Hướng tới một đáp ứng HIV bền vững cùng với cộng đồng, vì cộng đồng
---
Khi nguồn tài trợ quốc tế cho phòng, chống HIV bắt đầu giảm sút, các tổ chức cộng đồng của những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV đã không ngần ngại đối mặt với thử thách này, nỗ lực tự vươn lên để đảm bảo rằng các giải pháp phòng, chống HIV do cộng đồng thúc đẩy không chỉ tiếp tục tồn tại, mà còn có thể phát triển hơn nữa.
S Đỏ, một tổ chức cộng đồng (CBO) có trụ sở tại thành phố Cần Thơ, là một ví dụ điển hình về nỗ lực để thích ứng này, có thể được coi là mô hình thực hành tốt về tăng cường tính bền vững và đổi mới trong đáp ứng của cộng đồng với HIV ở Việt Nam.
Một bước ngoặt
Được thành lập vào năm 2012 bởi và dành cho cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và cộng đồng người chuyển giới, S Đỏ khởi đầu là một sáng kiến nhỏ được hỗ trợ bởi các nhà tài trợ quốc tế nhằm cung cấp các dịch vụ tiếp cận cộng đồng, tư vấn và xét nghiệm HIV, là những dịch vụ quan trọng để phòng, chống HIV trong các nhóm cộng đồng yếu thế, có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Trong nhiều năm, các chương trình can thiệp phòng, chống HIV ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế như PEPFAR và Quỹ Toàn cầu. Các nguồn tài trợ này đã cung cấp tài chính cho nhiều loại thuốc, sinh phẩm và dịch vụ HIV thiết yếu như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), bộ dụng cụ và sinh phẩm tự xét nghiệm và hầu hết các hoạt động tư vấn, tiếp cận cộng đồng để cung cấp dịch vụ. Nhưng với việc Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nguồn tài trợ này đang giảm dần. Điều này đã khiến các tổ chức như S Đỏ đứng trước ngã ba đường: thích ứng với sự thay đổi hoặc có nguy cơ đánh mất những thành quả mà nhóm đã nỗ lực rất nhiều mới có được trong nâng cao năng lực cho bản thân và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV.
Đặng Quốc Phong, trưởng nhóm S Đỏ và tự nhận là một người phi nhị nguyên về giới, cho biết: “Khi nguồn tài trợ nước ngoài bắt đầu giảm sút, chúng tôi phải đưa ra lựa chọn: hoặc thu hẹp hoạt động hoặc tự tìm cách duy trì hoạt động. Chúng tôi luôn tin rằng các giải pháp phải đến từ chính cộng đồng, và chúng tôi đã lựa chọn cố gắng để tiếp tục phát triển”.
Quyết định đa dạng hóa
Đội ngũ quản lý S Đỏ bắt đầu đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời: Làm thế nào để S Đỏ có ngân sách hoạt động mà không chỉ dựa vào các khoản tài trợ? S Đỏ có thể tận dụng những thế mạnh nào để tạo ra một tương lai bền vững hơn cho nhóm? -- S Đỏ đã nhìn vào chính cộng đồng của mình để tìm cảm hứng và ý tưởng phát triển bền vững.
Thông qua công việc của mình, S Đỏ nhận thấy cộng đồng có nhiều nhu cầu về kỹ năng sống, đào tạo nghề và tư vấn về nhạy cảm giới – đây là một cơ hội để bắt đầu tạo nguồn thu nhập bền vững. Nhận thức này đã dẫn đến việc thành lập nhánh doanh nghiệp xã hội của nhóm S Đỏ, cung cấp các dịch vụ xây dựng, nâng cao năng lực như hội thảo tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kỹ thuật tư vấn và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV, xây dựng sản phẩm truyền thông. Khách hàng bao gồm các tổ chức quốc tế như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế và các cơ quan địa phương như Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Cần Thơ và Hội Phụ nữ, cũng như tổ chức các lớp đào tạo cho các thành viên cộng đồng đang tìm kiếm hỗ trợ về việc làm.
Phong chia sẻ: “Đây là một nỗ lực, hướng đi mà đôi bên cùng có lợi. Sứ mệnh của chúng tôi luôn lấy phục vụ cộng đồng làm trọng tâm trong tất cả các việc chúng tôi làm. Chúng tôi đang xây dựng kỹ năng, năng lực trong cộng đồng, góp phần cải thiện cuộc sống của thành viên cộng đồng, đồng thời cũng tạo ra nguồn thu phục vụ cho hoạt động của nhóm.”
Hiện nay, khoảng 30% chi phí hoạt động của S Đỏ đến từ doanh thu của các dịch vụ tập huấn nâng cao năng lực. Phần còn lại đến từ các khoản tài trợ ngắn hạn và trung hạn của các tổ chức quốc tế. S Đỏ tái đầu tư thu nhập của mình vào các dịch vụ xét nghiệm HIV miễn phí, tư vấn sức khỏe tâm thần và tiếp cận cộng đồng. Nhóm phân công công việc cho các thành viên theo các nhóm chuyên môn khác nhau, đảm bảo rằng hoạt động tạo thu nhập không ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ HIV và chăm sóc sức khỏe khác cho cộng đồng.
Những thách thức trong quá trình đổi mới
Chuyển sang mô hình tự chủ tài chính có không ít thách thức. Sau nhiều năm hoạt động như một nhóm cộng đồng và phi lợi nhuận dựa vào các khoản tài trợ, S Đỏ hiện nay phải học cách tạo ra doanh thu trong khi vẫn trung thành với sứ mệnh phục vụ cộng đồng của mình.
