Công bố báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện và Đối thoại chính sách hướng tới Hội nghị thượng đỉnh SDG 2023: Cam kết và hành động quốc gia
Phát biểu khai mạc của Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc
25/8/2023
- Kính thưa TS Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Kính thưa ông Simon Kreye, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam;
- Kính thưa quý vị đại biểu từ các cơ quan Chính phủ, cơ quan đại diện ngoại giao, đối tác phát triển;
- Kính thưa các vị khách quý,
Tôi rất vui được cùng quý vị sáng nay tham dự Lễ công bố báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) và Đối thoại chính sách hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 2023: Cam kết và hành động quốc gia. Cảm ơn quý vị đã dành thời gian cho sự kiện ngày hôm nay. Cuộc đối thoại chính sách này nhằm mục đích chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về các Mục tiêu Phát triển Bền vững sẽ được tổ chức tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 18 – 19/9/2023. Hội nghị thượng đỉnh SDG là cơ hội để đảm bảo các đột phá và động lực cần thiết nhằm điều chỉnh tiến độ và đạt được tất cả SDG vào năm 2030.
Vậy mục đích của sự kiện hôm nay là gì?
Câu đầu tiên trong báo cáo đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, “Tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững: hướng tới kế hoạch giải cứu con người và hành tinh” chính là câu trả lời ý nghĩa nhất, “cứu cánh trong khủng hoảng”.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là nguyên tắc chủ đạo của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tất cả quốc gia đều có chung cam kết là hợp tác để bảo đảm quyền và phúc lợi của mọi người dân trên một hành tinh khỏe mạnh và thịnh vượng. Chúng ta đã đi được nửa chặng đường đến năm 2030 và cam kết đó đang có nguy cơ không thực hiện được. Các Mục tiêu Phát triển Bền vững đang trở nên xa dần, cũng như niềm hy vọng và quyền lợi của các thế hệ hiện tại và tương lai. Nguy cơ này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với một thay đổi căn bản – về cam kết, chung tay, tài chính và hành động – để đưa thế giới đi theo lộ trình đúng hướng.
Chúng ta có thể làm tốt hơn và trong những thời điểm thử thách khắc nghiệt nhất, lịch sử cho thấy con người đã luôn vượt qua. Hiện tại là một trong những khoảnh khắc đó. Hội nghị thượng đỉnh SDG cần cho thấy một bước ngoặt thực sự bằng việc huy động cam kết chính trị và những đột phá mà thế giới chúng ta đang rất cần cũng như đưa ra một kế hoạch giải cứu cho con người và hành tinh.
Giải cứu các SDG
Tôi còn nhớ trong các cuộc thảo luận ban đầu để chuẩn bị cho báo cáo VNR lần thứ 2 của Việt Nam, tôi đã lặp lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đối với các nhà lãnh đạo thế giới giúp đưa ra “Kế hoạch giải cứu con người và hành tinh” --- bao gồm cả việc công bố các cam kết quốc gia và toàn cầu rằng sẽ giúp thúc đẩy chuyển đổi SDG để đảm bảo hòa nhập và bền vững trong những năm tới.
Sự tham gia của đại diện lãnh đạo cấp cao Việt Nam và trình bày các Cam kết quốc gia đầy tham vọng nhằm đẩy nhanh tiến độ SDG đến năm 2030 là minh chứng cho sự ủng hộ không ngừng của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương được nêu tại Liên Hợp Quốc và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững cũng như cam kết hiện thực hóa các SDG.
Liên Hợp Quốc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và GIZ tổ chức buổi đối thoại này nhằm tạo điều kiện chia sẻ các ý tưởng đổi mới và khuyến nghị trong việc xây dựng Cam kết Quốc gia của Việt Nam về Chuyển đổi SDG. Những Cam kết này sẽ giúp đưa ra lộ trình cụ thể cho Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác nhằm giải cứu SDG. Quan trọng hơn, cuộc đối thoại này cho phép chúng ta thể hiện sự đoàn kết và hỗ trợ thực hiện.
Tiến độ thực hiện SDG trên toàn cầu và tại Việt Nam như thế nào?
Sau nửa chặng đường thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, các SDG trên toàn cầu đang bị chậm tiến độ nghiêm trọng. Những cuộc khủng hoảng liên tiếp trong ba năm vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thực hiện SDG. Báo cáo đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng chỉ có 12% mục tiêu cụ thể có thể đánh giá được của SDG đang đúng tiến độ. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh tiến độ và đảm bảo những bước đột phá để đạt được tất cả SDG vào năm 2030.
Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Báo cáo VNR mà chúng ta công bố hôm nay cho thấy Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể ở nhiều mục tiêu khác nhau, tuy vậy vẫn cần tăng cường thực hiện và đầu tư để đưa tất cả các SDG trở lại đúng tiến độ thì mới có thể đạt được tất cả các mục tiêu cụ thể vào năm 2030. Và chúng ta chỉ còn chưa đầy bảy năm nữa.
Cơ hội chuyển đổi
Nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế. Mặc dù bức tranh tổng thể rất đáng lo ngại nhưng dữ liệu cũng cho thấy những cơ hội tiềm năng. Đó là sự tiến bộ trong một số lĩnh vực chính từ năng lượng đến truy cập Internet, v.v. Ngoài ra còn có nhiều bằng chứng cho thấy yêu cầu chuyển đổi mà SDG đặt ra cũng là một trong những cơ hội to lớn.
