Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về AIDS kết thúc với một tuyên bố chính trị mạnh mẽ và các mục tiêu mới táo bạo cần đạt được vào năm 2025
18 tháng 6 2021
Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2021 — Sau nhiều tuần thảo luận sôi nổi, Hội nghị cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về AIDS năm 2021 đã kết thúc với việc thông qua một Tuyên bố Chính trị mới, đầy tham vọng và có thể đạt được về HIV và AIDS: Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tuyên bố này được xây dựng dựa trên bằng chứng, căn cứ về quyền con người và sẽ đóng vai trò như một lộ trình quan trọng để thúc đẩy đáp ứng với HIV trên toàn cầu trong 05 năm tới.
Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2021 — Sau nhiều tuần thảo luận sôi nổi, Hội nghị cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về AIDS năm 2021 đã kết thúc với việc thông qua một Tuyên bố Chính trị mới, đầy tham vọng và có thể đạt được về HIV và AIDS: Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tuyên bố này được xây dựng dựa trên bằng chứng, căn cứ về quyền con người và sẽ đóng vai trò như một lộ trình quan trọng để thúc đẩy đáp ứng với HIV trên toàn cầu trong 05 năm tới.
Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành UNAIDS cho biết: “Tôi xin cảm ơn tất cả các Quốc gia Thành viên Liên Hợp Quốc vì trong hai tháng qua đã soạn thảo, đàm phán và đưa ra một tuyên bố chính trị táo bạo để định hướng cho các nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt một đại dịch đã tàn phá các quốc gia và cộng đồng trong suốt 40 năm qua."
Những tiến bộ quan trọng đã đạt được trong tuyên bố chính trị năm 2021, bao gồm các mục tiêu mới để đảm bảo rằng 95% người có nguy cơ lây nhiễm HIV được sử dụng các dịch vụ dự phòng HIV kết hợp, chú trọng nhiều hơn vào việc cung cấp dịch vụ do cộng đồng làm chủ — bao gồm mục tiêu 80% dịch vụ cho các nhóm quần thể đích sẽ do cộng đồng cung cấp — và cam kết chấm dứt các bất bình đẳng, vượt xa Mục tiêu Phát triển Bền vững số 10 về giảm bất bình đẳng.
Hội nghị cấp cao về AIDS được triệu tập bởi Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; các cuộc đàm phán về tuyên bố chính trị được điều hành bởi đại sứ Australia và đại sứ Namibia; Hội nghị có sự tham gia của đại diện 193 Quốc gia Thành viên và các diễn giả bao gồm 14 tổng thống, 05 phó tổng thống và 04 thủ tướng, cùng nhiều đại diện cấp cao tham gia các phiên thảo luận chuyên đề và 30 sự kiện khác trong khuôn khổ Hội nghị. Các sự kiện bàn luận nhiều vấn đề quan trọng, từ cách mở rộng độ bao phủ chương trình điều trị cho trẻ em đến cách mở rộng quy mô các can thiệp giảm tác hại và trao quyền cho thanh thiếu niên.
Năm phiên thảo luận chuyên đề bao gồm:
- Giải quyết bất bình đẳng để chấm dứt dịch bệnh AIDS: 10 năm còn lại trước mốc 2030.
- Đưa người dân và cộng đồng vào trung tâm của đáp ứng với đại dịch AIDS.
- Nguồn lực và cung cấp tài chính để đảm bảo đáp ứng hiệu quả với HIV và AIDS.
- Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thể của phụ nữ và trẻ em gái trong đáp ứng với HIV và AIDS.
- Giải quyết tác động của đại dịch COVID-19 đối với đáp ứng với AIDS và phục hồi trở lại tốt đẹp hơn để sẵn sàng ứng phó với các đại dịch.
Hội nghị cấp cao về AIDS có sự tham gia của những người sống với HIV, các đại diện cấp cao của Liên Hợp Quốc, đại diện của các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và giới học thuật và các bên liên quan khác. Tất cả đã thảo luận về những cách thức thực tế để biến tuyên bố chính trị mới năm 2021 thành hành động và kết quả cụ thể. Việt Nam tiếp tục thể hiện cam kết và vai trò lãnh đạo chính trị mạnh mẽ trong phòng, chống HIV/AIDS tại hội nghị này, thông qua bài phát biểu tại Đại Hội Đồng của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm và bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm vận động chính sách, triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, dự phòng lây nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy, tại một phiên họp vệ tinh cấp cao, với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế Gs. Ts. Nguyễn Thanh Long.
Ông Elton John - nghệ sĩ nổi tiếng và nhà hoạt động phòng chống AIDS lâu năm, người sáng lập Quỹ Elton John cho các hoạt động phòng chống AIDS - đã đưa ra lời kêu gọi hành động mạnh mẽ bằng thông điệp qua video rằng “Với sự vào cuộc quyết liệt của các lãnh đạo trên thế giới, chúng ta có thể đánh bại AIDS và COVID-19 và sẵn sàng hơn để ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai. Hỡi các nhà lãnh đạo, quí vị có thể và sẽ tạo ra sự khác biệt. Quí vị có một đội quân ủng hộ hùng hâu, bao gồm 38 triệu người đang sống với HIV trên toàn thế giới. Tôi tin rằng, cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt nỗi sợ hãi và các bất bình đẳng — và vào cuối thập kỷ này, chấm dứt dịch bệnh AIDS, một lần và mãi mãi! Cả thế giới đang dõi theo quí vị và chúng ta không thể lãng phí một giây phút nào”.