Lễ kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc
Bài phát biểu khai mạc của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Ngài António Guterres
Hà Nội, 21/10/2022
(Bản dịch không chính thức).
Kính thưa Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc,
Thưa các quý vị,
Thưa các bạn,
Xin chào!
Xin cảm ơn sự đón tiếp thịnh tình của các bạn.
Tôi rất vinh dự được cùng các bạn đánh dấu kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc (LHQ).
Hôm nay, chúng ta ghi nhận không chỉ một quan hệ đối tác bền chặt – mà còn kỷ niệm một hành trình đáng nhớ.
Một câu chuyện về chuyển đổi và hy vọng do dân tộc Việt Nam viết lên.
Cách đây cũng chưa lâu lắm - các nhân viên LHQ thế hệ trước – vẫn còn phải tất bật cung cấp viện trợ lương thực cho Việt Nam, một đất nước bị chiến tranh tàn phá, bị cô lập và nạn đói chực trờ.
Hôm nay, chính Việt Nam lại đang gửi những người lính gìn giữ hòa bình đến cứu trợ người dân ở một số nơi tuyệt vọng nhất trên thế giới.
Cách quê hương hàng nghìn dặm - ở những nơi như Cộng hòa Trung Phi - phụ nữ và nam giới Việt Nam đang liều mình để mang lại cho những người khác hòa bình, hy vọng và cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tại đây hôm nay, tôi nhìn thấy một nhóm binh sĩ gìn giữ hòa bình dũng cảm của Việt Nam. Xin các bạn cho một tràng pháo tay dành cho họ - lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam.
Đó là hành trình mà chúng ta kỷ niệm - từ xung đột đến hòa bình, từ nhận viện trợ đến tự cung tự cấp, từ nghèo đói đến phát triển.
Trên trường quốc tế, Việt Nam hiện không chỉ là nước đóng góp quan trọng cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc mà tỷ lệ nữ quân nhân Việt Nam tham gia còn nhiều gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của nữ quân nhân nói chung trong lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.
Việt Nam đã hai lần được bầu vào Hội đồng Bảo an - và thông qua Tuyên bố lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng về việc duy trì Hiến chương Liên hợp quốc.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã triển khai hợp tác và hội nhập mạnh mẽ trên khắp Đông Nam Á.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Tỷ lệ nghèo cùng cực, đói, bệnh tật, tử vong của trẻ em đã giảm mạnh.
Tỷ lệ biết chữ và khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, điện và nước uống đều tăng - cùng với thu nhập của gia đình.
Đây là những thành tựu rất đáng ghi nhận và quyền con người và phát triển.
Việt Nam đã đạt được - và trong một số trường hợp đã vượt - hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Bất chấp những khó khăn trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã cam kết đầy đủ với Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.
Quả là một minh chứng hùng hồn về sự kiên cường và chịu khó của con người Việt Nam, và về chính sách đặt con người làm trọng tâm của sự phát triển.
Trong tương lai, những yếu tố này sẽ rất quan trọng để viết chương tiếp theo của câu chuyện Việt Nam thành công và phát triển.
Tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ và thanh niên, kể cả qua kênh Nỗ lực toàn cầu vì sự Chuyển đổi Bình đẳng trong Việc làm và Bảo trợ Xã hội.
Tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào công cuộc phát triển nền kinh tế xanh.
Xóa bỏ bất bình đẳng ngày càng tăng về thu nhập.
Giải quyết tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường.
Tăng cường quyền con người và vai trò của nhà nước pháp quyền.
Tôi ghi nhận thành công khi mới tuần trước đây Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền.
Nhân quyền là hạt nhân phát huy những điều tốt đẹp nhất trong xã hội chúng ta.
Nhân quyền xây dựng tinh thần đoàn kết, thúc đẩy hòa nhập, bình đẳng và tăng trưởng, bảo đảm cho tự do và ổn định lâu dài.
Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền là lời nhắc nhở về nghĩa vụ của mọi Quốc gia Thành viên, đó là:
Duy trì quyền con người trên trên mọi góc độ - từ xã hội, kinh tế và văn hóa, đến các quyền chính trị và dân sự.
Xóa đói giảm nghèo. Thúc đẩy chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đảm bảo giáo dục cho tất cả mọi người.
Đảm bảo tôn trọng các quyền tự do cơ bản - bao gồm tự do ngôn luận và tự do hiệp hội.
Bảo vệ sự vận hành của xã hội dân sự để các quyền này được thực sự đi vào cuộc sống - và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của họ - từ các nhà báo, những người bảo vệ nhân quyền đến những nhà vận động về môi trường.
Chúng tôi mong muốn được hợp tác sâu sắc hơn với các bạn vì hòa bình, phát triển bền vững và quyền con người cho tất cả mọi người
Thưa các quý vị,
Thế giới của chúng ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ lớn.
Đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển đã bị đại dịch COVID-19 tàn phá và đang phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng khác - từ hậu quả của cuộc chiến tranh ở Ukraine đến giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt, lạm phát gia tăng, gánh nặng nợ nần và không gian tài chính bị thu hẹp.
Các quốc gia này là nạn nhân của sự bất bình đẳng và bất công trong hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu, đòi hỏi phải khẩn trương cải cách.
Chúng ta phải thúc đẩy hơn nữa công lí, đoàn kết và hợp tác.
Cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu chính là nơi chúng ta cần phải đoàn kết hơn bao giờ hết.
Nhiệt độ chỉ mới tăng 1,2 độ, chúng ta đã chứng kiến những tác động khí hậu khủng khiếp.
Việt Nam - với hơn 3.000 km bờ biển, nhiều thành phố và vùng đồng bằng trũng thấp - đang ở tuyến đầu của thảm họa khí hậu.
Gần một phần tư dân số Việt Nam đang sinh sống tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trung tâm nông nghiệp và công nghiệp của đất nước.
Đây là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới - chịu ảnh hưởng của mực nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt và cường độ mưa thay đổi.
Nếu không có hành động chung về khí hậu toàn cầu, chỉ trong thập kỷ này, hơn một triệu người Việt Nam có thể bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực.
Lúc đó chi phí kinh tế về thiệt hại do khí hậu ở Việt Nam có thể tăng gấp 50 lần vào năm 2050.
Thưa các quý vị,
Các nền kinh tế G20 cộng lại chiếm 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và 80% GDP toàn cầu.
Họ phải là những người đầu tiên giảm lượng khí thải trong thập kỷ này – sao cho toàn cầu chỉ được ấm lên đến mức 1,5 độ - và chuyển hoàn toàn sang năng lượng tái tạo.
Các nước giàu phải giữ lời hứa cung cấp 100 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng khả năng phục hồi.
Ít nhất một nửa số tài chính khí hậu quốc tế phải dành cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm hỗ trợ các nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Chúng ta phải khẩn trương giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu nằm ngoài khả năng thích ứng của các quốc gia.
Hành động tránh mất mát và thiệt hại là mệnh lệnh đạo đức phải được đặt lên hàng đầu tại Hội nghị Khí hậu Liên hợp quốc sắp tới - COP27 - ở Ai Cập.
Tất cả những điều này là hết sức cần thiết để xây dựng lại lòng tin giữa các quốc gia phát triển và khu vực phía nam bán cầu.
Nhưng mỗi quốc gia đều có một vai trò.
Bởi vì ngay cả khi tất cả các nước phát triển đạt đến mức không phát thải vào năm 2030, chúng ta vẫn sẽ không thể giữ mức độ ấm lên toàn cầu chỉ ở mức 1,5 độ nếu thế giới không có các hành động cùng chung tay góp sức.
