bao trùm tổng quát rất nhiều các vấn đề có những khía cạnh về giới như đói nghèo, nhà cửa, việc làm, nước sạch và vệ sinh, y tế, giáo dục, an toàn, hoà bình và an ninh.
Tất cả những vấn đề trên đều liên quan với chủ đề của hội nghị hôm nay vì bất bình đẳng giới tồn tại trong xã hội và gia đình thường trở nên tồi tệ hơn ở những nơi xảy ra di cư và tái định cư. Ở bối cảnh mà cộng đồng phải hứng chịu những hậu quả của một thay đổi không tránh khỏi, vai trò của phụ nữ trong và ngoài gia đình trở nên thiếu ổn định hơn, gia tăng nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn.
Khi Việt Nam đã giảm thiểu đáng kể sự nghèo đói và đạt được sự tiến bộ trong nhiều chỉ tiêu về phát triển, lợi ích của việc này không có nghĩa sẽ tăng khả năng cho tất cả mọi người hoặc đem lại bình đẳng giới cho tất cả mọi người. Số liệu cho thấy có rất nhiều thách thức tồn đọng ở các khu vực nông thôn nơi mà có 90% lực lượng lao động, đặc biệt là phụ nữ, không có điều kiện tiếp cận với việc tập huấn để trau dồi năng lực. Một tỉ lệ lớn nông dân là phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương - một trong những hình thức dễ tổn thương nhất trong các dạng công việc. Phụ nữ nói chung có sự tiếp cận hạn chế trong việc quản lý đất đai, nguồn lực, thông tin và công nghệ. Trong gia đình và cộng đồng, đàn ông vẫn tham gia vào vai trò lãnh đạo trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, và phụ nữ phải gánh vác nhiều trọng trách của công việc chăm sóc không lương và công việc trong gia đình.
Để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, đặc biệt là những nhóm dễ tổn thương và nhóm thiểu số, tất cả sự phát triển liên quan đến việc di dời và việc tái định cư đều cần được tiếp cận dựa trên nhân quyền và trách nhiệm giới. Điều này cần sự minh bạch và trách nhiệm giải trình được thực hiện trước, trong và sau quá trình tái định cư.
Về sự minh bạch, chúng ta cần số liệu và thông tin có thể tiếp cận được. Các cá nhân và cộng đồng cần có những số liệu, tài liệu và kiến thức phù hợp về những ảnh hưởng đến quyền của họ. Có được điều kiện tiếp cận thông tin phù hợp có nghĩa là được thông báo về các chính sách và kế hoạch cho việc tái định cư, đền bù, được tiếp cận các dịch vụ xã hội, các nguồn lực kinh tế cũng như các yếu tố khác ảnh hưởng đến quyền của họ. Ngay lúc này, việc thu thập các số liệu về giới, độ tuổi, dân tộc hay tôn giáo, nhóm thiểu số và các hình thức hộ gia đình để giám sát các tình trạng của họ và đề ra những giải pháp để sửa đổi khi cần thiết là điều vô cùng quan trọng.
Để có thể đảm bảo việc các bên liên quan có trách nhiệm với phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi các dự án phát triển, chúng ta cần sự tham gia tích cực hơn và những đại diện là phụ nữ trong việc xây dựng kết hoạch và việc đưa ra quyết định ở địa phương. Những trách nhiệm của việc tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền con người qua công tác phát triển không chỉ phụ thuộc vào chính phủ mà còn phụ thuộc vào khối tư nhân tham gia vào các dự án phát triển này; bên cạnh đó, là các đối tác phát triển bao gồm Cơ quan Liên Hợp Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức xã hội dân sự được thành lập bởi phụ nữ và đại diện cho lợi ích của phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình phát triển có trách nhiệm giới thông qua việc giám sát các kết quả và sử dụng bằng chứng để các bên liên quan có trách nhiệm với cho phụ nữ và trẻ em gái.
Thư quí vị và các bạn,
Cam kết "Không bỏ ai lại phía sau" dưới Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững tới năm 2030 có thể thực hiện được khi tất cả phụ nữ và trẻ em gái được tự do không bị phân biệt đối xử và có thể hưởng thụ những thành quả của quá trình phát triển như nam giới và trẻ em trai.
Việt Nam đã thông qua rất nhiều hiệp ước quốc tế về quyền con người và là một trong những nước đầu tiên thông qua Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) trong năm 1982. Cơ chế kiểm định phổ quát của các cơ quan nhân quyền đã cung cấp những hướng dẫn quan trọng để thúc đẩy Việt Nam trong quá trình thực hiện bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Vì vậy, tôi mong muốn kêu gọi sự chú ý của các bạn tới những Kết luận Khuyến nghị của Hội đồng CEDAW được đưa ra vào năm 2015 nhằm mục đích bày tỏ quan ngại tới những ảnh hưởng tiêu cực tới phụ nữ nông tôn của các chương trình tái định cư trong bối cảnh của các dự án phát triển.
Năm 2030 đang tiến đến gần và đây là thời điểm chúng ta đẩy nhanh các nỗ lực để các cam kết thực sự mang lại những thay đổi tích cực cho phụ nữ.
Vì vậy, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc ưu tiên việc đầu tư vào bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực và mọi ngành, từ phát triển nông thôn và nông nghiệp đến sức khoẻ, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo hiểm xã hội và sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Mỗi bước trong việc xây dựng kế hoạch, đưa ra quyết định, hành động về chính sách, ngân sách và giám sát cần phản ánh được nhu cầu của phụ nữ và nam giới với sự đa dạng của họ để có lợi cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
Tôi hy vọng hội nghị hôm nay sẽ trở thành một nơi để trao đổi kiến thức, những thực hành và bài học quý giá từ các nước khác và Việt Nam, để sau 2 ngày hội thảo, tất cả chúng ta đều có những khuyến nghị rõ ràng.
UN Women cam kết vẫn sẽ đóng góp vào quá trình tăng quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam.
Xin cảm ơn!