Thông cáo báo chí

LIÊN HỢP QUỐC TẠI VIỆT NAM ỦNG HỘ NHỮNG NGƯỜI THUỘC CỘNG ĐỒNG LGBTI ĐÃ PHÁ VỠ SỰ IM LẶNG NHÂN NGÀY QUỐC TẾ CHỐNG KỲ THỊ, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI ĐỒNG TÍNH, SONG TÍNH, CHUYỂN GIỚI VÀ LIÊN GIỚI TÍNH (IDAHOT) 2020

17 tháng 5 2020

  • Hà Nội (Việt Nam), ngày 17 tháng 5 năm 2020 Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (LHQ) cùng các tổ chức trên khắp thế giới chào mừng ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (IDAHOT) - 17 tháng 5. Năm nay chúng ta nhấn mạnh vào chủ đề Phá vỡ sự im lặng, tập trung vào sức mạnh từ sự hiện diện của cộng đồng những người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI), và tầm quan trọng của những môi trường an toàn để có thể tạo điều kiện cho sự hiện diện này.
Photo: © UN in Viet Nam

Sự hiện diện của cộng đồng LGBTI – thông qua các nhân vật của công chúng thuộc cộng đồng LGBTI, các câu chuyện tự sự, các sự kiện truyền thông và văn hóa như VietPride và các sự kiện kỷ niệm niềm tự hào của cộng đồng LGBTI trong khu vực - mang lại sự can đảm cho những người khác thuộc cộng đồng LGBTI để “bộc lộ và trở thành đúng con người của họ”. Sự hiện diện của cộng đồng LGBTI cũng có tác động sâu rộng hơn trong xã hội, như trong nội dung của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. Điều này góp phần đẩy lùi tình trạng bất bình đẳng về y tế, giáo dục và việc làm, và thúc đẩy bình đẳng giới, giúp đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) 3, 4, 5 và 8, đồng thời lấp đầy các thiếu hụt về số liệu liên quan đến cộng đồng LGBTI.

Để một người có thể hoàn toàn là chính mình và được xã hội công nhận có thể là một kinh nghiệm trao quyền tuyệt vời. Sự công nhận cùng với một môi trường an toàn giúp những người thuộc cộng đồng LGBTI tham gia tích cực hơn vào đời sống công cộng và tạo ra các đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đồng thời bảo vệ các quyền con người. Thật không may, sự hiện diện của một người thuộc cộng đồng LGBTI lại thường khiến họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị gạt bỏ và thậm chí bị bạo hành, đôi khi còn bị trầm trọng thêm bởi sự thiếu chấp nhận ở ngay chính gia đình và xã hội của họ. Bằng những hành động đơn giản của sự đoàn kết trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể đem lại một bước tiến dài trong việc tạo ra môi trường an toàn hơn để phá vỡ sự im lặng.

