Lễ ký Văn kiện Khung chiến lược Hợp tác Phát triển Bền vững (CF) giữa Liên Hợp Quốc và Việt Nam, giai đoạn 2022-2026
12 tháng 8 2022
Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2022
• Kính thưa Ngài Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng,
• Kính thưa các vị lãnh đạo đại diện các Bộ, Ban ngành của Chính phủ,
• Các Đại sứ và đại diện các tổ chức ngoại giao,
• Đại diện từ các học viện, tổ chức phi Chính phủ, các đối tác phát triển khác và các tổ chức dựa vào cộng đồng,
• Đại diện các tổ chức LHQ và đồng nghiệp,
• Đại diện các cơ quan báo chí,
• Cùng toàn thể quý vị,
Tôi rất vui mừng và hân hạnh được chào đón tất cả các quý vị hôm nay đến dự lễ ký Văn kiện Khung Chiến lược Hợp tác Phát triển Bền vững giữa Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam cho giai đoạn 2022-2026, gọi tắt là ‘CF’.
CF là tài liệu chiến lược chính để hướng dẫn và chỉ đạo sự hợp tác của chúng ta. Cùng với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi - với tư cách đại diện Liên Hợp Quốc, đã nhất trí về cách tiến gần hơn đến việc hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Vì vậy, CF là chìa khóa quan trọng trong việc hướng dẫn cách chúng ta hỗ trợ sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người dân ở Việt Nam.
Con đường dẫn đến buổi lễ ký hôm nay không hề dễ dàng và cũng không hề suôn sẻ. Chúng ta đã phải đối mặt với những trở ngại và sự chậm trễ, trong số đó phần nhiều là do đại dịch COVID-19 gây ra. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng chưa từng có về quy mô và hậu quả của nó. Nó cũng mang đến cơ hội vô song để đẩy nhanh tiến độ của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững khi chúng ta xây dựng và phục hồi như khi trước đại dịch. Đối với Liên Hợp Quốc, đại dịch khiến chúng tôi tin tưởng hơn về tính ưu việt của việc Không để ai bị bỏ lại phía sau. Nguyên tắc Không để ai bị bỏ lại phía sau thông qua việc thực hiện CF là cam kết cơ bản của LHQ tại Việt Nam. Đảm bảo rằng Không để ai bị bỏ lại phía sau đòi hỏi một cách tiếp cận rộng rãi, bao gồm sự tham gia của toàn thể bộ máy Chính phủ và toàn thể xã hội. Tôi cảm thấy tin tưởng rằng chúng ta - những người đang gặp nhau ở đây hôm nay - là những tác nhân của sự thay đổi, đảm bảo rằng Việt Nam có thể tận dụng được nguồn lực dân số có tính thích nghi cao, cần cù và ngày càng tăng trưởng để thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài cho tất cả mọi người, trong khi đó vẫn bảo vệ được môi trường cho hành tinh của chúng ta. CF cũng phản ánh cam kết mạnh mẽ đối với các nguyên tắc về quyền con người, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, cũng như nghĩa vụ đối với các tiêu chuẩn và hiệp ước quốc tế.