Tức là chúng ta không thể ngồi chờ đến sau năm 2030 mới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch - đặc biệt là than - hoặc buông xuôi đến khi phát thải toàn cầu đạt mức đỉnh điểm.
Nếu thế giới không cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030, thì việc đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 sẽ chỉ là một giấc mơ viển vông.
Lúc đó sẽ là một cơn ác mộng về khí hậu đối với hàng tỷ người.
Giờ đây, chúng ta cần chung sức thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng mang tính toàn cầu, bền vững, công bằng, bao trùm và bình đẳng.
Việt Nam đang xúc tiến đẩy nhanh quá trình loại bỏ than, khởi động cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo và đạt được giá trị ròng vào năm 2050.
Nhưng để làm được điều đó, Việt Nam cần được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và xanh hóa nền kinh tế, ngay lúc này.
Năm ngoái ở Glasgow, tôi đã đưa ra đề xuất về hỗ trợ tăng cường có mục tiêu để giúp điều đó sớm thành hiện thực.
Đó là xây dựng các liên minh hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi chủ chốt bắt đầu cắt giảm các nguồn phát thải lớn. Các liên minh này bao gồm các nước phát triển, các tổ chức tài chính và những nước có bí quyết kỹ thuật.
Chúng tôi gọi những liên minh này là Quan hệ Đối tác Bình đảng về Chuyển đổi Năng lượng.
Và Việt Nam đang là quốc gia đi đầu.
Các bạn đang đi đầu trong khuôn khổ hợp tác mới về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo một cách công bằng và toàn diện.
Thông qua các mối quan hệ đối tác này, các bạn đang tạo ra một công cụ mới quan trọng để cắt giảm lượng khí thải mà thế giới phải làm trong thập kỷ 2020.
Việt Nam đang chỉ ra rõ con đường cho toàn bộ khu vực để chuyển đổi từ tâm điểm phát thải khí than thành một cường quốc kinh tế xanh toàn cầu.
Thông qua Quan hệ Đối tác Bình đẳng về Chuyển đổi Năng lượng, Việt Nam đã định ra các cấp độ phối hợp chưa từng có cả trong nội bộ chính phủ Việt Nam và với các đối tác bên ngoài.
Với Quan hệ Đối tác Bình đẳng về Chuyển đổi Năng lượng, Việt Nam đang nêu gương phát triển mới cho thế giới.
Việt Nam đang nắm trong tay, định hình và động lực của Quan hệ đối tác này.
Để thành công, chúng ta cần sự đoàn kết quốc tế. Các nước phát triển phải tham gia đầy đủ vào các quan hệ đối tác này.
Để thành công, chúng ta cũng cần có cách tiếp cận toàn xã hội - thanh niên, xã hội dân sự và khu vực tư nhân hợp tác với Chính phủ và Quốc hội trong đối thoại cởi mở và trung thực.
Các bạn có thể tin tưởng là cá nhân tôi sẽ thúc đẩy các đối tác đưa ra các khoản đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cần thiết với tốc độ, quy mô và ở mức ưu đãi.
Liên hợp quốc sẵn sàng đề nghị cộng đồng quốc tế tham gia đầy đủ để ủng hộ quyết định can đảm của Việt Nam nhằm đạt mức độ trung lập các-bon vào năm 2050.
Thưa các quý vị,
Việt Nam đã đi được một chặng đường dài. Nhưng chưa dừng ở đó, cuộc hành trình vẫn tiếp tục.
Một lần nữa, Việt Nam có cơ hội trở thành một cường quốc cho sự thay đổi.
Để đảm bảo một tương lai có khả năng chống chịu với khí hậu.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Để chuyển đổi nền kinh tế của mình và giúp biến đổi thế giới.
Liên hợp quốc tự hào là đối tác của bạn - trên từng bước đi.
Tiến lên, cùng tiến lên - như trích đoạn trong bài quốc ca Việt Nam mà chúng ta vừa được nghe.
Cảm ơn các quí vị và các bạn!