Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới và Tết trồng cây năm 2017
Bài phát biểu của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, (do bà Akiko Fujii, Quyền Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển LHQ)
Kính thưa:
Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ông Phạm Văn Sinh, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Bình
Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy Viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình,
Các quý vị đại biểu và các vị khách quý
Tôi rất vui mừng và hân hạnh được tham dự lễ mít tinh hưởng ứng ngày Đất ngập nước Thế giới 2017 với chủ đề “Đất ngập nước giúp giảm nhẹ thiên tai” và sự kiện trồng cây đầu xuân tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tôi xin thay mặt cho ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, phát biểu tại đây. Do đã có kế hoạch công tác, Ông Kamal Malhotra không thể tham dự Lễ Mít tinh này. Ông gửi tới tất cả quý vị những lời chúc tốt đẹp nhất và hẹn sẽ tham dự Cuộc gặp mặt đầu xuân của Bộ Tài Nguyên và Môi trường với các đối tác quốc tế vào ngày 6 tháng 2. Ông phân công tôi tham dự Lễ Mít tinh này với tư cách là quyền Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam
Như chúng ta biết, vùng đất ngập nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia và hỗ trợ sinh kế địa phương, đặc biệt thông qua nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Dọc theo bờ biển, đất ngập nước là một vùng đệm tự nhiên chống lại các tác động của bão và triều cường, bảo vệ con người và đảm bảo đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số áp lực đối với các khu đất ngập nước tại Việt Nam bởi trên thực tế các khu đất ngập nước chưa được coi là các khu bảo tồn, do vậy vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quá trình phát triển kinh tế, trong khi nhận thức, thể chế và năng lực quản lý đất ngập nước vẫn cần phải tăng cường hơn nữa.
Việt Nam đang có một số tiến bộ trong công tác tăng cường bảo tồn đất ngập nước. Chúng ta có thể thấy rằng nhu cầu hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng được công nhận, và cam kết của Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững là một cơ hội để chú trọng vào phát triển kinh tế bền vững và mang lại hiệu quả tích cực đối với sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như đem lại những lợi ích tích cực cho những vùng đất ngập nước ở Việt Nam.
Nhận thấy vai trò quan trọng của các khu đất ngập nước và các mối đe dọa tiềm tàng các khu vực này, UNDP tự hào được hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường bảo tồn đất ngập nước và đảm bảo phát triển bền vững đất ngập nước song song với việc hỗ trợ sinh kế địa phương. Cùng với Bộ Tài nguyên và môi trường, Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Cục bảo tồn đa dạng sinh học/Tổng cục Môi trường, chúng tôi cùng hỗ trợ chính quyền trung ương và 2 tỉnh thí điểm - Thái Bình và Thừa Thiên Huế - trong việc thành lập khu bảo tồn đất ngập nước và bảo đảm hiệu quả quản lý các khu bảo tồn này. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ sửa đổi các chính sách, pháp luật cấp quốc gia và cấp tỉnh có liên quan, nhằm lồng ghép bảo tồn đất ngập nước vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, và tiến tới xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về đất ngập nước.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Tại Thái Thụy hôm nay chúng ta đã tận mắt chứng kiến một ví dụ về lợi ích đan xen giữa phát triển công nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhìn thấy một cơ hội để lồng ghép bảo vệ đất ngập nước rừng ngập mặn trong quá trình phát triển công nghiệp. Rừng ngập mặn Thái Thụy giúp giảm thiểu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu. Đất ngập nước giúp bảo vệ đê biển, ao nuôi thủy sản và đất nông nghiệp, và giảm chi phí cho cứu trợ sau thiên tai và phục hồi cơ sở hạ tầng. Giải pháp tự nhiên này góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai đem lại hiệu quả chi phí cho bất kỳ quy hoạch công nghiệp nào thuộc khu vực ven biển của Việt Nam.
Do đó, UNDP cam kết hỗ trợ tích hợp bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững trong đó mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng thành quả, thông qua cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như bảo vệ cộng đồng để không bị tác động bởi suy thoái môi trường do biến đổi khí hậu, cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
Xin cảm ơn!