Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Phòng chống thiên tai Việt Nam
Phát biểu của Ông Kamal Malhotra Điều phối viên thường trú LHQ
Phát biểu của Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ
Do ông Youssouf Addel-Jelil, Chủ trì Nhóm Hành động vì kết quả chung của LHQ về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng khả năng chống chịu, thay mặt trình bày
Kính thưa
Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc;
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Đại diện Quốc hội, Bộ ngành và các tỉnh;
Đại diện từ các tổ chức đoàn thể;
Đồng nghiệp từ cơ quan LHQ, các đối tác phát triển, tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông;
Kính thưa quý vị đại biểu,
Hôm nay, tôi với tư cách là người Chủ trì nhóm Hành động vì kết quả chung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng khả năng chống chịu, vinh dự được trình bày lời phát biểu của Ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nhân Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Phòng chống thiên tai. Rất tiếc là Ngài Điều phối viên thường trú LHQ phải đi công tác nước ngoài và ông không thể hoãn chuyến đi này, do đó, không thể tham gia vào sự kiện quan trọng hôm nay. Ngài Malhotra đã nhờ tôi chuyển những lời chúc mừng nồng nhiệt và rất tiếc đã không thể đến tham dự sự kiện này cùng Thủ tướng và các Bộ trưởng cũng như đại diện các cơ quan chính phủ khác có mặt tại đây hôm nay. Bây giờ tôi xin phép trình bày thông điệp từ Ngài Điều phối viên LHQ.
Nhóm các tổ chức LHQ xin trân trọng cám ơn sự lãnh đạo của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam đã đặt giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu làm trọng tâm ưu tiên của chính phủ. Điều này đặc biệt quan trọng vì mỗi năm, thiệt hại do thiên tai gây ra chiếm hơn 1% GDP của Việt Nam, con số thiệt hại này trong 2 năm vừa qua cao hơn nhiều do thiên tai ở quy mô lớn. Các ước tính của Việt Nam cho thấy chi phí để thích nghi với rủi ro biến đổi khí hậu có khả năng tăng lên mức 3% GDP vào năm 2030.
Những thiên tai xảy ra gần đây cho thấy ngoài việc làm nghiêm trọng thêm tính dễ bị tổn thương hiện có và sự chênh lệch của nhóm dân tộc thiểu số, các gia đình, nhóm đối tượng phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi nghèo và bị gạt ra ngoài xã hội, rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra có thể đe dọa những thành tựu phát triển mà Việt Nam đã nỗ lực đạt được. Và như tác động của các thảm họa gần đây đã cho thấy, các hộ gia đình nghèo có khả năng tái nghèo cao hơn do hậu quả của thiên tai, vì họ khó phục hồi hơn. Do đó, thiên tai có thể có tác động lâu dài và kết quả là sự bất bình đẳng hiện nay sẽ phức tạp hơn và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để ứng phó với thiên tai như vậy, Nhóm các tổ chức LHQ, cùng nhiều đối tác phát triển song phương khác như Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những hỗ trợ quý báu và kịp thời bằng việc khẩn trương huy động những nguồn lực cần thiết và quan trọng thông qua Quỹ ứng phó khẩn cấp của LHQ. Những hỗ trợ này đã giúp tăng cường ứng phó chung để thực hiện các hoạt động cứu hộ trong các lĩnh vực an ninh lương thực và phục hồi sinh kế, nước và vệ sinh môi trường, nơi ở, dinh dưỡng và bảo trợ xã hội. Mặc dù vậy, xây dựng khả năng chống chịu tiếp tục là một ưu tiên quan trọng về dài hạn.
Kính thưa quý vị khách quý,
Nhân sự kiện quan trọng này, Nhóm các tổ chức LHQ muốn truyền tải ba thông điệp chính cho định hướng trong tương lai.
Thứ nhất, cần nỗ lực hơn nữa và dành nguồn lực lớn hơn cho việc nâng cao năng lực của các tổ chức, và đối tác địa phương nhằm nâng cao hiểu biết về rủi ro thiên tai ở mọi khía cạnh. Bảo trợ xã hội, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương nhất, cũng phải được thiết kế theo cách phản ứng nhanh hơn và chống chịu tốt hơn với các khủng hoảng, để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau và tạo điều kiện cho quốc gia "Tái thiết tốt hơn".
Thứ hai, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng và các nhóm dễ bị tổn thương bằng cách trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng sống để chuẩn bị và ứng phó với thiên tai cũng vô cùng quan trọng.
Thứ ba, theo Chương trình nghị sự đến năm 2030, Tuyên bố Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình hành động Addis Ababa về tài chính cho phát triển và Khung Sendai, mở rộng quan hệ đối tác giữa Chính phủ và các đối tác khác, đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự và với chính cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất để tiến hành thực hiện thành công.
Kính thưa Ngài Thủ Tướng,
Thưa quý vị đại biểu,
Cho phép tôi kết thúc phần trình bày này bằng cách chuyển lời của Ngài Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam rằng ông muốn nhân cơ hội này một lần nữa nhắc lại cam kết của Nhóm các tổ chức LHQ, một đối tác lâu năm của Chính phủ Việt Nam, sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực phức tạp và đa chiều này.
Xin Cảm Ơn!