Quyền để có một môi trường an toàn, thậm chí còn thiết yếu hơn ở vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, khi nhiều người, bao gồm cả người thuộc cộng đồng LGBTI, đấu tranh để có một nơi an toàn mà họ có thể gọi là nhà. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần đảm bảo rằng những thách thức cụ thể mà những người ở các bản dạng giới khác nhau trong cùng mái nhà LGBTI đang đối mặt được giải quyết. Đứng trước những lo ngại về các tình huống dễ tổn thương do COVID-19 đối với nhiều người thuộc cộng đồng LGBTI, Liên Hợp Quốc đã đưa ra một hướng dẫn giúp các Chính phủ ứng phó với đại dịch. Phải đối mặt với một môi trường không thân thiện từ các thành viên gia đình hoặc người sống chung mà không có sự chia sẻ, hoặc tại các cơ sở kiểm dịch đầy thách thức, một số người thuộc cộng đồng LGBTI, đặc biệt là người chuyển giới, đa dạng giới và không tuân theo giới tính nào, có thể bị bạo lực nhiều hơn, cũng như có khả năng rơi vào lo lắng và trầm cảm, thậm chí ít hoặc không liên hệ được với những người chủ chốt trong cộng đồng của họ và các dịch vụ hỗ trợ khác. Các biện pháp giải quyết bạo hành trên cơ sở giới nên bao gồm những người thuộc cộng đồng LGBTI và các hạn chế đi lại nên cung cấp sự bảo vệ cho những người chuyển giới, đa dạng giới và không tuân theo giới. Ngoài ra, do các cơ hội việc làm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều người LGBTI có thể rơi vào tình trạng phải ở tại một nơi ở không an toàn hoặc trở thành vô gia cư. Các biện pháp giải quyết các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch nên chú ý đến khía cạnh dễ tổn thương một cách cụ thể của những người thuộc cộng đồng LGBTI. Cuối cùng, một số người LGBTI có thể miễn cưỡng tìm kiếm hoặc phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận chăm sóc y tế do lo ngại phân biệt đối xử, và các nỗ lực cụ thể nên được thực hiện để loại bỏ những trở ngại này.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ trong việc phá vỡ sự im lặng và bảo vệ quyền con người cho những người thuộc cộng đồng LGBTI. Trong Đánh giá Định kỳ Phổ quát lần thứ ba của Liên Hợp Quốc vào năm 2019, Việt Nam đã cam kết ban hành Luật chống phân biệt đối xử bằng cách đảm bảo sự bình đẳng, bất kể khuynh hướng tính dục và bản dạng giới[1]. Việt Nam cũng đã cam kết ban hành luật "đảm bảo quyền được tiếp cận đến điều trị khẳng định giới tính và công nhận giới tính hợp pháp"[2]. Đây là thời điểm để chuyển những cam kết đó thành hành động, ví dụ: bằng cách áp dụng Luật Khẳng định Giới tính với quan điểm tự xác định giới tính và không cần chẩn đoán y tế; tăng cường hơn nữa Luật Hôn nhân và Gia đình để đảm bảo sự bình đẳng và bảo vệ các cặp vợ chồng đồng giới và các gia đình cầu vồng; và thực hiện các lệnh cấm hiện có về phân biệt đối xử đối với những người LGBTI trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả việc làm. Để có sự ảnh hưởng lớn nhất, những cải cách như vậy cần tiếp tục được thúc đẩy với sự tham vấn chặt chẽ với cộng đồng LGBTI, các nhà hoạt động, các tổ chức dựa vào cộng đồng, các dịch vụ hỗ trợ, xã hội dân sự, các doanh nhân và các đối tác khác - những người đã phá vỡ sự im lặng trong nhiều năm qua.

LHQ tự hào hợp tác với nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, nơi đang ngày càng trở thành những nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy các tiêu chuẩn quan trọng của Liên Hợp Quốc,

bao gồm các tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề của cộng đồng LGBTI. Chúng tôi kêu gọi nhiều doanh nghiệp hơn nữa cùng chung tay, kêu gọi Chính phủ thúc đẩy sáng kiến này và kêu gọi người dân Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp đảm nhận vai trò tích cực này.

Thay mặt LHQ tại Việt Nam, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, ông Kamal Malhotra nhắc lại, "giống như cách Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tác động của chúng, trong khi vẫn giữ vững cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), chúng tôi muốn nhấn mạnh lại về sức mạnh của sự đoàn kết và ý nghĩa của việc Không để ai bị bỏ lại phía sau. Ông Malhotra kết luận, “bằng cách tạo lập môi trường để những người thân, bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp của chúng ta là những người thuộc cộng đồng LGBTI được an toàn và phá vỡ sự im lặng mỗi ngày, Việt Nam và LHQ có thể tiếp tục xây dựng một xã hội nơi tất cả chúng ta thực sự được an toàn, tự do và bình đẳng".

[1] Đánh giá Định kỳ Phổ quát lần thứ ba của Việt Nam, Khuyến nghị 38.109, từ Chile: Xây dựng luật chống phân biệt đối xử với các khác biệt về khuynh hướng tình dục và bản dạng giới. (Tháng 1 năm 2019). Việt Nam cũng cam kết với Khuyến nghị 38.97 từ Malta: Thực hiện các bước tiếp theo để đảm bảo bảo vệ tất cả các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội bao gồm người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính. (Tháng 1 năm 2019)
[2] Ibid, Khuyến nghị 38.93 từ Iceland: Ban hành luật để đảm bảo quyền tiếp cận đến điều trị khẳng định giới tính và công nhận giới tính hợp pháp. (Tháng 1 năm 2019).
Trinh Anh Tuan

Trịnh Anh Tuấn

RCO
Chuyên viên Cao cấp về Truyền thông và Vận động Chính sách

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

FAO
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc
ILO
Tổ chức Lao động Quốc tế
IOM
Tổ chức Di cư Quốc tế
UN Women
Tổ chức về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Liên Hợp Quốc
UN
Liên Hợp Quốc
UNAIDS
Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS
UNDP
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc
UNFPA
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc
UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc
UNIDO
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc
WHO
Tổ chức Y tế Thế giới

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này