Hội nghị về Tăng cường Toàn diện về Kinh tế, Tài chính và Xã hội trong khu vực APEC
Bài phát biểu của Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc
Kính thưa ngài Đại sứ Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017;
Kính thưa các vị lãnh đạo cấp cao của APEC;
Thưa các bạn đồng nghiệp của các Bộ, các tổ chức quốc tế và trong nước;
Thưa các vị khách quý;
Hôm nay, tôi rất hân hạnh được phát biểu trước các quý vị đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao APEC, bao gồm đại diện của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ các nước trong khối APEC, các đối tác phát triển trong nước và quốc tế.
Trước tiên, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đăng cai và tổ chức các cuộc họp của APEC trong năm 2017. Các cuộc họp này, trong đó có cả Hội nghị cấp cao của chúng ta ngày hôm nay, là diễn đàn quan trọng để các bên liên quan và đối tác của các nước APEC thảo luận nhiều thách thức phát triển đang gặp phải, cơ hội để thúc đẩy thương mại tự do và đầu tư, cũng như khuyến khích tăng cường hợp tác kinh tế và kỹ thuật để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và phồn vinh trong khu vực APEC, là khu vực hiện có tới 39% dân số thể giới và đóng góp 59% GDP danh nghĩa của toàn thế giới. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng kết quả của các cuộc họp này sẽ tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các bên, và như vậy sẽ góp phần tạo nên thành công cho Tuần lễ Cấp cao của các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC, sẽ diễn ra từ ngày 5/11 đến ngày 11/11/2017 tại Đà Nẵng. Chủ đề của Hội nghị hôm nay là "Tăng cường Hội nhập Kinh tế, Tài chính và Xã hội" thực sự có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và phồn vinh trong khu vực APEC và toàn thế giới.
Bao trùm toàn diện là điểm cốt lõi trong Chương trình Nghị sự Toàn cầu về Phát triển Bền vững đến năm 2030, được phản ánh rất rõ trong tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và các chỉ tiêu liên quan. Bao trùm toàn diện cũng được phản ánh trong các nguyên tắc quan trọng của Chương trình Nghị sự 2030: "không bỏ lại ai phía sau" và tầm nhìn hướng tới "một thế giới công bằng, bình đẳng, khoan dung, cởi mởi và toàn diện về xã hội, trong đó đáp ứng ứng được nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất" và "một thế giới trong đó tất cả các quốc gia đều tăng trưởng liên tục, toàn diện và bền vững, và có việc làm bền vững cho tất cả mọi người".
Cho đến nay, nhiều nước trong khu vực APEC đã tạo được tiếng vang rất tốt về chuyển đổi kinh tế và đạt được tiến bộ lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cũng như tăng trưởng kinh tế, song trước mắt vẫn còn phải đối phó với nhiều thách thức trong việc duy trì tiến bộ này, và chúng ta không nên đánh giá thấp những thách thức này. Mặc dù số người bị suy dinh dưỡng tại khu vực APEC đã giảm từ 304 triệu vào năm 2005 xuống còn 185 triệu vào năm 2015, Chính phủ các nước vẫn vừa phải hỗ trợ các nhóm nghèo nhất thoát nghèo và vừa phải đảm bảo sao cho dân cư thuộc nhóm dưới mức đói nghèo và cận nghèo (đôi khi còn được gọi là nhóm "trung lưu bị bỏ sót" hoặc "nhóm trung lưu dễ tổn thương") không bị quay trở lại tình trạng đói nghèo.
Trong vài thập kỷ vừa qua, Việt Nam là nước đạt được tiến bộ rất đáng ghi nhận về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, tỉ lệ hộ nghèo chiếm chưa tới 10% dân số, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc đồng bào sinh sống ở khu vực miền núi. Tại các khu vực này, Chính phủ đã thực hiện một loạt chính sách và chương trình mục tiêu để giúp người dân cải thiện thu nhập và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cũng như bảo trợ xã hội. Mặt khác, các nhóm thu nhập thấp, vẫn là các nhóm dễ bị tổn thương, vẫn không ngừng tăng và cùng với số hộ cận nghèo hiện chiếm tới 75% dân số. Thu nhập của các hộ này không đủ để chống lại các cú sốc, vì vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận việc làm tốt, dịch vụ y tế và giáo dục cũng như bảo trợ xã hội, và do đó ít có khả năng đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.
