Phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi HIV giúp nhau sống khỏe, sống tốt hơn
Câu chuyện nhân dịp kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS
“Chị ấy bị chẩn đoán nhiễm HIV năm 60 tuổi và rất xấu hổ vì việc này. Chị ấy không muốn để con cháu trong nhà biết, và không muốn điều trị. Mình phải đến gặp riêng chị ấy nhiều lần mới thuyết phục được chị ấy đổi ý và tham gia điều trị HIV.” Chị Thanh*, đồng đẳng viên thuộc một nhóm tự lực của phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi HIV ở Hà Nội cho biết.
“Một chị em làm nghề là khách hàng của nhóm mình, chị ấy có H. Có lần khi chị ấy tìm đến nhóm mình để nhờ giúp đỡ thì đã có triệu chứng bị nhiễm trùng qua đường tình dục một thời gian rồi nhưng vẫn chưa đi khám bác sĩ. Lúc qua gặp nhóm mình, chị ấy đã phải tạm nghỉ làm rồi. Đến lúc điều trị, chị ấy cũng định bỏ giữa chừng vì nói điều trị mất thời gian quá. Rất nhiều chị em làm nghề, đặc biệt là ở các vùng miền núi như chỗ mình chưa có ý thức chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản của bản thân.” Chị Hoài* ở tỉnh Thái Nguyên cho biết.
“Ở chỗ mình có một cháu bé có HIV không được nhận vào trường tiểu học. Nhóm của mình đã hướng dẫn gia đình làm đơn gửi nhà trường và các ban ngành liên quan để bảo vệ quyền được đi học của cháu. Kỳ thị liên quan đến HIV vẫn còn đó và chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức và kiến thức về HIV, không chỉ trong cơ sở y tế mà cả các trong các môi trường khác.” Chị Vân* ở tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Nhiều câu chuyện về phụ nữ có HIV và phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi HIV giúp đỡ lẫn nhau để sống khỏe hơn, sống tốt hơn đã được chia sẻ tại sự kiện kết nối các phụ nữ sống với HIV và phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi HIV do UNAIDS và UN Women phối hợp hỗ trợ, nhân dịp Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2023. Hơn 90 phụ nữ đại diện các tổ chức cộng đồng của các nhóm phụ nữ này đến từ tất cả các vùng miền của Việt Nam đã tham dự.
Sự kiện gồm hoạt động kết nối mạng lưới và hoạt động phổ biến thông tin cập nhật về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho phụ nữ có HIV, do Cục phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế trình bày và về quĩ tín dụng vi mô dành cho phụ nữ dễ bị tổn thương do Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam trình bày. Đại diện các tổ chức cộng đồng của phụ nữ cũng thảo luận chi tiết các phát hiện chính từ một đánh giá về nhu cầu và năng lực của Mạng lưới quốc gia phụ nữ sống với HIV (VNW+) và sự tham gia của VNW+ trong các không gian ra quyết định. Đánh giá này do mạng lưới VNW+ thực hiện trong năm 2023 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Mạng lưới quốc tế phụ nữ sống với HIV (ICWAP) và Văn phòng UNAIDS khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Những nhu cầu chính cần của phụ nữ sống với HIV và phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi HIV bao gồm chăm sóc sức khỏe, cụ thể là về HIV, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục, ung thư cổ tử cung, và sức khỏe tâm trí (mental health); tạo sinh kế và thu nhập bền vững; giải quyết tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới; và, nâng cao năng lực cho các tổ chức cộng đồng và mạng lưới của phụ nữ sống với HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV. Thảo luận cũng đưa ra các đề xuất về giải pháp và hành động trong thời gian trước mắt và lâu dài hơn.
“Tại sự kiện này tôi mới được biết về quỹ tín dụng vi mô TYM** dành cho phụ nữ dễ bị tổn thương của Hội phụ nữ. Giá mà tôi được biết về quĩ này sớm hơn. Tôi cũng hy vọng quỹ TYM sẽ mở rộng phạm vi hơn 13 tỉnh thành hiện có để thêm nhiều chị em phụ nữ được hưởng lợi.”
“Chúng ta không chỉ cần được vay vốn mà quan trọng hơn các chị em cần được giúp định hướng về nghề nghiệp hay hướng kinh doanh nhỏ sao cho phù hợp với thực lực của từng nhóm chị em và tính chất vùng miền. Chúng ta cũng cần được đào tạo để có kỹ năng quản lý vốn vay một cách hiệu quả, thì nguồn vốn này mới có thể sinh sôi để nhiều chị em khác cũng được hưởng lợi.”
Nhiều chị em đồng tình với những ý kiến này, được đưa ra trong phần thảo luận sâu tại các nhóm.
Phát biểu tại sự kiện, Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền trưởng đại diện cơ quan UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện này trước thềm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Chiến dịch toàn cầu về 16 ngày hành động để chấm dứt mọi hình thức bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ.
“Người sống với HIV trong đó có phụ nữ sống với HIV cần có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc và điều trị, tới các nguồn lực cũng như các cơ hội sinh kế để họ có thể sống khỏe mạnh và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta không chỉ cần lên tiếng về các nhu cầu và khó khăn mà phụ nữ đang phải đối mặt. Chúng ta còn cần lên tiếng về những nỗ lực mà phụ nữ đã và đang hỗ trợ nhau trong cuộc sống, về vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Để giải quyết các khó khăn của phụ nữ, chúng ta cần cùng nhau nỗ lực, cần tạo dựng các quan hệ đối tác mới để nhiều bên liên quan có thể cùng phối hợp. Cùng nhau, chúng ta hãy đảm bảo sự tham gia của phụ nữ sống với HIV và phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi HIV ở tất cả các cấp, và Liên Hợp Quốc sẽ đồng hành cùng các bạn trong nỗ lực này.”
*Không phải tên thật
**TYM: Tên viết tắt của quĩ tài chính vi mô dành cho phụ nữ dễ bị tổn thương, do Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam thành lập và điều hành