Lễ Kỷ niệm 75 năm Thành lập Liên Hợp Quốc
Bài phát biểu khai mạc của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam
- Kính thưa Ngài Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao và Phu nhân - Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Bộ Ngoại giao;
- Thưa GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;
- Thưa Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng;
- Thưa Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Thưa Ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;
- Thưa các Ông/Bà Thứ trưởng và lãnh đạo các Ban Đảng, cơ quan Chính phủ; Đoàn thể;
- Thưa các Ông/Bà nguyên Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc;
- Thưa các vị Đại sứ;
- Các đồng nghiệp từ Chính phủ, Đại sứ quán và các đối tác;
- Các Trưởng đại diện các cơ quan Liên Hợp Quốc và các đồng nghiệp trong gia đình Liên Hợp Quốc;
- Các bạn thân mến;
Kính thưa các Quý vị khách quý,
Thay mặt cho các Trưởng đại diện các cơ quan Liên Hợp Quốc và nhân viên gia đình Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho phép tôi nhiệt liệt chào đón các Quý vị đến dự Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, tôi xin cảm ơn sự hiện diện của vị khách danh dự của chúng tôi, Ngài Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, cùng phu nhân Bà Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Bộ Ngoại giao.
Thưa Ngài Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đại diện cho Chính phủ Việt Nam, cho phép tôi được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất của LHQ đối với những mất mát và thiệt hại to lớn về sinh mạng con người, trong đó có cả những quân nhân tham gia cứu hộ - cứu nạn, cũng như tài sản và cơ sở hạ tầng do lũ lụt và sạt lở đất gây ra bởi các cơn bão nhiệt đới ở các tỉnh miền Trung của Việt Nam. Chúng tôi cũng rất chia sẻ những quan ngại về những người vẫn còn mất tích. Với cách tiếp cận thống nhất Một LHQ, chúng tôi cam kết cùng chung tay với Chính phủ và các bên tham gia hỗ trợ tối đa trong các nỗ lực khắc phục thiệt hại.
Kính thưa các Quý vị khách quý,
Đầu tiên, tôi muốn chúc mừng Việt Nam về hai thành tựu chính, mà một trong số đó chúng ta cùng chia sẻ: Kỷ niệm 75 năm thành lập. Thật vậy, đây là một sự trùng hợp rất đáng mừng khi LHQ bước sang tuổi 75 cùng năm Việt Nam kỷ niệm 75 năm độc lập. Tôi cũng xin chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã khống chế hiệu quả các tác động liên quan đến sức khỏe của COVID-19 thông qua các biện pháp sớm, hiệu quả, mạnh mẽ và chi phí thấp đã cho phép tất cả chúng ta có mặt tại đây, trực tiếp, ngày hôm nay. Tuy nhiên, Việt Nam không nằm ngoài nguy cơ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vì chúng ta vừa phải đề phòng làn sóng khác vừa phải giải quyết nhiều thách thức kinh tế xã hội do COVID-19, trong đó có các thách thức mang có tính chất toàn cầu và khu vực.
Chỉ cách đây vài tuần, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã công bố báo cáo ‘Đánh giá của Liên Hợp quốc về tác động kinh tế và xã hội của COVID-19 tại Việt Nam’. Các bản in của tài liệu này và ấn phẩm đầu tháng 4/2020 của chúng tôi về tác động kinh tế của COVID-19 tại Việt Nam có trưng bày ở bên ngoài hội trường.
Tôi sẽ cảm thấy thiếu sót nếu trong một dịp như hôm nay mà không điểm qua một số thành tựu chính của LHQ đã đạt được trong 75 năm qua, được đánh giá dựa trên ba trụ cột chính: Hòa bình và an ninh, Phát triển và Quyền Con người.
LHQ được thành lập, trước hết và quan trọng nhất, để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Bất chấp nhiều thách thức của Chiến tranh Lạnh kéo dài và nhiều căng thẳng và xung đột trong suốt ba thập kỷ kể từ khi nó kết thúc, Liên Hợp Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.
Nhiệm vụ thứ hai là chấm dứt chế độ thuộc địa. Khi LHQ được thành lập vào năm 1945, khoảng 750 triệu người, bằng gần một phần ba dân số thế giới vào thời điểm đó, sống trong các lãnh thổ do các cường quốc thuộc địa quản lý và chỉ có 50 quốc gia có đại diện tại San Francisco khi ký kết Hiến chương LHQ vào tháng 6 năm 1945. Ngày nay LHQ có 193 Quốc gia thành viên, và đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thành công của LHQ dù Hội đồng Ủy thác LHQ đã ngừng hoạt động trong nhiều năm qua.
Về đóng góp của LHQ cho sự phát triển, hãy để các số liệu tự nói lên. Mặc dù nhiều Chính phủ và các đối tác phát triển khác phải chia sẻ tài chính, nhưng những cải thiện lớn lao đối với cuộc sống của con người trên thế giới diễn ra kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ khó có thể đạt được nếu không có sự chung tay của nhiều Cơ quan Liên Hợp Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Trong khi, trên toàn cầu, số người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói trước COVID-19 là dưới 10%, con số này là gần 75% dân số thế giới vào năm 1945. Bệnh đậu mùa đã được WHO tuyên bố xóa sổ vào năm 1980, trong khi đó là kết quả của công việc của UNICEF và các tổ chức khác, tỷ lệ bao phủ vắc xin thiết yếu hiện nay là hơn 80% so với mức dưới 20% vào năm 1980. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm 59% chỉ kể từ năm 1990, trong khi tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 84% vào năm 2018 so với mức 70% của năm 2000 là một trong các kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Và cho đến khi COVID-19 xảy ra vào năm 2020, Phát triển Con người, được đo lường bằng Chỉ số Phát triển Con người, đã tăng lên hàng năm kể từ năm 1990 khi được UNDP đo lường và công bố lần đầu tiên. Như Tổng thư ký LHQ thường đề cập, việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững là cơ hội tốt nhất để thế giới “xây dựng hướng tới tốt đẹp hơn” sau COVID-19.