Bằng chứng cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế không nhất thiết chuyển thành bình đẳng hơn về giới cho tất cả mọi người, và trong số 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có 30% có việc làm được trả công, trong khi nam giới là 40%. Khi chấp nhận cam kết của các nhà lãnh đạo G20 năm 2014 là sẽ thu hẹp khoảng cách về giới 25% vào năm 2025, chúng ta cũng cần phải khẳng định rằng phụ nữ làm nhiều việc dễ tổn thương hơn nam giới do phải làm việc nhà nhiều hơn, song lại không có thu nhập độc lập, phải chăm sóc con cái và người già, trong khi số người già lại đang tăng nhanh khiến cho áp lực đối với nền kinh tế cũng tăng lên. Để phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tới, các nền kinh tế mới nổi của APEC sẽ phải tạo ra nhiều việc làm bền vững và năng suất hơn nữa, như vậy đòi hỏi tất cả mọi người phải có kỹ năng cao hơn, nhất là "nhóm trung lưu bị bỏ sót". Điều này bao gồm hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ và đầu tư nhiều hơn cho đào tạo nghề, giáo dục đại học và tư duy chiến lược cho tất cả các nhóm thu nhập để nắm bắt được cơ hội việc làm năng suất hơn cũng như để thúc đẩy tư duy sáng tạo và "vượt khỏi khuân mẫu thông thường".
Cho phép tôi được nhấn mạnh rằng tăng trưởng toàn diện đòi hỏi cả người nghèo và không nghèo tham gia đầy đủ vào nền kinh tế chia sẻ bình đẳng mọi lợi ích. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu không có sự tham gia bình đẳng vào việc tạo ra tăng trưởng bền vững và các quyết định liên quan để tổ chức và hình thành tăng trưởng. Mục tiêu Phát triển Bền vững số 16 của Chương trình nghị sự 2030 được đưa ra nhằm thúc đẩy một xã hội công bằng, hòa bình và toàn diện, xã hội này sẽ đòi hỏi hội nhập vào các quá trình tác động xã hội của tất cả công dân. Mục tiêu khẳng định rõ rằng tất cả mọi người đều phải có cơ hội để trở thành thành viên tích cực trong xã hội, và tham gia vào hình thành quá trình phát triển và cải thiện sự gắn kết xã hội. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của mục tiêu này.
Cho phép tôi đề cập sơ bộ tới vấn đề tài chính toàn diện. Điều đáng lưu ý là kinh tế toàn diện nhấn mạnh tới quyền của mọi người trong việc tham gia vào quá trình tăng trưởng và hưởng lợi từ tiến bộ của quá trình tăng trưởng đó, trong khi tài chính toàn diện lại là một công cụ quan trọng để đạt được tầm nhìn này.
Mặc dù ở một số nước APEC (như Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan), tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt tới 80%, song ở một số nước như Mexico, Indonesia, Philippine và Việt Nam chỉ có chưa tới 30%. Tại những nước này, tỉ lệ hộ có khả năng có tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng chính thống vẫn còn thấp, và tỉ lệ vay từ ngân hàng chính thống cũng thấp. Mặc dù tại các nước này đã có bùng nổ về IT, internet, dịch vụ di động, và tăng thiết bị điện tử, song thanh toán di động, giao dịch tài chính ngân hàng và điện tử vẫn còn hạn chế. Tính tới năm 2015, chưa có tới 60% người dân và hộ gia đình ở các nền kinh tế APEC được tiếp cận máy tính hoặc internet.
Cần có hành động khẩn cấp để giải quyết các vấn đề về cản trở tài chính. Cản trở tài chính làm gia tăng chi phí và hạn chế việc cung cấp vốn, làm suy giảm cơ hội việc làm, hạn chế doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang phổ biến trong khối tư nhân, và làm giảm đầu tư cho giáo dục. Cần cải cách luật pháp và quản lý để cải thiện khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ tài chính, và cần có động lực cho các hệ thống ngân hàng chính thống để có thể làm ăn với "các nhóm chưa được ngân hàng hỗ trợ" cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nước sẽ phải sẵn sàng mở cửa thị trường cho nhiều loại hình cung cấp dịch vụ tài chính sáng tạo để tiếp cận được phân khúc chưa được ngân hàng hỗ trợ. Về vấn đề này, tôi rất vui mừng thông báo với quý vị rằng trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của Hoàng hậu Hà Lan Maxima, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về tài chính toàn diện cho phát triển, Chính phủ đã thông báo cho các bên liên quan và đối tác phát triển chính rằng Chính phủ đang xây dựng Chiến lược Tài chính Toàn diện và chiến lược này sẽ đưa ra một loạt hành động trong các lĩnh vực kể trên.