Phát triển CF là một cam kết chung và tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Bộ KH & ĐT và đặc biệt là Ngài Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với vai trò điều phối sự tham gia chặt chẽ của các cơ quan Chính phủ cùng với LHQ. Với những kiến thức và kinh nghiệm thông qua phân tích và đối thoại liên ngành, Chính phủ Việt Nam và LHQ đã ưu tiên cho bốn kết quả phát triển:
• Phát triển xã hội bao trùm, tập trung vào các dịch vụ xã hội bao trùm, đáp ứng giới, nhạy cảm với người khuyết tật, công bằng, giá cả phải chăng, chất lượng và bảo trợ xã hội, với mục tiêu giúp người dân ở Việt Nam thoát nghèo đa chiều và trao quyền cho mọi người để có thể phát huy hết tiềm năng của mình;
• Ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai và bền vững môi trường, tập trung vào một môi trường an toàn và sạch hơn là kết quả của việc Việt Nam giảm thiểu và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng phục hồi, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cung cấp năng lượng tái tạo và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên;
• Chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi kinh tế, với trọng tâm là chuyển đổi kinh tế bền vững, bao trùm và đáp ứng giới dựa trên đổi mới, tinh thần kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và làm việc tốt; và
• Quản trị và tiếp cận công lý, tập trung vào cải thiện quản trị, các thể chế để đáp ứng nhanh hơn, tăng cường pháp quyền, bảo vệ và tôn trọng các quyền con người, bình đẳng giới và tự do khỏi mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Rất nhiều công việc đã được thực hiện để xác định và cụ thể hóa các kết quả ưu tiên này. Chúng ta đã rút ra những phương pháp tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới để đảm bảo rằng mỗi kết quả đều được củng cố bởi một lý thuyết thay đổi mạnh mẽ dựa trên bằng chứng khoa học. Vào tháng 7 năm ngoái, chúng tôi đã nhận được phản hồi rất có giá trị từ cuộc tham vấn nhiều bên liên quan. Tôi cho rằng nhiều người trong số các quý vị đã tham gia vào quá trình này. Nhận xét, phản hồi và sự tham gia tích cực của các quý vị đã làm cho văn kiện tài liệu này trở nên vững chắc và thực chất hơn. Về điều này, tôi cảm thấy vừa tự hào, vừa vô cùng biết ơn!
Kính thưa các quý vị,
2022 là năm đầu tiên của CF và chúng tôi đã bắt đầu công việc của mình. Khi chúng tôi bắt tay vào hành trình này cùng với Chính phủ Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh ba điểm chính:
Đầu tiên, chúng ta đang sống trong một thế giới bất an và đầy biến động. Chúng ta đã thấy những tác động của cuộc khủng hoảng hành tinh ở 3 khía cạnh - biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học. Một vài năm gần đây đã cho thấy, với sự rõ ràng tàn bạo, các cuộc khủng hoảng có thể xuất hiện và tiến triển nhanh chóng. Thế giới như chúng ta biết có thể thay đổi và đang thay đổi rất nhanh chóng. Các cuộc khủng hoảng gần đây đã tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực, nhiên liệu và giá cả hàng hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu và tài chính. Có thể chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của những gián đoạn ngày càng tồi tệ và sự hỗn loạn vẫn còn chưa đến. Chúng ta cũng đã thấy cách một cuộc khủng hoảng này kết hợp với một cuộc khủng hoảng khác. Mối liên kết toàn cầu này không còn có thể bị bỏ qua nữa mà đã trở thành điều hiển nhiên. Trong bối cảnh đó - và hơn bao giờ hết - chúng ta cần tái khẳng định và củng cố cam kết của mình đối với chủ nghĩa đa phương và đoàn kết toàn cầu. Chúng tôi biết rằng Việt Nam là một nước ủng hộ mạnh mẽ LHQ và tin tưởng rằng Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với chúng tôi khi chúng tôi đối mặt với những thách thức phức tạp hơn. Tôi tin rằng LHQ chỉ có thể thành công với tư cách là một tổ chức đa phương nếu chúng ta có thể đưa các bên liên quan đa dạng vào để cùng tìm và cùng tạo ra các giải pháp.