Tuyên ngôn Nhân quyền, một văn kiện mang tính bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử thế giới, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1948, đặt ra một tiêu chuẩn chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia. Nó cũng là tài liệu được dịch rộng rãi nhất trong lịch sử thế giới. Nhiều khía cạnh chính cốt lõi tốt đẹp của cả Tuyên ngôn và Công ước về Quyền Con người của Liên Hợp Quốc hiện đã được đưa vào hệ thông pháp luật của hầu hết, nếu không phải là tất cả, các Quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc trên khắp thế giới, một điều không thể tưởng tượng được cách đây 75 năm.
Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều ví dụ đáng nhớ, nhắc nhở chúng ta về vai trò thiết yếu mà Liên Hợp Quốc đã thực hiện trong 75 năm qua và sẽ tiếp tục thực hiện trong những thời điểm đầy thử thách này. LHQ sẽ tiếp tục tạo ra sự khác biệt, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất, không bỏ lại ai phía sau và mang lại tiếng nói cho những người bị tước đi tiếng nói của họ.
Tại LHQ, chúng tôi thật vinh dự vì Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã được trao giải Nobel Hòa bình năm nay. Đây là lần thứ 12 giải Nobel Hòa bình được trao cho LHQ hay một trong các Cơ quan của LHQ hoặc cho Tổng Thư ký LHQ. Tính riêng trong những năm của Thế kỷ 21, đã có tới năm giải đã được trao cho LHQ. Tôi tin rằng tất cả 12 giải thưởng, bao gồm giải thưởng năm nay vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập, ghi nhận và khẳng định sự liên quan và vai trò trung tâm của cả chủ nghĩa đa phương và LHQ đối với quản trị toàn cầu tốt. Theo một cách nào đó, COVID-19 đã minh chứng một cách rõ ràng hơn bất kỳ tình huống nào khác kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 tại sao chúng ta rất cần chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế và đoàn kết quốc tế, được neo chặt trong hệ thống LHQ.
Tuy nhiên, LHQ, giống như bất kỳ tổ chức nào khác, cần phải làm cho phù hợp với mục đích trong thế kỷ 21. Đây là lý do tại sao Tổng Thư ký đương nhiệm của chúng tôi đã bắt tay vào cải cách trên diện rộng ngay sau khi ông nhậm chức vào năm 2017. Việt Nam đã và đang dẫn đầu toàn cầu về Cải cách LHQ ở cấp quốc gia trong hơn mười năm qua và tôi tin rằng Việt Nam tiếp tục tiên phong trong giai đoạn cải cách LHQ tiếp theo. Tuy nhiên, sẽ không có cuộc cải tổ toàn cầu của LHQ nào thành công nếu không có các Quốc gia Thành viên cam kết thực hiện chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế -
như Việt Nam đã làm – cũng như thực hiện cải cách trước hoặc tiến hành đồng thời. Rất cần thiết phải bỏ lại phía sau sự chia rẽ rõ ràng hiện nay và vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc và dân chủ hạn hẹp. Nhân Ngày LHQ này, tôi cũng muốn thách thức mỗi người trong các bạn suy nghĩ về vai trò, năng lực và ảnh hưởng của cá nhân mình và về cách bạn có thể sử dụng nó để đạt được tương lai mà bạn mong muốn cho thế giới và con cháu của bạn.
Năm nay, Tổng thư ký Guterres phát động Chiến dịch UN75, đây là chiến dịch đối thoại & lắng nghe toàn cầu lớn nhất trong lịch sử thế giới. LHQ, vào năm 2020, đã lắng nghe tất cả mọi người ở mọi tầng lớp xã hội ở những nơi xa xôi trên thế giới, để hiểu nhu cầu và hy vọng của họ, được truyền đạt bằng lời nói cũng như bằng hình ảnh và các hình thức trực quan khác. Những bức ảnh được trưng bày trên hành lang ngay bên ngoài hội trường này là những bức ảnh nổi bật nhất trong số hơn 1.000 bức ảnh dự thi trong Cuộc thi ảnh của UN75 có tiêu đề “Tương lai tôi muốn” tại Việt Nam. Xin quý vị hãy dành một chút thời gian để xem và thưởng ngoạn.
Kính thưa các Quý vị khách quý,
Chúng ta đang sống trong thời kỳ vô cùng thử thách. Chúng ta hãy cùng nhắc nhở bản thân rằng những quyết định mà chúng ta đưa ra hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai mà chúng ta mong muốn. LHQ và các Quốc gia thành viên phải đưa ra quyết định đúng đắn cho các thế hệ tương lai. Cho phép tôi được dừng lời bằng việc trích lời Tổng thư ký LHQ trong bài phát biểu nhân Ngày Liên hợp quốc kỷ niệm 75 năm ngày thành lập: “Liên Hợp Quốc không chỉ sát cánh cùng bạn, mà nó thuộc về bạn và là chính bạn. Cùng nhau, chúng ta hãy giữ vững những giá trị lâu bền của Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Xin cảm ơn sự lắng nghe của các Quý vị!