Thông cáo báo chí

Truyền Tử Tế, Thắp Tự Hào - Trường học an toàn hơn cho người LGBTI

18 tháng 12 2022

HÀ NỘI, VIỆT NAM (ngày 18 tháng 12 năm 2022)

Participants at the event

Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và các tổ chức đối tác do cộng đồng LGBTI lãnh đạo (Hà Nội Queer, Doanh nghiệp xã hội Venus và Sáng kiến Tìm tôi trong chữ) nhằm thúc đẩy trường học an toàn hơn cho những người thuộc nhóm thiểu số về giới và tính dục, hay còn thường được gọi là những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI). Chương trình có sự hỗ trợ từ Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên hợp quốc (UNFE) trên toàn cầu hướng tới thúc đẩy quyền bình đẳng và đối xử công bằng với người LGBTIQ+[1].

Với thông điệp “Truyền tử tế, thắp tự hào vì trường học an toàn hơn cho người LGBTI”, chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2022 tại Việt Nam là cơ hội để thúc đẩy giáo dục giới tính và tình dục toàn diện nhằm tạo môi trường học tập an toàn hơn, nâng cao nhận thức xã hội về sự đa dạng về xu hướng tính dục, bản dạng giới, biểu hiện giới và đặc điểm giới tính (SOGIESC), và đặc biệt là nâng cao nhận thức về quyền của các cá nhân LGBTIQ+ tại Việt Nam thông qua các cuộc khảo sát trực tuyến, chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội và sự kiện truyền thông tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào sáng 18/12/2022.

Thay mặt Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ: “Các báo cáo về bắt nạt, kỳ thị và phân biệt đối xử trong trường học dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới hoặc biểu hiện giới vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù cần thêm nhiều dữ liệu hơn, nhưng nghiên cứu cho thấy, ví dụ, mức độ học sinh LGBTI phải đối mặt với bạo lực trên cơ sở giới cao hơn so với các bạn đồng trang lứa, và các cơ sở giáo dục thường không là nơi an toàn cho các em. Dữ liệu quốc gia cho thấy các ca lây nhiễm HIV đang gia tăng ở những người đồng tính nam trẻ tuổi và những người nam có quan hệ tình dục đồng giới, cũng như với người chuyển giới nữ. Chúng tôi cũng biết rằng học sinh LGBTI phải đối mặt với những thách thức cụ thể về sức khỏe tâm thần, bao gồm phản ứng tiêu cực của gia đình đối với tính dục hoặc bản dạng giới của họ, và cả nỗi sợ bị phân biệt đối xử.”

Thông qua tham vấn với các tổ chức, cộng đồng và cá nhân đang hoạt động trên lĩnh vực quyền của cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận thấy rằng các nội dung về SOGIESC thông qua giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong trường học là một lĩnh vực cần tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh triển khai thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức.

Chiến dịch Tự do và Bình đẳng tại Việt Nam nhận thấy nhóm giáo viên và sinh viên sư phạm, với nhiều kỹ năng và chuyên môn sư phạm, là những người đóng vai trò quan trọng và là những nhân tố tạo ra sự thay đổi để lan tỏa các nội dung về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện có hiệu quả, đặc biệt là kiến thức về SOGIESC và cách tiếp cận dựa trên sự tử tế và lòng tự hào đến với nhiều thế hệ học sinh trong tương lai. Từ đó, thái độ tôn trọng sự đa dạng, tử tế và tự hào sẽ được phát huy và nuôi dưỡng. Từ đó, môi trường giáo dục và trường học an toàn cho tất cả học sinh, sinh viên sẽ được cam kết thúc đẩy và triển khai.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, các hoạt động trưng bày, trò chơi, câu hỏi kiến thức, trao đổi và thảo luận về giới và đa dạng tính dục sẽ được tổ chức để người tham gia, bao gồm các sinh viên sư phạm, nhà giáo, các tổ chức cộng đồng LGBTIQ+, thanh thiếu niên và người trẻ có thêm hiểu biết về LGBTIQ+ cũng như chia sẻ ý kiến về hướng tiếp cận tử tế và tự hào nhằm hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho tất cả mọi người.

Bà Lesley Miller chia sẻ thêm: “Trong năm 2021, Liên hợp quốc tại Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để số hóa Chương trình Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện và biến chương trình này thành nguồn mở cho giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp. Hoạt động này góp phần thúc đẩy quyền của thanh thiếu niên và người trẻ LGBTI cũng như giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục giới tính, phá vỡ những điều cấm kị, giải quyết định kiến ​​giới và tạo điều kiện cho các trường học trở nên thân thiện, hòa nhập hơn cho tất cả mọi người. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích mọi người truy cập các tài nguyên trực tuyến này và chủ động tiếp cận để tự trang bị kiến ​​thức cho bản thân.”

