Thông cáo báo chí

Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chung tay cùng các đối tác thúc đẩy môi trường giáo dục an toàn cho học sinh/sinh viên thuộc cộng đồng LGBTIQ+

04 tháng 11 2021

Hà Nội (Việt Nam), 6 tháng 11 2021 ­– Liên Hợp Quốc tại Việt Nam hôm nay phối hợp với Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Việt Nam và Mạng lưới quần thể đích trẻ Việt Nam (VYKAP) tổ chức một buổi tọa đàm trực tuyến năng động với sự tham gia của nhiều bên liên quan, thể hiện nỗ lực chung của Trường Đại học Giáo dục và các tổ chức làm việc với cộng đồng LGBTIQ+ trong việc xây dựng những môi trường giáo dục an toàn hơn cho học sinh, sinh viên là người đồng tính, song tính, người chuyển giới, người liên giới tính và các nhóm đa dạng tính dục khác (viết tắt là LGBTIQ+). Với chủ đề “Vì môi trường giáo dục an toàn và tôn vinh sự đa dạng”, buổi tọa đàm kết hợp sự tham gia của các khách mời trực tiếp và trực tuyến là một phần của Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2021 của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Sự kiện này là một phần quan trọng trong chiến dịch truyền thông mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức #viTUHAO_HANHDONGnao #StandwithPRIDE được khởi động từ giữa tháng 10, với mục đích giúp các nhà giáo, giáo viên hiện tại và tương lai nhận thức được sức mạnh của họ trong việc tạo nên xã hội có tính bao trùm qua việc giảng dạy giáo dục giới tính toàn diện và tôn vinh sự đa dạng. 

Qua tham vấn với nhiều tổ chức, cộng đồng và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực quyền của cộng đồng LGBITQ+ tại Việt Nam, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng xác định rằng Giáo dục Giới tính Toàn diện, với sự tập trung vào kiến thức liên quan tới xu hướng tính dục, bản dạng giới, thể hiện giới, và các đặc điểm giới tính khác (viết tắt là SOGIESC), là một chủ đề được quan tâm và cần được đẩy mạnh. Những vấn đề này được cho là quan trọng trong việc đảm bảo quyền và sự chấp nhận đối với cộng đồng LGBTIQ+, cũng như thúc đẩy những hành vi tình dục an toàn trong giới trẻ. Chiến dịch Tự do và Bình đẳng 2021 nhận thấy nhóm giáo viên và sinh viên sư phạm là những người đóng vai trò quan trọng và là những nhân tố tạo ra sự thay đổi. Với lăng kính này, Chiến dịch thúc đẩy sự tham gia của hàng trăm sinh viên sư phạm nhằm nâng cao nhận thức của họ về các chủ đề giáo dục giới tính toàn diện, và khuyến khích họ đưa những nội dung này vào công tác giảng dạy trong tương lai. Qua đó, họ sẽ giúp phần tạo nên môi trường giáo dục tôn vinh sự đa dạng và an toàn cho tất cả học sinh, sinh viên.

Trong bài phát biểu tại buổi tọa đàm, Vũ Trần Dũng, người sáng lập và Cố vấn Mạng lưới Cấp cao của VYKAP, cho biết “đối với các bạn học sinh, sinh viên nói riêng và các bạn ở độ tuổi vị thành niên nói chung, bạn bè, thầy cô, và cha mẹ chính là tam giác có sức ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc nhất. Mặc dù vậy, thực trạng ở các trường học là giáo dục giới tính cho học sinh, sinh viên đang còn khá bị coi nhẹ và gò bó bởi những tiêu chuẩn.” Điều này dẫn tới nhiều học sinh, sinh viên thiếu kiến thực hoặc có nhận thức sai lầm về SOGIESC, và giới trẻ không có đủ kiến thức hoặc không biết cách tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, gồm cả các dịch vụ về HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.

Một cuộc khảo sát trước chiến dịch đối với 100 sinh viên sư phạm tuổi từ 19 đến 28 cho thấy 85% số sinh viên được hỏi đồng ý với mục tiêu trên của chiến dịch, và mục tiêu này cũng phù hợp với kế hoạch quốc gia về việc lồng ghép giáo dục giới tính toàn diện vào chương trình giáo dục qua quá trình đào tạo sinh viên sư phạm. Tuy vậy, 77% sinh viên sư phạm cho biết họ không cảm thấy có đủ kiến thức về SOGIESC và các vấn đề ảnh hưởng tới cộng đồng LGBTIQ+ để có thể truyền tải kiến thức một cách hiệu quả tới các học sinh tương lai. 98% số sinh viên sư phạm được hỏi cho biết những hiểu biết về các vấn đề này của họ có được từ bạn bè, mạng internet, báo chí hoặc tương tác trực tiếp với cộng đồng LGBTIQ+, và chỉ 2% cho biết họ từng được học về các vấn đề này ở trường.

