Latest
Bài phát biểu
29 tháng 3 2023
Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân của Holocaust 2023
Tìm hiểu thêm
Thông cáo báo chí
28 tháng 3 2023
UNESCO, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên và Tập đoàn CJ cùng chung tay thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số
Tìm hiểu thêm
Thông cáo báo chí
24 tháng 3 2023
Chính thức ra mắt “Mô hình một cửa đầu tiên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại Thành phố Hồ Chí Minh”
Tìm hiểu thêm
Latest
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Đây là những mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đang thực hiện ở Việt Nam.
Câu chuyện
07 tháng 3 2023
Khai thác công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy hòa nhập xã hội và bình đẳng giới
(Bản dịch không chính thức).
“Công nghệ bù cho tôi đôi mắt”, Hương, một cựu học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, đã chia sẻ như vậy.
Hương là một trong số nhiều người mà cuộc sống đã được thay đổi nhờ tác động của số hóa. Trước đây, mẹ của Hương - bác Hạnh, phải ngồi cạnh cô cả ngày và lật từng trang sách để hỗ trợ con học. Giờ đây, Hương có thể sử dụng các công cụ thông minh để tiếp cận thông tin ở dạng in ấn giống như một người bình thường. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội mới.
Tất cả chúng ta đều đã nhận thấy sức mạnh to lớn của số hóa. Với những ai chưa cảm nhận được điều đó, hãy lắng nghe chia sẻ của Hương. Câu chuyện của cô là một ví dụ cho thấy cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mang lại nhiều điều kiện thuận lợi để tất cả chúng ta đều được phát triển và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới phải dịch chuyển lên không gian số - một điều chưa từng có tiền lệ trước đây. Đại dịch đã minh chứng rằng số hóa có thể thay đổi cách chúng ta làm việc, học tập, tương tác và giao tiếp, mở ra những cơ hội mới và phá bỏ những rào cản truyền thống giúp chúng ta có thể hội nhập một cách chủ động hơn, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục, sức khỏe và sinh kế. Với riêng phụ nữ và trẻ em gái, chuyển đổi số mang đến cơ hội xóa bỏ định kiến giới và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Câu chuyện của Hương là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo và công nghệ cũng có thể góp phần làm sâu sắc thêm định kiến giới và tình trạng bất bình đẳng. Tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã mất đi 1 nghìn tỷ USD trong thập kỷ vừa qua khi nữ giới không được tham gia vào thế giới số — và mức thiệt hại này có thể tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025 nếu các giải pháp tức thì không được thực hiện. Đổi mới công nghệ và kỹ thuật số có thể đồng thời tạo ra, xóa sổ và thay đổi việc làm.[1] Với CMCN 4.0, tự động hóa và những tiến bộ về công nghệ sẽ cắt giảm mạnh nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và lao động tay nghề thấp. Có tới 86% lao động trong ngành dệt may và da giày tại Việt Nam có nguy cơ mất việc làm trong vòng 15 năm tới.[2]
Chủ đề trọng tâm của ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là khoảng cách số giữa nam và nữ, đồng thời là kêu gọi thúc đẩy chuyển đổi số và công nghệ cho tất cả mọi người, dù ở bất cứ nơi đâu. Chủ để này càng thích hợp và đúng lúc tại Việt Nam vì Chính phủ đã bắt tay thực hiện hành trình số hóa với nhiều mục tiêu tham vọng. Chuyển đổi số đóng vai trò thiết yếu trong xã hội và nền kinh tế. Đây được coi là công cụ nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo Việt Nam có thể duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ một cách bình đẳng, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT). Tất cả 63 tỉnh thành đều không ghi nhận sự khác biệt đáng kể giữa nữ giới và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai về khả năng tiếp cận CNTT, tiếp cận phương tiện truyền thông, sử dụng điện thoại di động và kỹ năng CNTT cơ bản.[3] 91% phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam đã sử dụng điện thoại di động[4].
Việc sở hữu một thiết bị công nghệ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để phụ nữ và trẻ em gái khai thác tiềm năng của số hóa.[5] Phụ nữ phải có cơ hội bình đẳng để định hình sự phát triển công nghệ và dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Điều này cần bắt đầu từ môi trường học đường. Số lượng học sinh, sinh viên nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vẫn lớn hơn nhiều so với nữ. Ở Việt Nam, chỉ có 36% sinh viên tốt nghiệp đại học là nữ làm việc trong lĩnh vực STEM. 78% sinh viên theo học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội là nam giới.[6] Nữ giới theo học ngành STEM trước tiên phải vượt qua nhiều rào cản xã hội và văn hóa mang tính hệ thống. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bản thân giáo viên và học sinh, sinh viên nữ còn có những thành kiến văn hóa về khả năng phù hợp của bản thân với lĩnh vực STEM.
