THÔNG ĐIỆP CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO PHẠM BÌNH MINH TẠI BUỔI CHIÊU ĐÃI KỈ NIỆM 75 NĂM THÀNH LẬP LIÊN HỢP QUỐC
THÔNG ĐIỆP CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO PHẠM BÌNH MINH TẠI BUỔI CHIÊU ĐÃI KỈ NIỆM 75 NĂM THÀNH LẬP LIÊN HỢP QUỐC
- Thưa ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam,
- Các thành viên tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam,
- Thưa các Quý vị,
Trước hết, tôi xin chúc mừng ông Kamal Malhotra và toàn thể các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhân dịp kỉ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc.
Trong dịp đặc biệt này, tôi chung vui cùng quý vị có mặt ở đây với niềm tự hào về những thành quả đã đạt được, cùng quyết tâm và hi vọng về tương lai của Liên Hợp Quốc.
Suốt 75 năm qua, Liên Hợp Quốc đã làm việc không ngừng nghỉ vì sự tiến bộ của thế giới. Là “trung tâm phối hợp hành động của các quốc gia”, Liên Hợp Quốc luôn là trung tâm của mọi nỗ lực duy trì hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững.
Các nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp Quốc đã trở thành các yếu tố then chốt điều chỉnh quan hệ quốc tế hiện đại. Các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã đem lại hi vọng cho người dân ở các khu vực xảy ra xung đột. Sự hiện diện của các nhân viên Liên Hợp Quốc, trong các hoạt động hỗ trợ nhân đạo hay thực hiện các dự án phát triển, đều đã giúp nâng cao đời sống của hàng triệu người dân.
Thành công và thế mạnh của Liên Hợp Quốc có được nhờ vị thế đặc biệt do các quốc gia thành viên giao phó, nhờ một chương trình nghị sự bao trùm, toàn diện trên mọi lĩnh vực hòa bình và an ninh, phát triển và quyền con người với mục đích không để ai bị bỏ lại phía sau, và nhờ cam kết của Liên Hợp Quốc trong thúc đẩy tăng cường và tuân thủ luật pháp quốc tế. Đây là những giá trị quan trọng để Liên Hợp Quốc tiếp tục mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong hành trình tiến tới tương lai.
Thưa Quý vị đại biểu,
Việt Nam đánh giá cao hợp tác với Liên Hợp Quốc.
Tôi còn nhớ rất rõ những khoản viện trợ lương thực và vật tư y tế quan trọng do Liên Hợp Quốc cung cấp cho Việt Nam trong những ngày đầu sau chiến tranh.
Liên Hợp Quốc đã hoạt động tích cực và hiệu quả trong việc hỗ trợ công cuộc Đổi Mới ngay từ những ngày đầu. Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ tăng cường khuôn khổ pháp lý và chính sách phát triển của Việt Nam, xây dựng thể chế và phát triển nguồn nhân lực.
Liên Hợp Quốc cũng đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa đối với các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa của Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam đã được trao quyền nhiều hơn, trẻ em Việt Nam được nuôi dưỡng tốt hơn, việc làm được bảo đảm bền vững hơn. Hệ thống y tế của Việt Nam được tăng cường, nền nông nghiệp được hiện đại hóa. Các nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các thách thức về môi trường đã được tăng cường.
Tôi được biết các chuyên gia Liên Hợp Quốc vừa hoàn thành nhiệm vụ khảo sát tại các tỉnh miền Trung để hỗ trợ đánh giá ảnh hưởng của các trận bão, lũ lụt vừa qua và xây dựng giải pháp ứng phó khẩn cấp và dài hạn.
Tất cả những thành quả nêu trên sẽ không thể có được nếu không có sự tận tâm và nỗ lực to lớn của mỗi cán bộ Liên Hợp Quốc, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ và các đối tác phát triển. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn quý vị.
Thế giới ngày nay rất khác so với khi Liên Hợp Quốc được thành lập 75 năm trước. Nhưng những thách thức chúng ta đang đối mặt cũng không kém phần khó khăn. Như Tổng Thư ký Antonio Guterres đã nói, [và tôi xin trích dẫn] “thế giới đang phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất kể từ khi Liên Hợp Quốc được thành lập”.
Nhiều cuộc khủng hoảng đang xảy ra. COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế, mà còn tạo ra khủng hoảng về kinh tế, xã hội và con người. Cạnh tranh nước lớn, căng thẳng và xung đột, cùng với sự thiếu cam kết đối với chủ nghĩa đa phương đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc.
Chính trong những thời điểm khó khăn này, chúng ta phải cùng nhau đoàn kết và củng cố chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, với Liên Hợp Quốc là trung tâm.
Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác đa phương và ủng hộ hoạt động của Liên Hợp Quốc. Việt Nam cùng các thành viên Hội đồng Bảo an đóng góp vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Lá cờ Việt Nam sẽ tung bay nhiều hơn tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng tiên phong trong tiến hành cải tổ hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc, thể hiện qua việc triển khai Sáng kiến Thống nhất Hành động (DaO). Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác ASEAN-Liên Hợp Quốc, bao gồm việc ứng phó với tác động do COVID-19 gây ra.
Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển trong 5 và 10 năm tới cũng như tiếp tục các nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, chúng tôi mong muốn Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ trong tư vấn chính sách, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, xây dựng mạng lưới đối tác và năng lực. Chúng ta cần sớm bắt tay xây dựng Kế hoạch Chiến lược chung chu kỳ tiếp theo để định hướng hợp tác, phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam, đồng thời tận dụng tối đa các lợi thế so sánh của tất cả các cơ quan Liên Hợp Quốc.
Cuối cùng, thưa các Quý vị, tôi hi vọng, và tin tưởng chắc chắn rằng, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục là ngọn hải đăng của hợp tác đa phương, là vườn ươm cho các ý tưởng và sáng kiến vì hòa bình và phát triển toàn cầu, và quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục ngày càng phát triển.
Tôi xin cảm ơn./.