Cải Cách An Sinh Xã Hội, Việt Nam Hướng Về Tương Lai
Đến năm 2030, dự kiến chỉ có dưới hai triệu người trên 65 tuổi có lương hưu, và có tới khoảng mười triệu người già không có lương hưu.
Việt Nam là một trong những xã hội già hóa nhanh nhất trên thế giới. Tuổi thọ gia tăng và mức sinh giảm đã đồng thời làm gia tăng số người cao tuổi cần chăm sóc và giảm số lao động hỗ trợ họ. Trong khi vào năm 2015 chỉ có khoảng 6 người trong độ tuổi lao động trên 1 người già trên 60 tuổi, vào năm 2055 sẽ chỉ có 2 người trong độ tuổi lao động trên 1 người lớn tuổi. Điều này có nghĩa là thế hệ “bánh sandwich” trong tương lai sẽ phải đối mặt với gánh nặng chăm sóc tăng lên cho ba thế hệ. Khi không có lương hưu, trách nhiệm của xã hội cũng nặng nề hơn. Do đó, đảm bảo phổ cập an sinh toàn dân cho người già không chỉ có lợi cho bản thân họ mà còn cho các gia đình.
Hiện tại, bảo hiểm xã hội ở Việt Nam chỉ bao phủ 27% lực lượng lao động. Đến năm 2030, dự kiến chỉ có dưới hai triệu người trên 65 tuổi có lương hưu, và có tới khoảng mười triệu người già không có lương hưu.
Vào tháng 5 năm 2018, Nghị quyết 28-NQ /TW về kế hoạch cải cách bảo hiểm xã hội đã được phê duyệt, thể hiện bước đột phá về chính sách xã hội tại Việt Nam. Kế hoạch đưa Việt Nam đến gần hơn với các nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới về các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt khi tập trung vào các phương pháp tiếp cận toàn diện và tích hợp để giải quyết các thách thức an sinh xã hội đương đại. ILO đã góp phần hình thành Kế hoạch thông qua việc đánh giá hệ thống an sinh xã hội hiện tại, khuyến nghị các lựa chọn khả thi cho cải cách trong các nghiên cứu kỹ thuật, và hỗ trợ các đối thoại chính sách với người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan khác.
Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, điều chỉnh các chính sách của Việt Nam cho phù hợp với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế như quyền an sinh xã hội trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Khuyến nghị của ILO về các sàn an sinh xã hội (R202) và Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của LHQ. Quyết định đạt mục tiêu bao phủ toàn dân bằng việc chi trả chế độ cho người dân từ cả quỹ đóng góp bảo hiểm xã hội và ngân sách từ thu thuế đã đưa Việt Nam vào lộ trình tương tự như các nước láng giềng có diện bao phủ toàn dân như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan.
Nhiều cải cách được đề xuất như tăng dần tuổi nghỉ hưu, giảm dần chênh lệch về độ tuổi nghỉ hưu và hưởng chế độ tuổi già giữa nam và nữ, và điều chỉnh tỷ lệ thay thế (tỷ lệ lương hưu nhận đươc so với số tiền đóng) theo chuẩn quốc tế sẽ góp phần đảm bảo tính bền vững tài chính lâu dài của hệ thống. Đây là những yếu tố thiết yếu của cải cách để đảm bảo rằng hệ thống tôn trọng và tăng cường các quyền có được ngày hôm nay.