Khoảng cách giới trong ngành STEM khiến đổi mới sáng tạo và công nghệ trở thành lĩnh vực có tỷ lệ mất cân bằng giới cao nhất.[8] [9] Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, nữ giới chỉ chiếm 37% lực lượng lao động công nghệ.[10] [11]
Các nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp có mức độ bình đẳng giới cao hơn sẽ hoạt động hiệu quả hơn về mặt tài chính. Tăng cường sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực công nghệ giúp tạo ra nhiều giải pháp đột phá hơn và tăng cường đổi mới sáng tạo, từ đó đáp ứng nhu cầu của nữ giới và thúc đẩy bình đẳng giới. Một Hội nghị do tổ chức UNESCO tổ chức năm 2015 đã đưa ra thông điệp vận động rằng “thế giới cần khoa học và khoa học cần nữ giới”. [13]
Sự tham gia bình đẳng của nữ giới trong các lĩnh vực STEM ngày hôm nay là nền tảng để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam trong tương lai. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, hành trình chuyển đổi số của Việt Nam phải tạo điều kiện để mọi người dân có thể tham gia và đóng góp tích cực. Đây sẽ là chìa khóa để kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục, ổn định [14] và đảm bảo mức độ hòa nhập xã hội cao hơn, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Ba giải pháp cần thực hiện là:
Đảm bảo các chính sách đáp ứng giới về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Phá bỏ rào cản để phụ nữ và trẻ em gái trở thành những người tiên phong đổi mới sáng tạo và những lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực STEM.
Dự báo xu hướng việc làm trong tương lai. Đảm bảo khả năng tiếp cận các chương trình nâng cao và đào tạo lại kỹ năng.
Đừng lặp lại những trở ngại/rào cản cho sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào lực lượng lao động tương lai. Hãy cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay bằng cam kết xây dựng một thế giới mà ở đó đổi mới sáng tạo và công nghệ được khai thác hiệu quả để tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng hơn.
Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Để có thêm thông tin, xin mời xem Tóm tắt về Chính sách DigiAll của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam – Đổi mới sáng tạo và công nghệ cho Bình đẳng Giới tại Việt Nam, tại địa chỉ: https://vietnam.un.org/en/221387-policy-brief-digitall-innovation-and-technology-gender-equality-viet-nam bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Tài liệu tham khảo:
[1] Phiên họp thứ 67 của Ủy ban về vị thế của phụ nữ từ ngày 6-17/3/2023; Mục 3 (a) trong chương trình làm việc dự kiến*, với tựa đề “Phụ nữ năm 2000: bình đẳng giới, phát triển và hòa bình cho thế kỷ XXI”: thực hiện các mục tiêu và hành động chiến lược trong những lĩnh vực chính cần lưu tâm cũng như các hành động, sáng kiến khác, trang 9
[2] Nguyen Minh Tri, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế thế giới (Research in World Economy), “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường lao động ở Việt Nam, DOI: 10.5430/rwe.v12n1p94
[3] UNICEF, Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 https://www.unicef.org/vietnam/media/8696/file/Mass%20media%20&%20ICT.pdf
[4] Chỉ số WPS 2021-2022, trang 85 https://giwps.georgetown.edu/wp-content/uploads/2021/11/WPS-Index-2021.pdf
[5] Phiên họp thứ 67 của Ủy ban về vị thế của phụ nữ từ ngày 6-17/3/2023; Mục 3 (a) trong chương trình làm việc dự kiến*, với tựa đề “Phụ nữ năm 2000: bình đẳng giới, phát triển và hòa bình cho thế kỷ XXI”: thực hiện các mục tiêu và hành động chiến lược trong những lĩnh vực chính cần lưu tâm cũng như các hành động, sáng kiến khác.
[6]2021. “Sinh viên nữ trong khối ngành STEM trên thế giới và Việt Nam - Thực trạng và bài học.” Tạp Chí Công Thương. Ngày 17/9/2021. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/sinh-vien-nu-trong-khoi-nganh-stem-tren-the-gioi-va-viet-nam-thuc-trang-va-bai-hoc-83675.htm.
