[Sống Tích Cực] Bùi Thị Chi, Nữ chuyển giới tại Sơn La
08 tháng 12 2019
Hôm đó là ngày 27 tháng 11 năm 2014. Em nhớ rất rõ vì đó là ngày đưa em đến thời điểm hiện tại.
“Đã 5 cái Tết rồi em không được về nhà. Năm đầu tiên em rất oán trách gia đình. Đêm nào em cũng nằm khóc, gần sáng là mắt sưng vù.
Hôm đó là ngày 27 tháng 11 năm 2014. Em nhớ rất rõ vì đó là ngày đưa em đến thời điểm hiện tại. Lúc đó em đang học lớp 11. Không biết có phải do định mệnh không. Em đưa bạn trai về nhà chơi. Bạn ấy là mối tình đầu của em. Ở trong phòng, chúng em nắm tay và hôn môi nhưng em quên không đóng cửa. Không hiểu sao hôm đó bố em lại lên gọi ăn cơm. Không biết bố đã đứng ngoài cửa nhìn bao nhiêu lâu. Khi bố lên tiếng, em biết bố rất giận. Chân tay em run rẩy, em không biết giải thích thế nào. Bố nổi cáu, đập ấm chén và đồ đạc. Mẹ chạy ra hỏi vì sao thì ông ném luôn cái điếu cày hút thuốc lào vào người em. Em chảy máu, đến giờ vẫn còn sẹo.
Vừa chảy máu, em vừa quỳ xuống xin lỗi bố. Cả bạn kia và mẹ cũng quỳ xuống xin, nhưng bố bảo “Từ nay mày không phải con của tao” rồi ném đồ đạc của em ra khỏi nhà.
Em lên nhà dì trú tạm, dì lại đưa em về xin lỗi bố. Nhưng em về thì đồ đạc trong phòng em đã được dọn sạch cả. Ông nóng tính còn cầm dao đuổi em trước cửa nhà. Em khóc em bỏ đi. Ngày đó em nông nổi, em oán trách bố, giận bố rất nhiều.
Từ đúng hôm đó em cũng nghỉ học luôn, em đi làm nhiều nơi, từ Lào Cai, Sơn La đến Hà Nội. Cứ làm một thời gian, họ trêu nhiều quá em lại xin nghỉ. Hồi đó em không hiểu gì, không biết gì, em chỉ cười, không biết nói sao.
Lúc đó em biết đến và tham gia một nhóm trên mạng, là nhóm những người cùng hoàn cảnh không có nơi để về như em. Mọi người tâm sự, kể với nhau nhiều. Em cũng mạnh dạn, bớt tự ti và sống thật hơn. Em bắt đầu công khai, dùng son phấn và không để bản thân bị gò bó nữa. Cũng vì thế mà em đi xin việc khó hơn.
Em không có nơi để về như mọi người, phải tự lực hết. Đầu năm 2018, em quen một người, ông ấy bảo em lên Quỳnh Nhai làm mát xa tẩm quất. Nhưng thực ra ông ấy là môi giới đi khách. Em ở trong một khu nhà trọ, bên ngoài thì như nhà trọ bình dân, nhưng bên trong có 5 phòng riêng đóng kín. Hôm đó, vào phòng có 3 người, một người còn quay phim. Nhiều trò bạo lực quá, nghĩ lại em vẫn thấy sợ. Em khóc hoảng loạn, họ tát em. Hôm đó về em không dậy nổi, em khóc và tự hỏi sao mình lại trở thành thế này.
Em nhắn tin cho một người chị như em tên là Thủy, chị bảo “Xuống chỗ chị đi, chị đang ở Mộc Châu”. Em nói dối ông chủ dãy trợ ở đó là em ra ngoài lấy dầu gội, rồi cứ thế em chạy bộ đi, bỏ hết mọi thứ để về chỗ chị ấy. Buổi đó ám ảnh em mãi. Nên bây giờ ai bảo đi “ba-some” (threesome) là em sợ lắm, trả bao nhiêu tiền em cũng không dám đi.
Lúc đó ở Sơn La em chỉ biết chị Thủy. Em vẫn nhớ ngày đầu gặp nhau, hai chị em đã tâm sự ở quán trà sữa, chị cũng kể nhiều chuyện. Cả hai đều khóc: “Ai cũng hoàn cảnh như nhau”. Từ đấy em về ở cùng phòng trọ với chị Thủy nên cũng đỡ bơ vơ. Mấy chị em cùng dựa vào nhau. Em cũng thân với một chị như chúng em nữa. Tết đến không có nơi để về, các chị lại thay nhau đưa em về nhà ăn Tết cùng cho em đỡ buồn.
Giờ em cũng bình tĩnh hơn và không nông nổi nữa. Qua tiếp xúc dần và có thông tin, em hiểu lý do và phản ứng của bố, em không oán hận bố nữa. Bố cũng khổ tâm lắm. Nên em vẫn gọi điện cho bố dù bố không nói gì. Em nghĩ bây giờ bố không chấp nhận mình nữa cũng không sao, miễn là mình cố gắng có một công việc ổn định, đi làm có tiền gửi về cho bố mẹ là được rồi.” - Bùi Thị Chi, Nữ chuyển giới tại Sơn La