Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng, hưởng ứng Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới (IDAHOBIT) 2023
17 tháng 5 2023
BẢN DỊCH KHÔNG CHÍNH THỨC (ĐỂ THAM KHẢO)
Hà Nội (Việt Nam), ngày 17.5.2023 – Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam đồng hành cùng các cá nhân và tổ chức trên thế giới kỷ niệm Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới (IDAHOBIT). Năm nay, với chủ đề Luôn bên nhau: Thống nhất trong đa dạng, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết. Hôm nay, chúng ta tôn vinh sự đa dạng và một lần nữa khẳng định cam kết về quyền được sống không bị phân biệt đối xử trên cơ sở bình đẳng.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi người dân trên toàn cầu ủng hộ quyền được sống tự do và bình đẳng. Với tinh thần Khát vọng cao nhất: Kêu gọi Hành động vì Nhân quyền, hôm nay chúng ta tái khẳng định cam kết của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền – đề cao các quyền phổ quát, không thể chia cắt và không thể thay đổi cũng như các quyền tự do cơ bản cho mọi người, ở mọi nơi trên thế giới. Những nỗ lực của chúng ta càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong năm 2023 này, năm kỷ niệm 75 năm ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Chúng ta đã có những bước tiến quan trọng nhưng vẫn chưa đạt được bình đẳng thực sự, và tình trạng phân biệt đối xử hay kỳ thị đối với các nhóm thiểu số vẫn còn tồn tại dai dẳng. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 cho thấy cộng đồng LGBTI tiếp tục phải đối mặt với kỳ thị và định kiến. Bên cạnh đó, người LGBTI còn đối mặt với những hạn chế trong tiếp cận giáo dục, việc làm, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác.
Việt Nam ủng hộ một số khuyến nghị về bảo vệ chống lại bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới trong chu kỳ 3 của cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR). Chúng tôi đặc biệt khuyến khích Chính phủ báo cáo việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến quyền của cộng đồng LGBTI trong chu kỳ 4 của UPR, hiện đang được tiến hành với sự tham vấn của các tổ chức cộng đồng LGBTI. Nâng cao quyền của các cá nhân và tổ chức LGBTI cũng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), đặc biệt là SDG 5 về Bình đẳng giới và SDG 10 về Giảm Bất bình đẳng, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
LHQ tại Việt Nam cam kết đẩy nhanh tiến độ thông qua thực thi luật pháp, chính sách, ngân sách và thể chế đảm bảo quyền con người và thúc đẩy bình đẳng. Để đạt được thay đổi tích cực này, cần tập trung vào việc thông qua Luật Chuyển đổi giới tính lấy nguyên tắc tự quyết làm trung tâm. Các hành động bao gồm xây dựng luật chống phân biệt đối xử toàn diện, sửa đổi Luật Bình đẳng giới để mở rộng phạm vi định nghĩa pháp lý về “giới”, trong đó bao gồm cả xu hướng tính dục và bản dạng giới, đồng thời tăng cường củng cố Luật Hôn nhân và Gia đình.
Chúng ta hãy cùng chung tay tạo ra sự thay đổi. Nguyên tắc Không thể xây dựng chính sách mà không lắng nghe tiếng nói của những cộng đồng chịu ảnh hưởng kêu gọi sự tham gia và lãnh đạo có ý nghĩa của những người LGBTI trong việc phát triển chính sách ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ. Chỉ khi đó, mọi người mới được hưởng trọn vẹn quyền sống tự do và bình đẳng.