Khu công nghiệp sinh thái - mô hình phát triển hoạt động công nghiệp bền vững
Triển khai mô hình KCN sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp ở Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã chính thức khởi động Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” tại tp HCM ngày 20 tháng 11 năm 2020. Việc triển khai mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về khu công nghiệp sinh thái nói riêng, cũng như lồng ghép trong các quy định của pháp luật về môi trường, công nghiệp và các chính sách có liên quan.
Dự án có tổng kinh phí là 1.821.800 đô la Mỹ, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại 1.683.000 đô la Mỹ từ Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), vốn đối ứng là 138.800 đô la Mỹ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 05 tỉnh/thành phố, gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Trong những năm qua, hệ thống KCN đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuy nhiên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21)...
Để góp phần giải quyết thách thức trên, trong giai đoạn 2014 – 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái, đạt được các kết quả tích cực trong xây dựng thể chế và áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Mô hình KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế. Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ thí điểm đã hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm trên 22.000 Mwh điện, 600.000 m3 nước sạch, 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm.
Phát biểu tại hội nghị khởi động dự án, Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.”
Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" với mục tiêu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước, từ Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ trong giai đoạn thí điểm, đến Hải Phòng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.
Thông qua 2 hợp phần với các nội dung chính: (i) Hoàn thiện cơ chế chính sách và hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái và (ii) Triển khai các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp sinh thái, Dự án sẽ hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng nền tảng thông tin, kỹ thuật để kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện các giải pháp chuyển đổi khu công nghiệp thông thuờng thành khu công nghiệp sinh thái.
Bà Lê Thị Thao Thảo, Đại diện Quốc gia văn phòng UNIDO tại Việt Nam cho biết: “Thực tế, thông qua việc tiết kiệm một khối lượng lớn nước, năng lượng và nguyên liệu đầu vào, thực hiện cộng sinh công nghiệp, các doanh nghiệp có thể giảm đáng kể chi phí sản xuất, giảm chất thải và khí thải, và vì thế nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Và đây cũng chính là mục đích của Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái Toàn Cầu.”
Đại Sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam ông Ivo Sieber chia sẻ: “Thụy Sỹ rất tự hào là đối tác của UNIDO trong nỗ lực thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam. Việc xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái và lợi ích của mô hình sẽ đóng góp tích cực cho tầm nhìn kinh tế xanh của chính phủ Việt Nam. Thụy Sỹ tiếp tục cam kết hỗ trợ nỗ lực Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế bền vững và bao trùm.”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO, SECO và các cơ quan liên quan của Việt Nam hy vọng kết quả của Dự án sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên phạm vi cả nước.