Phong thừa nhận: “Lúc đầu, thật khó khi phải suy nghĩ theo hướng rằng chúng tôi sẽ trở thành một loại hình tổ chức nào đó khác với mô hình hoạt động phi lợi nhuận. Chúng tôi phải chấp nhận thay đổi tư duy và tìm hiểu, nỗ lực rất nhiều để trở thành một doanh nghiệp xã hội.”
Cũng có những khó khăn, phức tạp khi tìm hiểu và tuân thủ các qui định pháp lý cũng như quản lý tài chính. Việc tìm hiểu và đáp ứng các quy định về thuế và báo cáo của nhà nước đòi hỏi dành rất nhiều thời gian và công sức. Phong cho biết: "Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để học hỏi, tự nâng cao năng lực, trau dồi bản thân",
Sức mạnh của hành động tập thể
Thành công của S Đỏ chính là nhờ vào tinh thần hợp tác. Là thành viên sáng lập của Mạng lưới CBO Đồng bằng sông Cửu Long, S Đỏ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc tăng cường kết nối giữa các nhóm cộng đồng thông qua tư vấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và các sáng kiến xây dựng năng lực.
Ngoài các quan hệ đối tác ở ngay địa phương nơi nhóm hoạt động, S Đỏ còn hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cũng như các đối tác phát triển quốc tế khác. Hoạt động như một đơn vị tư vấn cộng đồng đáng tin cậy, S Đỏ giúp thiết kế và triển khai các chương trình phù hợp với cộng đồng MSM và người chuyển giới, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng phạm vi tiếp cận với cộng đồng.
Phong chia sẻ thêm: “Sứ mệnh phục vụ cộng đồng của chúng tôi là quan trọng nhất. Thông qua hợp tác cùng phát triển, chúng tôi đang xây dựng một mạng lưới nhằm tạo ra sự thay đổi thực chất và lâu dài cho cộng đồng của mình”.
Hội thảo tham vấn của UNAIDS giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về cộng đồng mình
Sự chuyển đổi của S Đỏ là một phần của một xu hướng thay đổi lớn hơn đang diễn ra trong ứng phó với HIV của Việt Nam. Vào tháng 8 năm 2024, Phong đã cùng các đại diện cộng đồng khác tham gia một hội thảo tham vấn cộng đồng do UNAIDS phối hợp với Cục phòng, chống HIV/AIDS tổ chức tại Hà Nội để thảo luận về giải pháp cho các tổ chức cộng đồng có thể duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV trong bối cảnh tài trợ nước ngoài cho đáp ứng với HIV ngày càng giảm.
Buổi tham vấn nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc thúc đẩy ứng phó với HIV. Các khuyến nghị chính của cộng đồng bao gồm tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu về dịch HIV và sự hợp tác giữa cộng đồng và các cơ quan y tế; xây dựng cơ chế, chính sách để tổ chức cộng đồng có thể tiếp cận nguồn ngân sách để thực hiện cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV; nhân rộng mô hình phòng khám đa dịch vụ do cộng đồng quản lý; và đảm bảo có môi trường chính sách mang tính khuyến khích, có hướng dẫn rõ ràng để tăng cường vai trò của tổ chức cộng đồng trong đáp ứng với HIV. Những người tham gia thảo luận cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục được nhận các hỗ trợ kỹ thuật nhằm cải thiện năng lực quản lý tài chính và nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV cung cấp cho cộng đồng.
Đối với Phong, hội thảo tham vấn là một hoạt động rất có ý nghĩa. Phong cho biết: “Hội thảo tham vấn là lời nhắc nhở rằng nhóm chúng tôi không đơn độc trong những gì chúng tôi đang làm. Qua hội thảo, chúng tôi thấy rằng những trải nghiệm và giải pháp của nhóm chúng tôi là một phần của một hướng đi lớn hơn cho các tổ chức cộng đồng tham gia phòng, chống AIDS”.
Tầm nhìn cho tương lai
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy tính bền vững của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong cả nước, bao gồm tính bền vững của đáp ứng với HIV do cộng đồng thúc đẩy, nhóm S Đỏ là một thực hành tốt về cách các tổ chức cộng đồng có thể chủ động, phát huy nội lực và đổi mới, để hợp tác và phát triển bền vững.
Giám đốc quốc gia UNAIDS tại Việt Nam, ông Raman Hailevich, nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không duy trì được các hoạt động phòng, chống HIV do cộng đồng thúc đẩy, chúng ta có nguy cơ thua cuộc trong cuộc chiến chống HIV và sẽ không đạt được mục tiêu chung là chấm dứt dịch bệnh AIDS. Nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan gồm chính phủ, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ là vô cùng cần thiết để tiếp tục nâng cao năng lực và củng cố môi trường thuận lợi cho các tổ chức cộng đồng tham gia vào phòng, chống HIV/AIDS. Điều này rất quan trọng để xây dựng niềm tin trong quan hệ đối tác phòng, chống HIV, cung cấp nguồn lực và tạo điều kiện cho tổ chức cộng đồng của những người sống với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV giúp họ có những đóng góp to lớn hơn, bền vững hơn cho ứng phó với HIV. Một đáp ứng bền vững với HIV cần được xây dựng và phát triển cùng với cộng đồng, vì cộng đồng, với sự hỗ trợ của tất cả các bên liên quan.”