Thưa các quý ông, quý bà,
Thách thức trong việc giảm bất bình đẳng, cả trong nước và giữa các nước, cần phải được giải quyết bằng nỗ lực chung của tất cả các đối tác trong APEC, cả đối tác đã và đang phát triển. Theo tiến sỹ Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế: "Bất bình đẳng gây ra bất ổn, làm tăng thêm tần suất diễn ra dao động lớn cho nền kinh tế. Bất bình đẳng cực đoan có nghĩa là tỉ lệ dân số đói nghèo tăng lên, có ít khả năng hơn trong việc đối phó khi gặp các cú sốc. Bất bình đẳng cực đoan về kinh tế nhất định sẽ dẫn đến bất bình đẳng về chính trị; do vậy Chính phủ sẽ ít có khả năng hơn trong việc cung cấp các hệ thống bảo trợ và dịch vụ xã hội để có thể bảo vệ những người ở tầng lớp dưới cùng tránh khỏi hậu quả của các cú sốc lớn." Chúng ta cần phải coi bất bình đẳng không chỉ là vấn đề đạo đức mà là quan ngại cơ bản về kinh tế, là một phần không thể thiếu khi nghĩ đến phát triển con người.
Trong tháng 7 vừa qua, tôi rất hân hạnh được tham dự buổi lễ ra mắt chính thức Kế hoạch Hành động Quốc gia của Việt Nam về thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, sự kiện này đánh dấu một bước quan trọng cho sự tham gia tích cực của Việt Nam vào Chương trình Nghị sự 2030 và hướng tới hoàn thành các cam kết SDG. Kế hoạch hành động này khẳng định rằng: tiến tới bao trùm toàn diện hơn nữa và giải quyết các vấn đề bất bình đẳng là trọng tâm của phát triển ở Việt Nam, và xác định nhiều hành động cũng như nỗ lực nhằm đạt được VSDG, bao gồm cả mục tiêu 10.2 "Đến năm 2030, trao quyền và đẩy mạnh sự tham gia chính trị, kinh tế và xã hội của tất cả mọi người, không kể tuổi tác, giới tính, khuyết tật, sắc tộc, dân tộc, nguồn gốc, tôn giáo, điều kiện kinh tế hoặc điều kiện khác." Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam gần đây còn thông báo sẽ trình bày Báo cáo Rà soát Quốc gia Tự nguyện về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững, sẽ được tổ chức vào tháng 7/2018; trước sáng kiến quan trọng này nên có một diễn đàn cấp quốc gia. Tôi hoàn toàn tin rằng với cam kết mạnh mẽ về chính trị, sự quyết tâm và kinh nghiệm về thực hiện MDG, và áp dụng mô hình tăng trưởng toàn diện mới, Việt Nam có thể đạt được SDG và tiến bộ mạnh mẽ trong hội nhập kinh tế, tài chính và xã hội.
Thưa các quý vị,
Trước khi kết thúc bài diễn văn của mình, tôi xin nhấn mạnh rằng LHQ tại Việt Nam, và ở các nước APEC khác, sẵn sàng cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, hoạt động và chương trình mà các Chính phủ cần để xác định và thực hiện các giải pháp khả thi và sáng tạo cho nhiều thách thức trong cải thiện kinh tế, tài chính và xã hội bao trùm toàn diện. Tôi hy vọng rằng, với kết quả thảo luận hiệu quả tại Hội nghị này, quý vị sẽ có thể xác định được nhiều giải pháp an toàn và hành động cụ thể, bao gồm cả hình thức hợp tác mới về kinh tế và kỹ thuật, hướng tới thúc đẩy hội nhập kinh tế, tài chính và xã hội ở cả cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm hoàn thành đầy đủ SDG và Chương trình Nghị sự 2030.
Xin Cảm Ơn!