[7] Phiên họp thứ 67 của Ủy ban về vị thế của phụ nữ từ ngày 6-17/3/2023; Mục 3 (a) trong chương trình làm việc dự kiến*, với tựa đề “Phụ nữ năm 2000: bình đẳng giới, phát triển và hòa bình cho thế kỷ XXI”: thực hiện các mục tiêu và hành động chiến lược trong những lĩnh vực chính cần lưu tâm cũng như các hành động, sáng kiến khác, trang 6
[8] Báo Tuổi Trẻ online. 2022. “Ngành công nghệ thông tin 'khát' nhân lực nữ." Báo Tuổi Trẻ online. Ngày 15/8/2022. https://tuoitre.vn/nganh-cong-nghe-thong-tin-khat-nhan-luc-nu-20220815132455884.htm.
[9] “Nữ giới cân bằng sân chơi trong lĩnh vực công nghệ.” 2022. En.vcci.com.vn. Ngày 4/6/2022. https://vi.vcci.com.vn/women-levelling-the-play-field-in-tech.
[10] UNWOMEN, 2019. Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam
[11] “Phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt hơn để đảm nhận những vị trí ra quyết định trong doanh nghiệp.” 2020. Www.ilo.org. Ngày 17/11/2020. https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_761182/lang--en/index.htm.
[12] Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 2018. https://www.imf.org/en/Blogs/Articles/2018/11/28/blog-economic-gains-from-gender-inclusion-even-greater-than-you-thought.
[13] Đối thoại chính sách với chủ đề “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số tại Việt Nam: cơ hội và thách thức”, ngày 3/3/2023, Hà Nội
[14] https://www.imf.org/en/Blogs/Articles/2018/11/28/blog-economic-gains-from-gender-inclusion-even-greater-than-you-thought
1 of 5

Câu chuyện
09 tháng 12 2022
Nhân phẩm, Tự do và Công lý cho Tất cả
(Bản dịch không chính thức để tham khảo)
“Xét rằng việc công nhận phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới,”
là dòng đầu tiên của Lời nói đầu của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Trong một câu, nó gói gọn các nguyên tắc và giá trị mà chúng ta, với tư cách là một gia đình nhân loại, đã hứa sẽ duy trì và thực hiện 74 năm trước. Đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào chính ngày này năm 1948.
Do đó, hàng năm, vào ngày 10 tháng 12, chúng ta kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế để kỷ niệm việc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Bằng cách kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế, chúng tôi tiếp tục tái khẳng định lời hứa của Tuyên bố – duy trì các quyền con người phổ quát, không thể chia cắt và không thể chuyển nhượng cũng như các quyền tự do cơ bản cho mọi người, ở mọi nơi.
Năm 2023 đánh dấu tròn 45 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp Quốc. Trong chuyến thăm gần đây của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, ông đã chia sẻ: “Quyền con người là trọng tâm của việc giải phóng những gì tốt đẹp nhất trong xã hội của chúng ta. Giúp xây dựng tình đoàn kết. Giúp thúc đẩy hòa nhập, bình đẳng và tăng trưởng. Giúp bảo lãnh tự do. Và đảm bảo sự ổn định lâu dài ”, và nhấn mạnh việc duy trì quyền con người ở mọi khía cạnh vẫn là yếu tố rất quan trọng để viết chương tiếp theo của câu chuyện thành công về phát triển của Việt Nam.
Thế giới của chúng ta ngày nay tiếp tục đối mặt với vô số thách thức, từ đại dịch đến xung đột và biến đổi khí hậu. Trên toàn cầu, bất công xã hội còn lan tràn; các quyền tự do cơ bản về tôn giáo và tín ngưỡng, quan điểm và biểu đạt đang bị tấn công; và những người dễ bị tổn thương chịu nhiều bất bình đẳng và phân biệt đối xử nhất, không thể thực hiện các quyền của mình.
Việt Nam không tránh khỏi tác động của các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong khi đất nước vẫn đang hồi phục sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đang phải đối phó với giá lương thực và năng lượng ngày càng tăng cao do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời chống chọi với thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Thật không may, chính những người nghèo và những người ít có khả năng vượt qua những cú sốc này lại phải gánh chịu gánh nặng tác động của những cuộc khủng hoảng này một cách không tương xứng.