Phát biểu trong sự kiện, bà Lesley Miller, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hôm nay, trong sự kiện thuộc khuôn khổ Chiến dịch Tự do và Bình đẳng này, chúng ta cùng khẳng định một sự thật rằng mỗi người - tất cả mọi người - bất kể xu hướng tính dục, bản dạng giới và biểu hiện giới hay bất kỳ địa vị nào khác, đều được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Và chúng ta hãy tập trung vào giáo dục như là một phương tiện chiến lược cho sự thay đổi. Liên hợp quốc hân hạnh được hợp tác với Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sự kiện này, góp phần trong nỗ lực của Nhà trường nhằm chuyển đổi đội ngũ giảng viên, tập thể sinh viên và môi trường học tập của Nhà trường. Chúng tôi hoan nghênh việc đề cao sự tôn trọng và tử tế với mục đích đảm bảo an toàn cho mọi người với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2022 là năm thứ tư của chiến dịch Tự do và Bình đẳng tại Việt Nam. Năm nay, từ phía Liên hợp quốc tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chủ trì điều phối chiến dịch, với sự phối hợp của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc. (UNESCO), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Văn phòng Điều phối viên Liên hợp quốc (RCO), liên kết với Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UEd), và ba tổ chức cộng đồng của những người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ là Hà Nội Queer, Doanh nghiệp xã hội VenusSáng kiến Tìm tôi trong chữ.

 

#############

Chương trình Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2022 được phát trực tiếp tại:

Tiếng Việt:

Tiếng Anh:

Trang sự kiện Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2022 trên Facebook: https://fb.me/e/2Cm7zdZOS

Về Chiến dịch Tự do và Bình đẳng

Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên hợp quốc (UNFE) là một sáng kiến về chiến dịch truyền thông toàn cầu của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc từ năm 2013 nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng và đối xử công bằng với cộng đồng những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới tính và tất cả nhóm đa dạng tính dục khác (viết tắt là LGBTIQ+) ở khắp mọi nơi. Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên hợp quốc cũng đã hỗ trợ các chiến dịch và sự kiện cấp quốc gia tại hơn 40 nước trên thế giới kể từ khi ra mắt, trong đó có Việt Nam.

Trang thông tin về Chiến dịch Tự do và Bình đẳng: https://www.unfe.org/

Về Liên hợp quốc tại Việt Nam

Với mục tiêu xây dựng nhà nước bền vững và bao trùm, Liên hợp quốc đang hợp tác với Việt Nam để tăng tốc hướng đến đạt được thành tựu của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và hỗ trợ các ưu tiên phát triển quốc gia khác, tập trung vào bốn lĩnh vực chiến lược: Đầu tư vào con người; Đảm bảo chống chịu biến đổi khí hậu và bền vững môi trường; Thúc đẩy sự thịnh vượng và hợp tác; và Thúc đẩy công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.

Trang thông tin về Liên hợp quốc tại Việt Nam: https://vietnam.un.org/

Về Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục.

Trang thông tin về Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: https://education.vnu.edu.vn/

Về Hà Nội Queer

Hà Nội Queer hướng tới một Việt Nam cởi mở và bình đẳng với người LGBTQ trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và xã hội. Tổ chức Hà Nội Queer tạo dựng các không gian an toàn, lưu trữ và thúc đẩy văn hóa của cộng đồng, nâng cao năng lực và sức khỏe toàn diện cho cộng đồng LGBTQ; đồng thời nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ xã hội với người LGBTQ tại Việt Nam.

Trang thông tin về Hà Nội Queer: https://queer.vn/

Về Doanh nghiệp xã hội Venus

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) Venus là DNXH đầu tiên tại Việt Nam do cộng đồng người chuyển giới nữ vận hành. Vào năm 2015, Venus được thành lập với tư cách là nhóm cộng đồng được dẫn dắt bởi cộng đồng chuyển giới nữ, và hoạt động vì cộng đồng chuyển giới nữ. Trong 5 năm hoạt động, Venus đã nỗ lực cung cung cấp các dịch vụ liên quan đến HIV cho cộng đồng người chuyển giới ở Hà Nội. Vào năm 2020, với sự hỗ trợ của PEPFAR thông qua dự án USAID/PATH Healthy Markets, nhóm cộng đồng Venus đã chính thức trở thành DNXH Tư vấn và Phát triển Cộng đồng Venus.

Trang thông tin về DNXH Venus: https://www.facebook.com/dnxhvenus

Về Sáng kiến Tìm tôi trong chữ

Được tài trợ từ Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia và Chương trình Aus4Skills, Sáng kiến Tìm tôi trong chữ là một dự án cộng đồng hướng tới các cá nhân nữ và người chuyển giới nam là người di cư hoặc người dân tộc thiểu số đến từ các địa phương thuộc miền Bắc của Việt Nam. Dự án tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ và thực hành viết để người nữ và người chuyển giới nam thực hành suy nghĩ về bản thể hay cái tôi của chính mình, diễn đạt và tái tạo diễn ngôn từ chính mình.

Trang thông tin về Sáng kiến Tìm tôi trong chữ: https://www.timtoitrongchu.com/

Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc có yêu cầu về truyền thông, xin vui lòng liên hệ:

  • Trịnh Anh Tuấn, Chuyên viên cao cấp về Truyền thông và Vận động Chính sách, Văn phòng Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam (RCO), Liên hợp quốc tại Việt Nam, tuan.trinh@un.org, +84 24 3850 0193
  • Nguyễn Thị Thanh Hương, Cán bộ Truyền thông, UNICEF Việt Nam, ntthuong@unicef.org, +84 24 3850 225

Theo dõi tin tức của Liên hợp quốc tại Việt Nam trên Twitter @uninvietnam

./.

 

[1] Người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, người chuyển giới, người liên giới tính và tất cả nhóm đa dạng tính dục khác.

Trinh Anh Tuan

Trịnh Anh Tuấn

RCO
Chuyên viên Cao cấp về Truyền thông và Vận động Chính sách

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UN
Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này