Thứ hai, chúng ta cần trang bị cho mình kiến thức và tầm nhìn xa để đảm bảo rằng chúng ta sẵn sàng đáp ứng với thế giới ngày mai. Đối với đại dịch toàn cầu, chúng ta đã học được rằng sự thay đổi và gián đoạn đến mà không cần báo trước. Trên thực tế, kiến thức là nguồn tài nguyên quý giá nhất của chúng ta. Như Thủ tướng Chính phủ Ngài Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại cuộc họp bàn về kinh tế vĩ mô, tổ chức ngày 30/7, chúng ta “cần mạnh dạn, trang bị kiến thức, tầm nhìn và tinh thần đột phá”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có năng lực mạnh mẽ hơn trong dự báo để dự đoán rủi ro và nắm bắt cơ hội. LHQ sẵn sàng đóng góp đáng kể vào việc này với mạng lưới kiến thức và khả năng tiếp cận chuyên môn toàn cầu của chúng tôi. Cam kết của tôi với các bạn là sử dụng CF linh hoạt nhất có thể, lưu giữ nó như một tài liệu sống, tập trung vào những gì cần thiết nhất trong bốn kết quả chung và đồng thiết kế với Chính phủ và người dân Việt Nam, các giải pháp và lựa chọn phát triển liên quan . Tôi cũng cam kết làm cho LHQ trở nên sáng tạo và đổi mới nhất có thể, đảm bảo cách tiếp cận của chúng tôi có hiệu quả, tối ưu chi phí và mang lại giá trị.
Thứ ba, chúng ta cần đảm bảo các nguồn lực để thực hiện CF. Một lần nữa, với sự lãnh đạo của Bộ KH & ĐT và các cơ quan của Chính phủ, chúng ta đang bắt đầu quá trình phát triển chiến lược hợp tác và huy động nguồn lực chung cho CF. Chiến lược của chúng ta cần hướng tới tương lai, được cung cấp thông tin dựa trên bằng chứng và thích ứng với bối cảnh phát triển thay đổi nhanh chóng và bối cảnh tài chính. Chúng tôi biết rằng nguồn vốn ODA cho Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Tài chính phát triển, như chúng ta biết, cần được nhìn nhận lại để phục vụ tốt hơn cho ngày hôm nay và ngày mai. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với việc xây dựng chiến lược cũng như đối với việc huy động các nguồn lực trên thực tế. Cùng nhau, chúng ta có thể cải thiện cách huy động các nhà tài trợ phi truyền thống, tìm ra các thỏa thuận chia sẻ chi phí sáng tạo và hợp tác với khu vực tư nhân để mang lại sự thay đổi. Tôi tin rằng chúng ta phải thực hiện cách tiếp cận toàn xã hội, theo đó chúng ta khai thác năng lực và nguồn lực để hợp tác mạnh mẽ hơn. Tại đây, tôi muốn nhắc lại cam kết của LHQ trong việc xây dựng quan hệ đối tác bền chặt giữa Chính phủ Việt Nam và LHQ trong việc đẩy nhanh tiến độ đạt được Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Chúng ta không thể dự đoán tương lai. Nhưng chúng ta có thể thiết kế và làm việc cùng nhau cho hiện tại và tương lai mà Không để ai bị bỏ lại phía sau. Tôi rất vui mừng được làm việc với tất cả các quý vị có mặt tại đây ngày hôm nay và với các đối tác mới với sự đổi mới, kiến thức và tầm nhìn xa.
Xin chân thành cảm ơn!
Bài phát biểu của
Pauline Tamesis
RCO
Điều phối viên Thường trú
Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này
Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này
FAO
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc
IAEA
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế
IFAD
Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp
ILO
Tổ chức Lao động Quốc tế
IOM
Tổ chức Di cư Quốc tế
ITC
Trung tâm Thương mại Quốc tế
OHCHR
Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền
UN DESA
Vụ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc
UN Women
Tổ chức về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Liên Hợp Quốc
UN-Habitat
Chương trình Định cư Con người của Liên Hợp Quốc
UN
Liên Hợp Quốc
UNAIDS
Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS
UNCTAD
Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển
UNDP
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
UNDSS
United Nations Department of Safety and Security
UNEP
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc
MGIEP
Mahatma Gandhi Institute of Education for Peace and Sustainable Development
UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc
UNFPA
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc
UNHCR
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn
UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc
UNIDO
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc
UNODC
Văn phòng Liên Hợp Quốc về Phòng chống Ma tuý và Tội phạm