Ở Việt Nam, các cộng đồng dân tộc thiểu số và sinh sống ở vùng sâu vùng xa vẫn đang có nguy cơ bị tụt lại phía sau. Chỉ 1/5 số hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận với nước sạch và các dịch vụ vệ sinh cơ bản so với các hộ gia đình người Kinh và Hoa. Mặc dù mức độ bao phủ của bảo hiểm y tế cao, nhưng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của một số nhóm dân tộc thiểu số còn thấp. Trong khi 87% phụ nữ Mông có bảo hiểm y tế, thì chỉ có 37% sinh con tại cơ sở y tế. Tỷ lệ tử vong mẹ ở các dân tộc thiểu số cũng cao gấp 2-3 lần so với mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ nhập học mầm non của trẻ em từ 3 đến 5 tuổi của các dân tộc chỉ đạt 66% so với 92% của cả nước. Nghèo đa chiều của nhóm Mông, Dao và Khmer lần lượt là 45%, 20% và 19,2%, trong khi tỷ lệ này của người Kinh là 2,8% vào năm 2020. Khủng hoảng khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương của các nhóm dân tộc thiểu số . Hạn hán, nắng nóng và lũ lụt dẫn đến mất an ninh do biến đổi khí hậu gây ra. Nông nghiệp sản xuất nhỏ, đặc biệt là nông dân nghèo, dân tộc thiểu số và phụ nữ là những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tất cả những thách thức phát triển này đe dọa phẩm giá và sự bình đẳng về quyền, bao gồm sức khỏe, thực phẩm, giáo dục, mức sống đầy đủ, trợ cấp xã hội và thậm chí cả cuộc sống. Thực tế mà các cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương phải đối mặt trong cuộc sống và sinh kế của họ là lời nhắc nhở và thúc đẩy chúng ta tiếp tục hành động để lồng ghép quyền con người vào tất cả các ưu tiên phát triển – từ hành động khí hậu, đến bảo trợ lao động và xã hội, đến chuyển đổi kinh tế – và luôn đặt con người vào vị thế trung tâm của sự phát triển.
Vào ngày 28 tháng 7 năm 2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết lịch sử công nhận toàn cầu quyền con người được hưởng một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững (R2HE). Sự phát triển pháp lý quốc tế quan trọng này củng cố hành động tại hơn 150 quốc gia nơi R2HE đã được công nhận .
Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 là trách nhiệm to lớn nhưng cũng là cơ hội rất quan trọng để nỗ lực gấp đôi trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Trong số các cam kết của Việt Nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, điều đáng khích lệ là Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn 7 trên 9 điều ước; tăng cường giáo dục về quyền con người; và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng các quyền con người, đặc biệt quan tâm đến quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Khi Việt Nam bắt đầu trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền, điều quan trọng là biến những cam kết này thành hành động cụ thể, và đưa ra bằng chứng mạnh mẽ hơn nữa về việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Liên Hợp Quốc, với vị trí là một đối tác đáng tự hào và lâu dài của Việt Nam trong hơn 45 năm qua, sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển và các lực lượng trong xã hội, để đảm bảo quyền con người là trung tâm của mọi nỗ lực phát triển. Sự cộng tác và hợp tác được đổi mới, bao gồm sự hòa nhập và tham gia có ý nghĩa của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng đa dạng, là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy đối thoại sôi nổi cần thiết, giúp Việt Nam tiến bộ nhiều hơn nữa trên nhiều lĩnh vực liên quan đến đảm bảo quyền con người.
Cùng nhau, chúng ta có thể thực hiện lời hứa về một gia đình nhân loại đề cao phẩm giá, tự do và công lý cho tất cả mọi người.
Bà Pauline Tamesis là Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam. Để nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng và di sản của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và trước thềm Lễ kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn vào năm tới, Liên Hợp Quốc đang phát động chiến dịch kéo dài một năm “UDHR 75: Nhân phẩm, Tự do và Công lý cho Tất cả mọi người”. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập: https://www.ohchr.org/en/get-involved/campaign/human-rights-day
1 of 5

Câu chuyện
09 tháng 12 2022
UNIDO cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ
Lô bưởi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ tỉnh Bến Tre (Đồng bằng sông Cửu Long) vào thứ Hai, ngày 28 tháng 11 năm 2022, tại buổi lễ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức. Sau gần 6 năm đàm phán, thị trường Hoa Kỳ đã mở cửa cho bưởi tươi của Việt Nam.
