Hỗ trợ an sinh xã hội vẫn nằm ngoài tầm với của người bán dâm
“Tôi cảm thấy đau đớn, nhục nhã, ghê tởm và sợ hãi khi họ quan hệ tình dục với tôi một cách tàn bạo không giống như những gì chúng tôi đã thỏa thuận.”
Chị Hạnh (không phải tên thật), ngoài 50 tuổi, một phụ nữ bán dâm ở tỉnh Long An, chia sẻ cảm giác phải đối mặt với bạo lực tình dục.
Một loạt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã được áp dụng để ứng phó với đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư kể từ ngày 27 tháng 4 năm 2021, đây được coi là đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất ở Việt Nam kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các quy định thắt chặt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của những người bán dâm trên đường phố như chị Hạnh.
Cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, chị Hạnh sống trong căn nhà trọ nhỏ 2 phòng với 3 phụ nữ bán dâm khác ở khu vực ngoại thành của thành phố Tân An. Giá thuê hàng tháng là 600 nghìn đồng cho một phòng ở chung 2 người. Là một phụ nữ lớn tuổi bán dâm trên đường phố, mỗi ngày chị Hạnh chỉ có 1-2 khách với mức giá khá thấp, dao động 120.000-200.000 đồng/khách. Để kiếm sống, hàng tối chị cũng phải đi thu gom phế liệu và bán cho những người hoặc cửa hàng thu mua phế liệu nhỏ. Khi việc di chuyển trên đường phố bị hạn chế, tất cả các nguồn thu nhập của chị đều tạm dừng. Thu nhập của chị đã giảm xuống bằng không.
Từ tháng 7 – tháng 10 năm 2021, Chính phủ đã có ba đợt hỗ trợ tiền mặt cho những người thất nghiệp hoặc bị mất việc làm do COVID-19. Tuy nhiên, chị Hạnh và nhiều người bán mại dâm khác chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào dù bằng tiền mặt hay hiện vật hoặc hỗ trợ xã hội.
Các đợt bùng phát Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo khó, bất bình đẳng và bạo lực mà những người bán dâm phải đối mặt. Nhiều người không đủ điều kiện hoặc được đưa vào danh sách nhận bảo trợ xã hội. Theo một khảo sát nhanh do Mạng lưới VNSW* thực hiện tại 15 tỉnh thành phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 vào cuối tháng 10/2021, hơn 50% người bán dâm được phỏng vấn cho biết họ không thể tiếp cận một hoặc cả ba gói bảo trợ xã hội của Chính phủ từ tháng 7 - tháng 10 năm 2021. “Một số chị em thì không dám ra địa phương đăng ký nhận hỗ trợ vì mại dâm là bất hợp pháp và không được nhìn nhận như những lao động tự do khác ví dụ bán vé số. Chị em chúng tôi không muốn ra đó bị kỳ thị và phân biệt đối xử”.
Đói nghèo khiến những người bán dâm không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm. Họ liên lạc với khách qua điện thoại di động, thay nhau lẻn ra ngoài và bán dâm tại chỗ ở của khách vào buổi tối và ban đêm, chấp nhận có nguy cơ bị lực lượng an ninh địa phương bắt quả tang vì vi phạm các quy định về giãn cách xã hội.
Có lần, một khách hàng nam mời chị Hạnh đi xe máy cùng anh ta đến chỗ ở của mình để cung cấp dịch vụ một – một. Khi đến nơi, chị Hạnh thấy có hai người đàn ông khác trong phòng. Nghĩ rằng nhiều khách thì sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nên chị Hạnh miễn cưỡng đồng ý quan hệ lần lượt với ba người mặc dù chị chỉ mang theo một bao cao su và một gói chất bôi trơn.
Bất chấp việc chị Hạnh phản ứng ra sao, ba khách hàng đó đã cùng xông vào quan hệ như những con sói hung hãn. Hành vi thô bạo như vậy của khách hàng khiến chị Hạnh phải chịu nhiều đau đớn về thể xác và chấn động về tinh thần.
Sau đó, những người đàn ông đó còn không giữ lời hứa và chỉ trả chị 200.000 đồng cho cả ba người – nghĩa là chỉ bằng mức phí mà chị vẫn áp dụng cho một khách hàng. Cơn tức giận sôi trào, chị đã tranh cãi với họ.
“Bốp!”. Một người tát như trời giáng vào mặt chị và đe dọa nếu chị không đồng ý giảm giá tiền thì họ sẽ không chở chị về nhà - ngụ ý rằng chị sẽ có thể bị lực lượng địa phương bắt giữ vì vi phạm các quy định về giãn cách xã hội. Cân nhắc tất cả các rủi ro đó, chị Hạnh đành phải chấp nhận khoản tiền 200.000 đồng. Chị trở về nhà với nỗi đau, sự tức giận và tổn thương.
Do mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam nên chị Hạnh không dám trình báo vụ việc đó với các cơ quan chức năng. Sự hỗ trợ duy nhất mà chị có được là sự đồng cảm và tư vấn từ các chị em trong nhóm tự lực của người bán dâm.
“Bảo trợ xã hội thì có, nhưng chúng tôi đâu có được hưởng lợi gì từ những hoạt động đó. Sống ngoài lề xã hội, tôi và những chị em bán dâm khác không hề được bảo vệ nào”, chị Hạnh buồn rầu, “Tôi không còn cách nào khác, buộc phải mạo hiểm sự an toàn của mình để kiếm sống”.
Người bán dâm có quyền được hưởng các điều kiện làm việc an toàn, được tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội, có toàn quyền tự chủ về cơ thể và hoạt động tình dục của mình mà không bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Việc người bán dâm không tiếp cận được các khoản hỗ trợ tài chính khiến họ không được chăm sóc y tế thiết yếu và hưởng lợi từ các mạng lưới an sinh xã hội mà những người lao động khác đang được hưởng. Ngoài ra, việc không tiếp cận được tới các biện pháp bảo trợ xã hội khẩn cấp khiến người bán dâm không thể rời bỏ hoặc thay đổi được môi trường làm việc mang nặng bạo hành và lạm dụng.
UNAIDS kêu gọi bên liên quan thực hiện ngay các hành động cần thiết dựa trên các nguyên tắc về quyền con người để bảo vệ sức khỏe và quyền của người bán dâm, trong đó bao gồm hành động và biện pháp để thúc đẩy tiếp cận tới các dịch vụ bảo trợ xã hội và và hỗ trợ tạo thu nhập.
Nếu bạn hoặc ai đó mà bạn biết cần giúp đỡ liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới, hãy gọi đến số <094 140 9119> để báo cáo. Mọi thông tin sẽ hoàn toàn được bảo mật.
* The Viet Nam Network of Self-Help Groups Supporting Sex Workers (VNSW): Mạng lưới các nhóm tự lực Việt Nam hỗ trợ người hành nghề mại dâm
Tài liệu tham khảo
UNAIDS (2020). Tuyên bố Báo chí - Không bỏ rơi những người hành nghề mại dâm trong ứng phó với Covid-19. Có tại: https://www.unaids.org/en/resources/presscentre/pressreleaseandstatementarchive/2020/april/20200408_sex-workers-Covid-19
UNAIDS (năm 2021). HIV và Mại dâm - Loạt trang thông tin về nhân quyền. Có tại: https://www.unaids.org/sites/default/files/media_asset/05-hiv-human-rights-factsheet-sex-work_en.pdf
WHO (2004). Bạo lực đối với phụ nữ và HIV/AIDS: Các giao lộ nghiêm trọng. Có tại: https://www.who.int/reproductivehealth/topics/violence/hiv/en/