GS. TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, một trong những trường đại học sư phạm lớn nhất cả nước, cũng nhấn mạnh vai trò của các giáo viên tương lai trong việc tạo nên những thay đổi có tác động và tính bền vững hướng tới một môi trường chấp nhận sự đa dạng. Theo GS. TS. Thanh “mỗi sinh viên sư phạm là một cá nhân, một công dân toàn cầu tương lai, và họ cũng chính là một phần trong sự đa dạng vốn có của cuộc sống. Khi có cách nhìn nhận vấn đề đa chiều, sâu sắc và toàn diện, các em sẽ góp phần thúc đẩy môi trường giáo dục an toàn, mà ở đó mọi sự khác biệt và đa dạng được tôn trọng. Qua sự kiện hôm nay, chúng ta, những nhà giáo và học sinh, sinh viên và cả cộng đồng sẽ hiểu hơn về sự quan trọng của thấu cảm và tôn trọng, về niềm Tự hào khi là Nhà giáo, những người đã, đang và sẽ góp phần tạo nên ‘Môi trường giáo dục an toàn và tôn vinh sự đa dạng’.”

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cũng củng cố thêm vai trò quan trọng của quan hệ đối tác trong giáo dục trong nỗ lực tạo nên môi trường giáo dục an toàn hơn cho cộng đồng LGBTIQ+.

“Sự kiện ngày hôm nay tượng trưng cho mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn giữa Trường Đại học Giáo dục, VYKAP và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, trong một niềm tin chung rằng việc ủng hộ môi trường giáo dục an toàn cho học sinh, sinh viên thuộc cộng đồng LGBTIQ+, và tất cả các học sinh khác, là một trong những đóng góp quan trọng nhất cho sự phát triển của ngành giáo dục cả nước. Cùng nhau chúng ta có thể chung tay tạo nên một Việt Nam kiên cường và bao trùm hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.” - Ông Christian Manhart nói.

Thông tin về Chiến dịch Tự do và Bình đẳng 2021 tại Việt Nam

Được Liên Hợp Quốc khởi xướng, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng là một chiến dịch toàn cầu và xuyên suốt từ năm 2013 nhằm thúc đẩy đối xử bình đẳng và hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBTIQ+. Ngoài các chiến dịch toàn cầu và sự kiện do Liên Hợp Quốc tổ chức, những chiến dịch cấp quốc gia đã được tổ chức tại gần 30 nước trên thế giới với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc cùng các đối tác ngoài Liên Hợp Quốc tại từng nước. Năm 2021 là năm thứ ba Chiến dịch Tự do và Bình đẳng được tổ chức tại Việt Nam. Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2021 được UNESCO điều phối với sự hỗ trợ của UNAIDS và UNDP, và hợp tác với Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UEd) và Mạng lưới quần thể đích trẻ Việt Nam (VYKAP).

Là một phần của Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2021 tại Việt Nam, chiến dịch mạng xã hội #viTUHAO_HANHDONGnao #StandwithPRIDE đã và đang truyền tải kiến thức về SOGIESC, thực trạng về bạo lực trên cơ sở giới trong học đường, và chia sẻ những câu chuyện thực tế của những người thuộc cộng đồng LGBTIQ+. Dự tính kết thúc vào 10/11, tính tới nay chiến dịch mạng xã hội này đã ra mắt 11 trên 13 bài viết, với trung bình 20.000 lượt tiếp cận mỗi bài trên trang Facebook của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Thực trạng bạo lực trên cơ sở giới mà học sinh, sinh viên LGBTIQ+ vẫn đang gặp phải, và những ước muốn của học sinh LGBTIQ+ khi hình dung một môi trường giáo dục an toàn là những nội dung đang được nhiều người quan tâm, với những bài viết này tính tới nay có được 56.000 và 33.000 lượt truy cập.

Buổi tọa đàm “Vì môi trường giáo dục an toàn và tôn vinh sự đa dạng” đã mở ra một cuộc đối thoại sôi động về giáo dục giới tính toàn diện trong trường học, và có sự tham gia của các diễn giả khách mời gồm PGS. TS. Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; anh Vũ Trần Dũng, người sáng lập và Cố vấn Mạng lưới Cấp cao – VYKAP, và các thành viênss thuộc cộng đồng LGBTIQ+ khác.

Buổi tọa đàm được phát sóng trực tiếp trên Facebook.

Để xem thêm thông tin về Chiến dịch, vui lòng truy cập trang web của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, hoặc liên hệ:

Hoàng Huyền

Cán bộ Truyền thông

UNESCO tại Việt Nam

Email: th.hoang@unesco.org

 

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

OHCHR
Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền
UN
Liên Hợp Quốc
UNAIDS
Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS
UNDP
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này