Thành công này có được là nhờ nỗ lực của tất cả các chủ thể trong chuỗi giá trị bưởi, bao gồm nhà hoạch định chính sách, nhà xuất khẩu, nông dân, các bên cung cấp dịch vụ và cả các chuyên gia trong nước và quốc tế của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc - UNIDO. Bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ có yêu cầu rất khắt khe về kiểm soát bệnh dịch, vì thế đòi hỏi nhiều thời gian đào tạo nông dân cũng như thay đổi quy trình canh tác để đáp ứng yêu cầu và nâng cấp chuỗi liên kết. UNIDO Việt Nam và Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ Sau thu hoạch (VIAEP) đã trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật xử lý sau thu hoạch cho lô bưởi đầu tiên này tại Công ty CP Tập đoàn XNK Trái cây Chánh Thu (Chánh Thu) để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Mỹ.
Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp do phụ nữ và thanh niên làm chủ tại ĐBSCL được hỗ trợ tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu (GQSP) và Quỹ Ủy thác Đa bên của Liên hợp quốc (MPTF). GQSP Việt Nam là một phần của chương trình GQSP toàn cầu do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ và được UNIDO thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD).
Theo yêu cầu bắt buộc của thị trường Mỹ, trái bưởi tươi xuất sang Mỹ không được sử dụng màng PVC bọc thực phẩm. Công nghệ màng phủ mới do dự án phối hợp với VIAEP và các chuyên gia quốc tế phát triển giúp kéo dài thời gian bảo quản lên đến 3 tháng mà không cần sử dụng màng nylon. Song song với việc nghiên cứu phát triển sản phẩm màng phủ, một hệ thống sơ chế xử lý trái bưởi đồng bộ công suất 4-5 tấn/h đã được thiết kế, chế tạo bao gồm các công đoạn: rửa, xử lý hóa chất, làm ráo, phun phủ màng và làm khô trái bưởi. Hệ thống thiết bị này đã được Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) và Cục Bảo vệ thực vật chấp nhận đạt yêu cầu để giúp Chánh Thu xử lý trái bưởi vào thị trường Mỹ.
“Hiệu quả của dự án giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức lớn nhất của xuất khẩu trái cây là xử lý sau thu hoạch để bảo quản trái cây được lâu và xuất khẩu sang các thị trường khó tính với chi phí logistics giảm. Đây là một động thái cần thiết vào thời điểm này. Điều này cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho những đổi mới trong tương lai để mang đến những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.”- Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Chánh Thu, chia sẻ về hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO.
Từ thành công này, UNIDO sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cho trái cây Việt Nam, xây dựng chuỗi giá trị đổi mới và bền vững để đóng góp cho kinh tế nông thôn.
1 of 5
Câu chuyện
30 tháng 11 2022
Chấm dứt phân biệt đối xử liên quan đến HIV vì mục tiêu bình đẳng
Vụ xô xát không chỉ làm tan hoang một ngôi nhà mà cũng làm tan nát mối quan hệ ruột thịt của một gia đình.
Duy và Liên[1] là một cặp vợ chồng có HIV sinh sống ở thành phố Điện Biên Phủ. Liên là chủ lực về kinh tế, tạo thu nhập trong gia đình. Duy, do chịu nhiều tác dụng phụ của việc điều trị HIV từ nhiều năm trước nên phần lớn thời gian chỉ ở nhà chăm con và làm các việc nội trợ cho gia đình. Hai người con của Duy và Liên đều không nhiễm HIV do Liên đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) trong thời gian mang thai và cho con bú.
Gia đình nhỏ của họ sống trên mảnh đất mà Duy được bố mẹ mình cho thừa kế. Quyền thừa kế của Duy đối với mảnh đất này được pháp luật công nhận. Bố mẹ Duy cũng chia đều đất và quyền thừa kế đất cho tất cả các con, gồm con trai của anh cả đã qua đời của Duy và hai chị gái. Các gia đình nhỏ đều xây nhà trên mảnh đất được thừa kế và sống liền kề bên nhau. Nhưng kể từ khi biết hai vợ chồng Duy đều nhiễm HIV, mọi người trong nhà bắt đầu chèn ép vợ chồng Duy. Họ lấy cớ rằng Duy “kém cỏi” và “thiếu hiểu biết về xã hội” vì Duy không được khỏe và phần lớn thời gian chỉ ở nhà.
Thế rồi, một dự án qui hoạch đô thị được triển khai xây dựng ở khu vực mà gia đình Duy sinh sống, khiến cho những căng thẳng và rạn nứt trong quan hệ của vợ chồng Duy với người thân càng thêm nghiêm trọng.
