Ngày tiêu chuẩn quốc tế năm 2020: Bảo vệ hành tinh bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế
Để giảm tác động của con người lên hành tinh của chúng ta, cần có các cam kết chính trị, các hành động cụ thể và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.
Trái đất là hành tinh sống lớn nhất trong hệ mặt trời và cuộc sống trên Trái đất phụ thuộc vào năng lượng mặt trời. Tuy nhiên trong thập kỷ qua, các hoạt động của con người và của các ngành công nghiệp khổng lồ của văn minh hiện đại đã làm tăng lượng khí nhà kính tự nhiên trên bề mặt của Trái đất. Nó gây tác động xấu đến khí hậu của chúng ta và ảnh hưởng đến cuộc sống ở mọi khía cạnh. Bên cạnh đó, dân số tăng nhanh chóng mặt và xu hướng đô thị hóa rộng khắp đòi hỏi con người phải sử dụng có trách nhiệm nguồn nguyên liệu đang trở nên hạn hẹp trên trái đất.
Để giảm tác động của con người lên hành tinh của chúng ta, cần có các cam kết chính trị, các hành động cụ thể và các công cụ phù hợp và tiêu chuẩn quốc tế là một trong những công cụ đó. Đây chính là lời kêu gọi của các chuyên gia về tiêu chuẩn.
Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc – UNIDO là một cơ quan đặc biệt trong hệ thống LHQ. Sứ mệnh của UNIDO là thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm giúp xóa đói giảm nghèo và đảm bảo bền vững môi trường. Vì vậy UNIDO tin tưởng rằng tuân thủ và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp giảm thiểu tác động của sản xuất công nghiệp đối với môi trường; tạo điều kiện tái sử dụng nguồn nhiên liệu đang trở nên hạn hẹp và sử dụng hiệu quả năng lượng.
UNIDO đang nỗ lực hỗ trợ các nước thành viên, trong đó có Việt Nam không chỉ có thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu để tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn cạnh tranh trong hệ thống thương mại toàn cầu, nơi ngày càng đòi hỏi phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, an toàn và tác động của sản phẩm đối với sức khỏe và môi trường.
UNIDO đang hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực tiêu chuẩn và cơ sở hạ tầng đánh giá sự phù hợp để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường năng lực cho các cơ quan tiêu chuẩn ; hài hòa các tiêu chuẩn quốc gia với khu vực và quốc tế và hỗ trợ tham gia các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Đây cũng là vấn đề cấp bách của Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU đã được phê duyệt và có hiệu lực. Việt Nam có thể tận dụng “sức mạnh mới” từ Hiệp định này để phục hồi kinh tế. Việt Nam cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện quốc gia, văn phòng UNIDO tại Việt Nam cho biết: “Hiện nay, UNIDO đang hỗ trợ các cơ quan hữu quan của Việt Nam nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và chất lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung và đặc biệt trong chuỗi giá trị xoài tại đồng bằng sông Cửu Long và từ đó Văn hóa Chất lượng được phát triển, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất xoài ở khu vực này tiếp cận các thị trường xuất khẩu chất lượng cao.”
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và tuân thủ các tiêu chuẩn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này có ý nghĩa quan trọng, thậm chí là sống còn đối với các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu chất lượng cao”.
Hàng năm cứ vào ngày 14 tháng 10, thành viên của các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc tế như Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức Ngày Tiêu chuẩn Thế giới nhằm tôn vinh công lao của hàng ngàn chuyên gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế.