Thông cáo báo chí

Bàn về các Tiền đề thúc đẩy việc thực hiện Công ước về Quyền của Người khuyết tật ở Việt Nam

14 tháng 7 2021

Các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức của người khuyết tật và bản thân người khuyết tật đã đưa ra những ý kiến đóng góp có giá trị về các phương pháp thúc đẩy quá trình thực thi Công ước về Quyền của Người khuyết tật ở Việt Nam.

Một chuỗi hội thảo tham vấn trực tuyến về người khuyết tật và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam đã được đồng tổ chức bởi UNDP, UNFPA và UNICEF vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Ủy thác Đa tài trợ Dự án Hợp tác thúc đẩy Quyền Người Khuyết Tật giữa các tổ chức của Liên Hợp Quốc (UNPRPD MPTF).

Thành phần tham dự các hội thảo gồm có: đại diện Văn phòng Quốc hội, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các đối tác chính phủ, lãnh đạo các tổ chức của và vì người khuyết tật, các cá nhân khuyết tật.

Xuyên suốt các hội thảo tham vấn, đại biểu đã chia sẻ kiến thức, thông tin về thực trạng người khuyết tật và trẻ em khuyết tật ở Việt Nam, cũng như các điều kiện tiên quyết để hòa nhập khuyết tật. Đại biểu cũng cùng nhau đánh giá, phân tích những khoảng trống và thách thức tồn tại, đồng thời đưa ra các đề xuất chiến lược và thực tiễn nhằm giải quyết những tồn tại này.

Trong 5 hội thảo tham vấn, các hội thảo do UNDP chủ trì xoay quanh các chủ đề: Tăng cường tính thống nhất của khung pháp lý của Việt Nam về người khuyết tật với Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật; Tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát pháp luật; và Phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Trong 2 hội thảo còn lại của chuỗi tham vấn, đại biểu cũng bàn luận về các chủ đề: Các dịch vụ hỗ trợ dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam (do UNICEF chủ trì) và Sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền của người khuyết tật (chủ trì bởi UNFPA).

Kết quả của chuỗi hội thảo sẽ cung cấp thông tin giá trị cho báo cáo Phân tích tình hình và Đề xuất dự án hoàn chỉnh của Việt Nam đồng thực hiện bởi UNDP, UNICEF và UNFPA Việt Nam trong Dự án Hợp tác thúc đẩy Quyền Người Khuyết Tật giữa các tổ chức của Liên Hợp Quốc thuộc Quỹ Ủy thác Đa tài trợ Liên Hợp Quốc, nhằm thúc đẩy quyền của người khuyết tật và trẻ em khuyết tật.

Quỹ Ủy thác Đa tài trợ là kết quả của sự phối hợp độc đáo giữa các cơ quan Liên hợp quốc, các cơ quan chính phủ, các tổ chức của người khuyết tật (OPD) và tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy thực hiện các quyền trong Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến hòa nhập khuyết tật. Việt Nam là một trong số 26 quốc gia được lựa chọn từ 110 hồ sơ trên toàn thế giới để tham gia thực hiện giai đoạn Khởi động của chương trình hợp tác này.

Phát biểu tại hội thảo tham vấn do UNDP chủ trì, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Khái niệm Khuyết tật cần được định nghĩa là sự kết hợp của những khiếm khuyết cá nhân với các rào cản xã hội. Nếu không xem xét đến các rào cản xã hội, các quy định sẽ chỉ nghiêng về thúc đẩy nỗ lực cá nhân và công tác phục hồi chức năng – điều này là bất khả thi và có thể dẫn đến tình trạng loại trừ người khuyết tật khỏi đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật cần tạo ra một môi trường dễ tiếp cận, cũng như tạo điều kiện cho NKT đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình Nghị sự năm 2030”.

Liên quan đến vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật, bà Caitlin Wiesen khuyến khích đại biểu tham gia hội thảo tham vấn đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những quan niệm sai lầm, định kiến và kỳ thị trong cộng đồng nói chung cũng như giữa các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia y tế, giáo dục và các nhà cung cấp dịch vụ nói riêng. Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng mà người khuyết tật phải đối mặt trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, khung pháp lý toàn diện và các dịch vụ hòa nhập là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật cũng chỉ rõ tầm quan trọng của công tác đảm bảo khả năng tiếp cận có chất lượng và công bằng của trẻ em khuyết tật đối với các dịch vụ cộng đồng như bảo vệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. UNICEF cùng các cơ quan LHQ, các đối tác phát triển hoan nghênh cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các nghĩa vụ đề ra trong CRPD, trong Kế hoạch tổng thể về người khuyết tật (2021 – 2030) đã được phê duyệt gần đây; và trong Chương trình Nghị sự về Phát triển Bền vững với mục tiêu Không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu tại hội thảo tham vấn về các dịch vụ dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam, bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF Việt Nam cho biết: “Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, việc tiếp cận với giáo dục hòa nhập có chất lượng, đặc biệt là ở các cấp học cao hơn, vẫn là một thách thức đối với trẻ em khuyết tật ở Việt Nam. Ở cấp trung học phổ thông, chỉ 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng độ tuổi so với 2/3 trẻ không khuyết tật. Khi xem xét cơ sở hạ tầng vật chất cho giáo dục hòa nhập, chỉ có 3% trường học có thể tiếp cận được một cách đầy đủ và chỉ 10% có công trình vệ sinh cho học sinh khuyết tật. Ngoài ra, chất lượng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật còn khiêm tốn và việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục hòa nhập còn hạn chế”.

Bà Lesley Miller cũng nhấn mạnh sự cần thiết của những thay đổi về mặt cơ cấu và hệ thống nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người khuyết tật và trẻ em khuyết tật trong quá trình tiếp cận các dịch vụ thiết yếu chất lượng cao và đảm bảo hòa nhập. Cụ thể như, để cải thiện giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật, UNICEF hiện đang hợp tác với Bộ GD & ĐT cùng các chuyên gia trên thế giới để đưa công nghệ vào giáo dục hòa nhập như: Thực tế ảo tăng cường cho trẻ em bị rối loạn phát triển. Cũng trong buổi tham vấn ngày hôm ấy, bà Lieve Sable, Chuyên gia Chương trình về Trẻ em Khuyết tật của Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã khẳng định tầm quan trọng của sự phối hợp liên ngành trong việc cải thiện các dịch vụ dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật và trẻ em khuyết tật ở Việt Nam.

Tại buổi tham vấn với chủ đề Sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền của người khuyết tật chủ trì bởi UNFPA, ông Lê Bạch Dương, Trợ lý Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, UNFPA hiện đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết quốc gia về can thiệp SKSS/SKTD toàn diện theo các nguyên tắc của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD). Chương trình Hành động của ICPD kêu gọi chính quyền các cấp xem xét nhu cầu và quyền của người khuyết tật một cách rõ ràng, xóa bỏ phân biệt đối xử với người khuyết tật liên quan đến quyền sinh sản và lập gia đình, hộ gia đình.

Cũng trong hội thảo tham vấn, ông Dương khẳng định, người khuyết tật là một trong những nhóm dễ tổn thương, thường xuyên chịu nhiều rủi ro về sức khỏe sinh sản và tình dục, cũng như bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục.

Ông cho biết: “Một ước tính gần đây cho thấy có đến khoảng 80% người khuyết tật chưa từng đến khám tại các cơ sở y tế để được cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD. Khoảng 50% cho biết họ bị kỳ thị và phân biệt đối xử với tình trạng khuyết tật của họ. Những người trẻ tuổi là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, bởi nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại là rất cao, tuy nhiên lại chưa được đáp ứng. Các khuyến nghị thiết thực của hội thảo về can thiệp chăm sóc SKSS / SKTD cho người khuyết tật, đặc biệt là thanh niên có ý nghĩa rất lớn đối với Phân tích thực trạng và Đề xuất hoàn chỉnh của Việt Nam về một chương trình thúc đẩy quyền của người khuyết tật và trẻ em khuyết tật đồng tổ chức bởi UNDP, UNICEF và UNFPA tại Việt Nam.”

Các đại biểu đã thảo luận về nhu cầu thông tin sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và chăm sóc sức khỏe của người khuyết tật, đặc biệt là thanh niên khuyết tật, phân tích các rào cản đối với việc thực hiện các quyền của họ, bao gồm quyền được bảo vệ khỏi bạo lực và xâm hại, đưa đến các đề xuất can thiệp chiến lược nhằm hỗ trợ sức khỏe sinh sản/chăm sóc sức khỏe tình dục cho người khuyết tật, đặc biệt là thanh niên khuyết tật.

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ: Bà Đào Thu Hương, Cán bộ về Quyền Người khuyết tật, UNDP Việt Nam. Số điện thoại: +84 24-38500340

Nguyen Viet Lan

Nguyễn Việt Lan

UNDP
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNDP
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
UNFPA
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc
UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này