Đầu năm nay, chính quyền thành phố đã thu hồi một phần đất của gia đình lớn của Duy để mở đường mới theo qui hoạch phát triển thành phố và bồi thường cho gia đình một khoản tiền. Đồng thời, việc lấy đất mở đường cũng làm thay đổi lối đi vào các miếng đất nhỏ đã xây nhà của từng anh chị em. Hai chị gái của Duy đòi phải được chia nhiều tiền bồi thường hơn và cả chia lại miếng đất mà Duy đang có sổ đỏ.
Hai chị của Duy còn xông vào nhà hai vợ chồng, chửi mắng họ là nhiễm HIV, xô đẩy, đánh Liên ngay trước mặt hai con nhỏ của họ. Vụ gây lộn đã làm tổn hại đến căn nhà và sinh hoạt của gia đình Duy, cũng làm tổn thương lòng tự trọng của hai vợ chồng. Bị dồn ép, Duy và Liên phải nhờ đến đại diện các ban ngành đoàn thể ở địa phương đứng ra hòa giải.
Kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành do vợ chồng Duy là người có HIV đã đe dọa quyền thừa kế và sở hữu tài sản của Duy, cũng như khiến vợ chồng Duy và hai con càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Nghiên cứu quốc gia về kỳ thị liên quan đến HIV tiến hành năm 2020 – 2021 cho thấy vẫn còn hơn 4% người sống với HIV bị vi phạm quyền trong 12 tháng qua và có tới 45% không biết liệu Việt Nam có luật nào bảo vệ người có HIV không bị phân biệt đối xử hay không[2].
“Thông qua đường dây nóng, chúng tôi vẫn nhận được nhiều chia sẻ của những người có HIV về việc họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành, cả bằng lời nói và xâm phạm thân thể,” anh Nguyễn Anh Phong, đại diện Mạng lưới quốc gia người sống với HIV (VNP+) chia sẻ từ kinh nghiệm nhiều năm vận hành đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ cộng đồng. “Chính những người có HIV và cả cộng đồng đều cần lên tiếng và hành động để loại bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử. Các bạn không đơn độc. Chúng ta không đơn độc.” Phong nhấn mạnh.
Chấm dứt kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với người có HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, bảo đảm sự bình đẳng của mỗi người trong việc thụ hưởng các quyền như quyền sở hữu tài sản, quyền được học tập, chăm sóc sức khỏe, làm việc, tiếp cận công lý, quyền riêng tư, quyền được có gia đình, tự chủ về cơ thể và các quyền khác. Bảo đảm quyền được đối xử bình đẳng là trao quyền cho những người chịu ảnh hưởng chính bởi HIV được sống trong tôn trọng và phẩm giá.
[1] Tên nhân vật đã được thay đổi [2] Báo cáo chỉ số kỳ thị với HIV ở Việt Nam, năm 2022. Đọc tại https://www.stigmaindex.org/country-reports/#/m/VN *Các thành viên cộng đồng trong bức ảnh này đã đồng thuận để UNAIDS sử dụng hình ảnh của mình cho mục đích vận động xã hội trong đáp ứng với HIV.
[1] Tên nhân vật đã được thay đổi [2] Báo cáo chỉ số kỳ thị với HIV ở Việt Nam, năm 2022. Đọc tại https://www.stigmaindex.org/country-reports/#/m/VN *Các thành viên cộng đồng trong bức ảnh này đã đồng thuận để UNAIDS sử dụng hình ảnh của mình cho mục đích vận động xã hội trong đáp ứng với HIV.
1 of 5

Câu chuyện
29 tháng 11 2022
Tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV cho mọi người trên đất nước Việt Nam
Điện Biên một tỉnh miền núi Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều người dân tộc Thái, trong đó có Lò Văn Huy*[1]. Huy là con trai duy nhất trong gia đình và cũng là cháu trai cả của dòng họ.
Khi Huy học cấp 3 gia đình bắt đầu nghi ngờ về xu hướng tính dục của bạn. Bố mẹ và người thân công khai gây áp lực để Huy phải cưới vợ, thậm chí còn hỏi thăm tìm cách “chữa bệnh đồng tính” cho Huy. Trong suốt những năm cấp 3, Huy luôn bị những người xung quanh đàm tiếu và cảm thấy mình bị người thân chối bỏ. Có thời điểm Huy cảm thấy xấu hổ và suy sụp đến mức có ý nghĩ tự tử. Sau đó, Huy thu mình ở trong nhà, trốn vào không gian mạng xã hội để không phải đối diện với áp lực từ những người xung quanh.
