Lễ phát động "Cuộc thi thiết kế bộ nhận diện Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới"
Bài phát biểu của bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA
Kính thưa:
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình Đẳng Giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH);
Bà Rah Mi Hye, Phó Giám đốc Quốc gia, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam;
Đại diện các tổ chức chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác phát triển quốc tế, các đồng nghiệp Liên Hợp Quốc và các cơ quan truyền thông;
Kính thưa các vị khách quý,
Thay mặt Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, tôi xin cảm ơn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức sự kiện quan trọng này để phát động cuộc thi thiết kế bộ nhận diện Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Tôi cũng xin cảm ơn KOICA vì đã tài trợ cho dự án "Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam". Sự kiện ra mắt hôm nay là một trong những hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ của dự án này.
Kính thưa các quý vị,
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến và không được kiểm soát nhất trên thế giới. Tình hình ở Việt Nam cũng không có gì khác biệt. Bất chấp những nỗ lực to lớn của Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển trong thập kỷ qua, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một vấn đề nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an toàn của phụ nữ và trẻ em gái.
Mặc dù có rất ít nghiên cứu được thực hiện về vấn đề này nhưng các số liệu gần đây cho thấy gần một phần tư phụ nữ trên thế giới đã bị bạo lực tình dục bởi bạn tình của họ, và có đến một phần ba nữ vị thành niên cho biết trải nghiệm tình dục đầu tiên của họ là do bị ép buộc.
Tại Việt Nam, một cuộc khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH và tổ chức Action Aid năm 2016 được thực hiện tại 05 tỉnh thành cho thấy 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ đã bị quấy rối tình dục ít nhất một lần.
Gần đây, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta đã chứng kiến các cuộc tấn công gây sốc đối với phụ nữ và trẻ em gái như trường hợp một phụ nữ trẻ ở Điện Biên bị bắt cóc, cưỡng hiếp và giết chết bởi một nhóm đàn ông trong Lễ hội Tết Nguyên đán; vụ quấy rối tình dục 9 học sinh tiểu học bởi một thầy giáo ở tỉnh Bắc Giang, v.v ... Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là một đại dịch toàn cầu; hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ; và nguy cơ cao hơn trong nhóm vị thành niên và thanh niên.
Kính thưa các quý vị,
Từ năm 2013 đến nay, UNFPA đã hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, và sau đó là Bộ LĐ-TB-XH chủ trì và điều phối các chiến dịch truyền thông quốc gia hàng năm để hưởng ứng 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, và Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới kể từ khi chiến dịch truyền thông hàng năm này được công nhận bởi Chính phủ vào năm 2016.
Gói truyền thông, bao gồm logo và các tài liệu truyền thông của các chiến dịch, đã được phát triển và sử dụng trong những năm qua. Mới đây, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đã được tổ chức với chủ đề: "Hãy nghĩ bình đẳng, xây dựng thông minh, đổi mới để thay đổi".
Để có một tiếng nói và hình ảnh thống nhất trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, chúng ta cần đổi mới việc thiết kế bộ nhận diện chiến dịch truyền thông theo hướng sáng tạo để nâng cao nhận thức của công chúng và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm thúc đẩy quyền cơ bản của mọi trẻ em và phụ nữ nhằm hướng tới một cuộc sống không có bạo lực.
Trong bối cảnh này, tôi muốn làm nổi bật ba thông điệp chính như sau:
Thứ nhất, thông tin về cuộc thi nên được phổ biến rộng rãi để thu hút sự chú ý của công chúng và huy động sự tham gia của các nhóm mục tiêu khác nhau, bao gồm các dân tộc thiểu số, người khuyết tật và cộng đồng người đồng tính-song tính-chuyển giới-liên giới tính (LGBTI) thông qua các kênh truyền thông khác nhau như các phương tiện truyền thông đại chúng và các mạng xã hội.
Thứ hai, gói truyền thông của chiến dịch nên được đổi mới để thay đổi suy nghĩ và hành vi, đặc biệt là nam giới theo hướng bình đẳng giới; thách thức các chuẩn mực văn hóa truyền thống và định kiến giới, trong đó củng cố các thái độ và hành vi bạo lực của nam giới; tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho phụ nữ Việt Nam đứng lên và đưa ra tiếng nói của mình, khiến các thủ phạm cảm thấy xấu hổ và lo sợ khi gây ra bạo lực với bạn tình, đồng nghiệp, phụ nữ và trẻ em gái trên đường phố.
Thứ ba, chúng tôi khuyến khích tất cả những người tham gia cuộc thi áp dụng các hành vi xanh bằng cách giảm số lượng in ấn, tái chế giấy, nhựa và thủy tinh và giới thiệu các vật liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường cho bộ nhận diện Tháng hành động.
Tôi rất vui khi thấy nhiều người trẻ tuổi có mặt trong sự kiện ngày hôm nay. Hãy hợp tác với chúng tôi để có những đóng góp thực sự trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ phải là ưu tiên hàng đầu của mọi nam giới và phụ nữ.
Cùng nhau, chúng ta có thể giúp Việt Nam trở nên an toàn hơn và công bằng hơn cho phụ nữ và trẻ em gái.
Xin cảm ơn tất cả các quý vị đã quan tâm và tham gia. Chúc các quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!