Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 để AIDS không còn là mối nguy cho sức khỏe cộng đồng – đây là một mục tiêu có thể thực hiện được.
Nhưng để đạt được mục tiêu này chúng ta cần gỡ bỏ các rào cản đang ngăn người dân không tiếp cận được tới các dịch vụ thiết yếu để có thể sống khỏe.
Cứ 25 giây trôi qua, thế giới lại có thêm một người nhiễm HIV.
Vẫn còn đến một phần tư tổng số người đang sống với HIV – tức là hơn 9 triệu người – chưa tiếp cận được tới điều trị HIV để kéo dài cuộc sống.
Luật pháp, chính sách và những thực hành mang tính trừng phạt, kỳ thị những người dân thuộc các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương – đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và những người dân tộc thiểu số -- đang cản trở họ tiếp cận tới các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV đã cho thấy có hiệu quả cao trong thực tế.
Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay nhắc nhở chúng ta rằng cuộc chiến chống lại AIDS có thể thắng lợi nếu các nhà lãnh đạo áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền để đảm bảo rằng mỗi người dân – nhất là những người dễ bị tổn thương – đều không phải lo sợ khi tiếp cận các dịch vụ mà họ cần sử dụng.
Những tiến bộ mang theo niềm hy vọng lớn lao mà thế giới đã đạt được trong ứng phó với HIV có được là nhờ tình đoàn kết toàn thế giới và việc bảo vệ quyền con người.
Chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch AIDS thành quá khứ nếu quyền của mỗi người dân, ở mọi nơi, đều được đảm bảo.
Tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo quan tâm đến chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay và lựa chọn con đường bảo vệ quyền của người dân.