Huy gặp người yêu của mình trên diễn đàn mạng, cậu ấy cũng là một thanh niên sống ở một vùng huyện của tỉnh Điện Biên. Qua mạng, Huy còn được tổ chức cộng đồng ở tỉnh Điện Biên của những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp cận, tư vấn và làm xét nghiệm HIV nhanh, sau đó cung cấp bao cao su và chất bôi trơn để dự phòng lây nhiễm HIV.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Huy xuống Hà Nội tìm việc làm để tránh áp lực của gia đình và sự kỳ thị liên quan đến xu hướng tính dục của bản thân. Huy và người yêu vẫn giữ quan hệ nhưng chưa dám công khai. Huy không có bạn tình khác và vì sợ lộ thông tin Huy không tìm đến các tổ chức cộng đồng ở Hà Nội mà vẫn giữ liên lạc với bạn giáo dục viên đồng đẳng của tổ chức cộng đồng ở Điện Biên mà Huy đã trở nên quen thuộc.
Bởi vậy, tới lúc Huy về thăm quê vào tháng 9 năm nay bạn mới lần thứ hai làm xét nghiệm HIV nhanh và sau đó tiếp tục nhận bao cao su và chất bôi trơn. Tổ chức cộng đồng ở Điện Biên cũng giới thiệu cho Huy biết đến dịch vụ dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP) đang có ở Hà Nội nhưng Huy chưa sẵn sàng để nhận dịch vụ ở Hà Nội, mà PrEP lại chưa được cung cấp ở tỉnh Điện Biên.
“Nhóm chúng tôi tiếp cận các bạn MSM ở Điện Biên chủ yếu qua app và các nhóm kín trên mạng xã hội, sau đó mới gặp mặt. Rất nhiều bạn còn trẻ và sống ở các huyện của tỉnh Điện Biên, vì kỳ thị còn cao nên các bạn vẫn giấu xu hướng tính dục của bản thân và cũng thiếu hiểu biết về an toàn tình dục và HIV. Tôi rất mong PrEP sẽ sớm có ở Điện Biên để cộng đồng chúng tôi được có biện pháp dự phòng HIV hiệu quả và dễ sử dụng hơn.” Lò Văn Thịnh, trưởng nhóm Hoa Ban Trắng của người MSM ở tỉnh Điện Biên cho biết.
Dịch HIV đang gia tăng trong nhóm MSM đặc biệt là người MSM trẻ ở Việt Nam. Năm 2020 có tới 47% số nhiễm HIV mới được phát hiện ở Việt Nam là trong nhóm MSM. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trẻ (15 – 24 tuổi) đã tăng gấp 4 lần trong vòng 10 năm, từ 3% năm 2011 lên đến 13% vào năm 2020. Việc chưa bao phủ PrEP được rộng khắp trong cả nước sẽ làm ảnh hưởng đến các nỗ lực khống chế sự lây lan của HIV trong nhóm MSM. Bằng chứng cho thấy PrEP giúp giảm đến 99% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục[2].
“Mở rộng hơn nữa và duy trì bền vững các can thiệp phòng chống HIV có tác động lớn như PrEP là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể thực hiện được các mục tiêu về phòng chống AIDS đến năm 2025 và đi đúng hướng để kết thúc AIDS vào năm 2030, lúc đó AIDS sẽ không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.” Bs. Maria Elena Filio Borromeo, Giám đốc quốc gia, UNAIDS Việt Nam nhấn mạnh.
Giảm sự khác biệt về địa lý trong bao phủ cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV sẽ giúp những người còn chưa được chương trình can thiệp với tới có thể kịp thời tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả cao cũng như các dịch vụ HIV thiết yếu khác, ở nơi mà họ cảm thấy tin tưởng và an toàn để sử dụng dịch vụ. Cải thiện hơn nữa sự sẵn có, chất lượng và tính phù hợp của các dịch vụ phòng chống HIV trên cả nước là thiết yếu để đáp ứng với HIV của Việt Nam thực sự trở nên công bằng và bền vững.
[1] *Tên nhân vật đã được thay đổi
[2] US CDC. (2022). Pre-Exposure Prophylaxis (PrEP). Available at: https://www.cdc.gov/hiv/risk/prep/index.html#:~:text=PrEP%20reduces%20the%20risk%20of,use%20by%20at%20least%2074%25.
