Thế giới trong ảnh: Shutterbugs phản ánh “Tương lai tôi muốn” qua cuộc thi ảnh của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Đôi khi chúng ta nhìn thấy cả thế giới chỉ trong một bức ảnh duy nhất.
Đôi khi chúng ta nhìn thấy cả thế giới chỉ trong một bức ảnh duy nhất.
Chúng ta thấy những khoảnh khắc của cá nhân; chúng ta thấy cả những cuộc đấu tranh lớn.
Chúng ta nhìn thấy chính mình và nếu chúng ta nhớ lâu, chúng ta còn nhìn thấy cả những người khác nữa.
Chúng ta cảm thấy sự sao động của trí nhớ, chúng ta tưởng tượng mọi khả năng có thể xảy ra.
Chúng ta thấy tất cả những điều này và nhiều hơn thế nữa từ những bức ảnh được lựa chọn và đoạt giải trong cuộc thi ảnh “Tương lai tôi muốn” do Liên Hợp Quốc phát động tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc, và được hơn 100.000 người xem trên mạng xã hội và xem trực tiếp.
Tài năng từ bên kia thế giới
Trong số gần 1.000 tác phẩm dự thi, 49 bức ảnh đã được chọn để triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào tháng 10, như một phần của các hoạt động kỷ niệm UN75. Các nhiếp ảnh gia đến từ khắp mọi miền của Việt Nam, có độ tuổi từ 12 đến gần 70. Trong bức ảnh đoạt giải nhất “Tiếp nối ước mơ”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Cường ghi lại hình ảnh một người đàn ông cụt chân đang chơi bóng cùng con trai mình. Chiếc nạng của chính anh lại được sử dụng như cột của khung thành.
Nhìn về phía trước
Năm 1945 là một năm ghi dấu ấn đặc biệt đối với Việt Nam và thế giới – đó là năm Việt Nam giành được độc lập và cũng là năm thành lập Liên Hợp Quốc. Những bức ảnh đoạt giải cùng nhìn về một tương lai có thể. Người đoạt giải nhì Hồ Anh Tiến mang đến cho chúng ta bức ảnh “Hạnh phúc tuổi già”, bức ảnh ghi lại khoảng khắc hạnh phúc của một cặp vợ chồng nay đã ngoài 80 tuổi, chính là những nhân chứng trẻ tuổi vào năm 1945 đáng nhớ đó. Ở họ, chúng ta nhìn thấy hy vọng mới cho những điều tốt đẹp hơn.
Khỏe mạnh và hạnh phúc
Có sức khỏe tốt chính là nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc. Đó là lý do tại sao sức khỏe tốt là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững, được các quốc gia trên thế giới đồng chấp thuận vào năm 2015. Trong bức ảnh chụp đạt giải ba của tác giả Phạm Quốc Hưng, một người cha rạng rỡ khi bế đứa con nhỏ của mình trong phòng tiêm chủng. Vợ anh rất vui vì anh đang gánh vác một trọng trách mà trước đây chỉ dành cho phụ nữ. Tiêm chủng đảm bảo rằng trẻ em có một khởi đầu tốt trong cuộc sống.
Công việc tốt cho tất cả
Công việc thật vất vả; và mức lương là tối thiểu. Một người phụ nữ nhuộm sợi bằng tay. Đây chỉ là một trong những bước trong một quá trình gian khổ để làm ra những chiếc chiếu đẹp đẽ mà mọi người sẽ dùng khi ăn, khi thờ cúng, cầu nguyện, ngồi nghe nhạc hoặc nghỉ ngơi. Bức ảnh đẹp được lựa chọn để triển lãm này của các tác giả Trần Đình Duy và Tạ Quốc Hội cho thấy điều kiện làm việc đằng sau một số việc hàng ngày mà chúng ta vẫn coi nhẹ và nhắc nhở chúng ta suy nghĩ làm thế nào để những điều kiện làm việc nhọc nhằn đó được cải thiện tốt hơn.
Một thế giới bao trùm và dễ tiếp cận
Bốn mươi chín bức ảnh trưng bày tại triển lãm được lựa chọn bởi một hội đồng gồm bảy giám khảo đại diện cho phóng viên chuyên nghiệp ảnh thời sự, thanh niên, các nhà ngoại giao, Liên Hợp Quốc và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Một bức ảnh đã được chọn sau một cuộc bỏ phiếu phổ biến trên mạng xã hội dành cho “Giải thưởng do mọi người bình chọn”. Được tác giả Nguyễn Trung Hiếu chụp, bức ảnh “Vẽ ước Mơ” đưa chúng ta đến ngôi nhà của một người đàn ông không may bị cụt cả bàn tay lẫn cẳng tay. Hành động tập vẽ bàn tay của anh là một hình mẫu về quyết tâm dành cho con trai anh – người đang tập trung nhìn vào những bức vẽ của cha. Cứ khoảng 30 người ở Việt Nam thì lại có một người bị khuyết tật, nhiều người trong số họ bị cắt cụt chi, do bom mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh, do các bệnh nhiễm trùng, hoặc do các nguyên nhân khác.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trong lời hứa thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã cam kết “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong số những người còn đang ở phía sau xa nhất là hai mẹ con trong bức ảnh “Tuổi Thơ Còn Đâu” của tác giả Nguyễn Hữu Khiêm, người đã bộc lộ rằng “anh đã rất buồn khi thấy cảnh này”. Hai mẹ con tìm kiếm bất cứ thứ gì có giá trị — nhựa có thể tái chế, những món đồ nhỏ có thể bán lại. Cuộc đấu tranh của họ thúc đẩy chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hướng tới một thế giới công bằng hơn.
Cùng nhau đối mặt với COVID-19
Khi COVID-19 tiếp tục lây truyền qua các cộng đồng trên toàn thế giới, mọi người dù đã cố gắng thích nghi tốt nhất có thể, vẫn bị cô lập với nhau. “Ở nhà với bà”, bức ảnh của tác giả Đinh Công Tâm miêu tả một cô gái trẻ đang phân vân suy nghĩ về nước cờ tiếp theo trong ván cờ với bà của mình. Trong biểu hiện trên gương mặt của cô ấy, chúng ta thấy phản ánh hình ảnh của chính bản thân mình, đang phải đối mặt với một tương lai bất định.
Sức mạnh của sự đoàn kết
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: “Liên Hợp Quốc là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết để vượt qua các thách thức toàn cầu.
“Chỉ khi chúng ta hợp tác với nhau, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức và biến những khát vọng cao đẹp của Hiến chương Liên Hợp Quốc thành hiện thực cho tương lai mà chúng ta mong muốn.”
Trong bức ảnh “Vì môi trường xanh sạch”, nhiếp ảnh gia Đỗ Trọng Hoài Ân cho chúng ta thấy hình ảnh những người đang cùng nhau thu gom rác thải trôi từ biển vào. Khi chúng ta cùng chung tay, đoàn kết giữa các quốc gia, chúng ta sẽ trở nên lớn mạnh hơn những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt.