Ngày Môi trường thế giới năm 2018
Bài phát biểu của LHQ bởi Bà Caitlin Wiesen, Trưởng nhóm Công tác LHQ về Biến đổi khí hậu và Môi trường, Giám đốc quốc gia UNDP
Kính thưa ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Kính thưa ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định;
Kính thưa ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định;
Kính thưa bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQVN;
Kính thưa đại diện các Bộ, ngành và tỉnh Bình Định;
Thưa quý vị đại biểu,
Thay mặt các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam và Nhóm Công tác LHQ về Biến đổi khí hậu và Môi trường, tôi rất vui mừng có mặt tại thành phố xinh đẹp này để tổ chức Ngày Môi trường thế giới tại Việt Nam!
"Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon" là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2018 với ý nghĩa thúc đẩy các quốc gia, các ngành công nghiệp, các cộng đồng và cá nhân bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa và nilon một lần, đây là những thứ không chỉ gây ô nhiễm đại dương và các hệ sinh thái quan trọng, mà còn ảnh hưởng đến sự sống biển, động thực vật và đe dọa sức khỏe con người.
Trên toàn thế giới, hơn 1 triệu chai nước nhựa được tiêu thụ mỗi phút, trong khi đó 5 nghìn tỷ túi nilon dùng 1 lần được sử dụng hàng năm. Khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất, trong đó 13 triệu tấn thải ra biển mỗi năm. Một số sản phẩm nhựa và nilon có thể giữ nguyên 400 năm sau khi thải ra biển.
Đây là các con số thống kế trên thế giới, vậy ở Việt Nam các con số đó như thế nào? Mỗi ngày chúng ta sử dụng bao nhiêu túi nilon? Mỗi ngày chúng ta vứt đi bao nhiêu túi nilon? Theo thống kê gần đây, Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới đóng góp 60% chất thải nhựa và nilon thải ra biển.
Vừa qua 25 Đại sứ quán cùng với các cơ quan LHQ và các tổ chức quốc tế khác hoạt động ở Việt Nam đã phối hợp và thảo luận với các Bộ, ngành và thành phố Hà Nội về khả năng cải cách chính sách về sử dụng nhựa và nilon. Các tổ chức quốc tế đã ký một Quy tắc ứng xử về ô nhiễm chất thải nhựa và nilon, khẳng định các cam kết về nhựa và nilon dùng một lần và dấu chân chất thải nhựa và nilon.
LHQ ở Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và người dân Việt Nam thúc đẩy một lối sống xanh và thói quen tiêu dùng xanh và bền vững hơn. LHQ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng và cập nhật các chính sách quan trọng như Luật Bảo vệ Môi trường, Chiến lược Tăng trưởng xanh và các chiến lược, kế hoạch khác liên quan đến môi trường. Ngoài ra, LHQ thúc đẩy các sáng kiến quan trọng như khu công nghiệp sinh thái, hóa học xanh, quản lý vòng đời sản phẩm hóa học, và công nghiệp xanh hướng tới sản xuất và công nghiệp hóa bền vững.
Một ví dụ là chúng tôi vừa phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển phát động cuộc thử thách 7 ngày khuyến khích ăn, ở và đi lại bền vững và thông minh. Chúng tôi đã không sử dụng chai nước nhựa trong các cuộc họp tại trụ sở LHQ. Chúng tôi hỗ trợ chương trình ươm mầm khởi nghiệp "Cứu đại dương của chúng ta" sử dụng công nghệ kết nối không dây phạm vi ngắn tại các trạm cung cấp nước uống trả tiền để giảm sử dụng chai nhựa.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta cần có các hành động cụ thể hiệu quả và kịp thời cùng với cách tiếp cận vùng và toàn cầu để tăng cường quản lý môi trường hiệu quả vòng đời nhựa và nilon. Nhân dịp này, tôi muốn đề xuất 3 hành động chúng ta có thể áp dụng để tạo ra sự khác biệt.
Một là, cần tạo lại hay làm sống lại thị trường các sản phẩm truyền thống thân thiện môi trường. Trước đây, người dân Việt sử dụng lá chuối và lá sen để gói thức ăn và sử dụng túi vải để đi mua sắm. Để sử dụng hiệu quả các hình thức truyền thống đơn giản, Chính phủ nên tạo một khung thể chế và hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp và khối tư nhân từ đó sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường hơn.
Hai là, cần có sự cam kết và hành động của từng người dân. Các hoạt động của người dân sẽ tạo ra một sức mạnh lớn để hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm thân thiện môi trường. Chúng ta hãy chung tay giảm và dừng ngay việc sử dụng túi nilon và chai nước nhựa và thay thế vào đó sử dụng các túi vải.
Ba là, cần có một cách tiếp cận toàn cầu hay khu vực về chu trình tổng hợp để giảm nhẹ ô nhiễm từ nhựa và nilon. Chính phủ Việt Nam có thể đề xuất và chủ trì một chương trình khu vực giữa 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa và nilon lớn vào đại dương.
Kính thưa quí vị,
Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu vào tháng 6 tại Đà Nẵng, rác thải đại dương và sử dụng không bền vững nhựa và nilon là một chủ đề chính tại sự kiện này. Đại hội đồng GEF họp 4 năm một lần có sự tham gia của hàng nghìn đại biểu, bao gồm Lãnh đạo các quốc gia, các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp, từ hơn 180 quốc gia để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, kết quả và giải pháp cần thiết để bảo vệ môi trường toàn cầu. Đây là cơ hội tuyệt vời cho Chính phủ Việt Nam thúc đẩy thành công các đối thoại và xác định các hành động để "giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon" góp phần đạt Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).
Tôi xin kết thúc bằng thông điệp của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres: Nếu cứ tiếp diễn như hiện nay, đến năm 2030 đại dương của chúng ta có nhiều nhựa và nilon hơn cá. Hành động đơn giản là: từ chối nhựa và nilon dung 1 lần, từ chối những thứ không thể tái sử dụng. Cùng nhau chúng ta có thể tạo ra một con đường hướng tới một thế giới sạch hơn, xanh hơn.
Các cơ quan LHQ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và người dân Việt Nam, cũng như với các đối tác phát triển và các bên liên quan, vì sự nghiệp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo một tương tai bền vững nơi không có ai bị bỏ lại phía sau.
Chúng tôi hy vọng tinh thần Ngày Môi trường thế giới sẽ tạo ra một sự thay đổi về suy nghĩ và hành vi đối với việc sử dụng đồ nhựa và nilon!
Chúc quí vị sức khỏe, hạnh phúc và bền vững!
Xin cảm ơn!