Thông cáo báo chí

25 triệu cuộc tảo hôn đã được ngăn chặn trong thập kỷ qua nhờ những tiến bộ nhanh chóng - theo ước tính mới của UNICEF.

09 tháng 3 2018

  • New York – Hà nội, ngày 9 tháng 3 năm 2018 – UNICEF cho biết tỷ lệ tảo hôn đang giảm dần trên toàn cầu trong đó một số quốc gia có tỉ lệ giảm đáng kể trong những năm gần đây. Nhìn chung, tỷ lệ phụ nữ kết hôn ở độ tuổi khi còn là trẻ em đã giảm 15% trong thập kỷ qua, từ 1/4 xuống còn khoảng 1/5.

Nam Á là khu vực có tỉ lệ tảo hôn giảm nhiều nhất trên thế giới trong 10 năm qua, do nguy cơ kết hôn của trẻ em gái trước ngày sinh lần thứ 18 đã giảm hơn 1/3, từ gần 50% xuống còn 30%, phần lớn nhờ những tiến bộ ở Ấn Độ. Tăng tỷ lệ được đi học của trẻ em gái, chủ động đầu tư của chính phủ cho trẻ em gái chưa thành niên và thông điệp mạnh mẽ từ cộng đồng về vấn đề kết hôn trái phép với trẻ em và những hệ lụy của nó chính là tác nhân thúc đẩy sự thay đổi này.

Anju Malhotra, Cố vấn trưởng về vấn đề giới của UNICEF cho biết "Khi trẻ em gái bị ép buộc phải kết hôn khi còn nhỏ, em sẽ phải đối mặt với những hậu quả tức thời và hậu quả kéo dài suốt cuộc đời. Các em ít có cơ hội được học tập đến nơi đến chốn, và có nguy cơ bị người chồng lạm dụng và gặp phải những khó khăn khi mang thai. Tảo hôn cũng gây ra những hậu quả xã hội vô cùng to lớn, và nguy cơ đói nghèo truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng cao hơn. Tảo hôn có những tác động tiêu cực trong cả cuộc đời trẻ em gái, vì vậy bất cứ một tiến bộ nào trong việc giảm tảo hôn đều đáng hoan nghênh, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước."

Theo số liệu mới của UNICEF, tổng số trẻ em gái kết hôn trong độ tuổi trẻ em hiện nay ước tính khoảng 12 triệu em một năm. Những con số mới cho thấy trên toàn cầu đã giảm được 25 triệu cuộc tảo hôn so với dự đoán của thế giới cách đây 10 năm.

Tuy nhiên, Việt Nam có rất ít hoặc không có tiến bộ nào trong việc giảm tỉ lệ tảo hôn trong khoảng thời gian từ 2006-2014, theo như báo cáo của phụ nữ trong độ tuổi 20-24. Các số liệu năm 2014 cho thấy 1/10 phụ nữ (từ 20-24 tuổi) đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước khi tròn 18 tuổi. Tỉ lệ trẻ em gái từ 15-19 tuổi đã kết hôn tăng gần gấp 2 lần trong khoảng thời gian từ 2006-2014, tăng từ 5,4% năm 2006 lên 10% vào năm 2014. Cần lưu ý là số liệu này bao gồm phụ nữ từ 18-19 tuổi, không còn trong độ tuổi tảo hôn.

Tảo hôn ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân gây ra như bất bình đẳng giới, tình trạng kinh tế gia đình, tập quán và hủ tục, mang thai vị thành niên, nhận thức yếu kém của cha mẹ và trẻ em về những rủi ro trên internet và mạng xã hội, pháp luật chưa được thực hiện nghiêm minh và khung pháp lý không có hiệu quả đối với một số dạng tảo hôn.

Để chấm dứt hoàn toàn hủ tục này vào năm 2030 – như đề ra trong Mục tiêu Phát triển Bền vững – thì cần đẩy nhanh tiến độ. Nếu không thúc đẩy nhanh tiến độ hơn nữa thì đến năm 2030 sẽ có thêm hơn 150 triệu em gái nữa sẽ kết hôn trước ngày sinh nhật thứ 18 của mình.

"Mỗi cuộc tảo hôn bị ngăn chặn sẽ mang lại cơ hội cho một bé gái được phát triển tối đa tiềm năng của mình. Thế giới đã cam kết chấm dứt nạn tảo hôn vào năm 2030, nên chúng ta sẽ phải nỗ lực gấp đôi để ngăn chặn tình trạng hàng triệu em gái bị đãnh cắp tuổi thơ bởi hủ tục này". Bà Malhotra phát biểu.

###

Ghi chú dành cho biên tập viên

Nội dung dành cho truyền thông đa phương tiện có thể được tải về tại đây.

Tỷ lệ tảo hôn trên toàn thế giới được tính toán dựa trên ước tính của từng nước trong cơ sở dữ liệu toàn cầu của UNICEF, bao gồm dữ liệu đại diện toàn quốc từ hơn 100 quốc gia. Số liệu quốc gia về tảo hôn chủ yếu lấy từ các cuộc điều tra hộ gia đình như Điều tra tình hình phụ nữ và trẻ em do UNICEF hỗ trợ và Điều tra Nhân khẩu và Sức khoẻ do USAID hỗ trợ (DHS). Dữ liệu nhân khẩu học được trích từ Ban kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc, Bộ phận Dân số.

Các số liệu về tảo hôn của Việt Nam được lấy từ Điều tra tình hình phụ nữ và trẻ em (MICS)

Giới thiệu về UNICEF

UNICEF hoạt động tại một số nơi khó khăn nhất trên thế giới, để tiếp cận những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhất. Để cứu mạng sống của các em, để bảo vệ quyền của các em, giúp các em phát triển tối đa tiềm năng của minh. Tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, chúng tôi làm việc vì tất cả trẻ em, ở mọi nơi nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Và chúng tôi không bao giờ từ bỏ.

Để biết thêm thông tin về UNICEF và công việc mà chúng tôi đang làm vì trẻ em hãy truy cập www.unicef.org/vietnam. Hãy theo dõi UNICEF trên trang Twitter và Facebook       

Nguyen Thi Thanh Huong

Nguyễn Thị Thanh Hương

UNICEF
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này