SDG vẫn là chiếc la bàn thực sự truyền cảm hứng và kết nối tất cả chúng ta. Thế hệ hiện tại được trang bị kiến thức, công nghệ và nguồn lực chưa từng có trong lịch sử và có thể dựa trên nhiều khuôn khổ quy phạm. Đột phá để đạt được một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi nhu cầu mà chúng ta đang tận dụng lợi thế này để giúp mọi người thoát khỏi đói nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, đưa thế giới đi theo lộ trình phát thải thấp vào năm 2030 và đảm bảo nhân quyền cho tất cả.
Tại Việt Nam, Liên Hợp Quốc tin rằng thách thức có thể biến thành cơ hội --- để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước --- trở nên bền vững, toàn diện và kiên cường hơn, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau.
Ưu tiên của Việt Nam trong việc tăng tốc thực hiện SDG
Tại Diễn đàn Chính trị Cấp cao (HLPF) ở New York vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu sáu ưu tiên nhằm đẩy nhanh việc thực hiện SDG trong giai đoạn còn lại:
Trước hết, cần lấy con người làm trung tâm cho mọi quyết định, chính sách và hành động.
Thứ hai, ưu tiên Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy quyết định để thực hiện SDG thành công.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển hệ thống giáo dục và dạy nghề bình đẳng, bao trùm và toàn diện.
Thứ tư, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn.
Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính bao gồm các nguồn tài chính công và tư nhân trong nước và quốc tế.
Thứ sáu, tiếp tục cải thiện tính sẵn có của dữ liệu bao gồm dữ liệu tổng hợp và phân tổ để giám sát và đánh giá hiệu quả việc thực hiện SDG.
Các ưu tiên của Việt Nam được xác định trong báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện rất phù hợp với 12 Sáng kiến tạo tác động cao (HII) do Liên Hợp Quốc phát triển trên toàn cầu nhằm thúc đẩy SDG, bao gồm 6 sáng kiến chuyển đổi, 5 sáng kiến tăng tốc và 1 sáng kiến xuyên suốt.
Sáu sáng kiến chuyển đổi bao gồm An sinh xã hội và việc làm, Thỏa thuận năng lượng, Chuyển đổi giáo dục, Hệ thống thực phẩm, Chuyển đổi số, Đa dạng sinh học và Bảo vệ thiên nhiên. Bình đẳng giới là sáng kiến mang tính xuyên suốt, trong khi 5 sáng kiến còn lại là phương tiện thực hiện: tài chính, dữ liệu, nội địa hóa SDG, thương mại và nâng cao năng lực khu vực công. Sáu sáng kiến chuyển đổi có thể tạo ra hiệu ứng cấp số nhân lớn cho các SDG nhằm thúc đẩy thịnh vượng kinh tế, đồng thời bảo vệ phúc lợi của con người và môi trường.
Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, cam kết và khởi xướng hành động trong cả sáu sáng kiến chuyển đổi, thông qua Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm, Kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết của Đảng về một số vấn đề chính sách xã hội.
Dựa trên những cam kết quốc gia hiện có này, các câu hỏi trọng tâm đặt ra là:
Những chuyển đổi nào cần được ưu tiên ở Việt Nam và như thế nào? Cần có những chính sách hỗ trợ, cơ chế thể chế, quy trình và hành động nào để thực hiện những chuyển đổi này và thực sự giúp SDG trở lại đúng tiến độ? Làm thế nào để tăng cường phối hợp, tích hợp và cộng hưởng trong việc thực hiện các hành động ưu tiên? Làm thế nào để tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác giữa các ngành và các bên liên quan khác nhau? Làm thế nào để đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng, bình đẳng và bao trùm toàn diện?
Dù lợi ích hứa hẹn có lớn thế nào, quá trình chuyển đổi mà không có sự tham gia đầy đủ giữa các ngành và các bên liên quan có thể tạo ra bên thắng và bên thua – gia tăng tình trạng bất bình đẳng và dễ bị tổn thương trong xã hội cũng như làm chậm tiến độ SDG. Việc đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng, bình đẳng và bao trùm toàn diện sẽ củng cố lời hứa không để ai bị bỏ lại phía sau. Tổng thư ký của chúng tôi đã kêu gọi cách tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội. Liên Hợp Quốc sẵn sàng phối hợp với tất cả các bên liên quan trong xã hội để đạt được SDG.
Cuối cùng, chúng tôi biết rằng chỉ có thể đạt được SDG khi có cam kết bình đẳng và chú trọng vào các phương tiện thực hiện. Các bước chuyển đổi ưu tiên để đạt được những đột phá về SDG đòi hỏi phải có nguồn tài chính đầy đủ và hiệu quả.
Trong báo cáo VNR, Việt Nam xác định “tài chính” là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi cũng như biến chính sách thành hành động và kết quả. “Chiến lược tài chính SDG” là chìa khóa. Mặc dù việc huy động các nguồn tài chính bổ sung là ưu tiên hàng đầu nhưng khai thác các nguồn lực hiện có, bao gồm hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nước cũng quan trọng không kém. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh các nguồn tài chính như ngân sách nhà nước phù hợp với các mục tiêu SDG sẽ tăng cường việc thực hiện và giám sát các khoản đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ.
Cuộc đối thoại SDG này được tổ chức đúng vào thời điểm trước lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh của Việt Nam. Đây là dịp có ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng của Việt Nam và những việc cần làm để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Với tư cách là đối tác lâu dài của Chính phủ và người dân Việt Nam, thay mặt Nhóm Quốc gia Liên Hợp Quốc, tôi xin một lần nữa khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam trong hành trình đạt được phát triển toàn diện và bền vững.
XIN CẢM ƠN!