1 of 5

Thông cáo báo chí
31 tháng 3 2023
UNESCO, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên và Tập đoàn CJ cùng chung tay thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số
Tại Việt Nam, các vùng dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng dân số khác bởi các định kiến và rào cản văn hóa. Mặc dù đã có những tiến bộ trong phổ cập giáo dục cơ bản, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái vẫn có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác. Dự án “Chúng tôi Có thể” (We are ABLE) được khởi xướng nhằm góp phần giải quyết vấn đề này. Với khẩu hiệu “Hướng đến Mức sống và Giáo dục tốt hơn” viết tắt là “ABLE” (Có thể) khẳng định niềm tin vào năng lực vượt qua thử thách, khó khăn của trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.
“Giáo dục là một công cụ trao quyền mạnh mẽ bởi giáo dục có thể giải quyết được những rào cản, sự kỳ thị và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới đang cản trở người học thực hiện quyền được giáo dục và các cơ hội trong cuộc sống, công việc và định hướng trong tương lai. Chúng ta phải khai thác sức mạnh của giáo dục để khơi sáng những tiềm năng của người học và tôn trọng sự đa dạng của họ cũng như việc chuyển đổi các tổ chức giáo dục để đạt được công bằng xã hội, bình đẳng và hòa nhập.” Bà Justine Sass, Trưởng ban Giới và Hòa nhập trong Giáo dục của Trụ sở chính UNESCO tại Paris phát biểu tại buổi lễ.
Giai đoạn I của dự án do UNESCO thực hiện từ năm 2019-2022, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, được tài trợ bởi Quỹ Malala UNESCO về Quyền giáo dục cho trẻ em gái với hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Tập đoàn CJ. Dự án tập trung triển khai tại 12 huyện ở ba tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng. Dự án đã đạt được thành công trong việc đáp ứng được các đầu ra mong đợi nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục và duy trì việc học của trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số, tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số.
Dự án Giai đoạn I đã tiếp cận được 16.296 học sinh (trong đó có 8.021 nữ sinh). Tại 24 trường dự án, trong số học sinh dân tộc thiểu số, tỷ lệ nhập học tăng từ 62% lên 67%, tỷ lệ bỏ học giảm từ 3,8% xuống 2,9% và tỷ lệ chuyển tiếp lên trung học cơ sở tăng từ 69,7% lên 76,7%. 2.136 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã được đào tạo về tư vấn trường học có nhạy cảm giới và hàng nghìn người khác sẽ được tiếp cận thông qua việc triển khai khóa học trực tuyến trên toàn quốc. 120 phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số đã được đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp và tiếp tục được hỗ trợ thông qua Hội Phụ nữ xã.
“Những bài học bổ ích từ dự án đã giúp chúng em dám nói ra ước mơ của mình. Đó cũng là nguồn động lực lớn để chúng em cố gắng hơn” – Em Phàn T. T., học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
“Nhiều năm gần đây song song với dự án ”Chúng tôi Có thể”, nhà trường đã thu hút được 100% học sinh đến trường, không có trẻ em phải nghỉ học đi lấy chồng, đó là thành công của nhà trường và bước đầu hình thành cho các em về hướng nghiệp qua các buổi tham quan thực tế các mô hình tại địa phương.” – Ông Nguyễn Văn Thái, Phó hiệu trưởng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Giai đoạn II của dự án “Chúng tôi Có thể” sẽ được triển khai tại các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum và Ninh Thuận. Với mục tiêu tiếp tục trao quyền cho thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái và nữ thanh niên tại các trường trung học cơ sở nội trú và các vùng lân cận, để vượt qua định kiến, lên tiếng và hành động vì ước mơ, hy vọng và nguyện vọng trong giáo dục. Giai đoạn II sẽ xây dựng các kỹ năng và nền tảng, thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các hoạt động truyền thông và vận động do học sinh khởi xướng, và tăng cường cam kết của Chính phủ về giáo dục cho trẻ em và thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục là đối tác chính để triển khai dự án cùng với UNESCO, bên cạnh đó Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, một đối tác mới của dự án, sẽ hỗ trợ các hoạt động truyền thông và vận động do học sinh khởi xướng và thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái thông qua tiếp cận cộng đồng, các diễn đàn địa phương và trung ương. Tạp chí Ngày Nay sẽ củng cố các hoạt động truyền thông của dự án.
“Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào Kế hoạch Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ Việt Nam, Chiến lược công tác dân tộc và cam kết quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 4 về Giáo dục và Mục tiêu 5 về Bình đẳng giới” - Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ.
Tại Lễ công bố, Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bà Bế Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách dân tộc, Ủy Ban dân tộc, đối tác chính trong Giai đoạn I, bày tỏ sự cảm kích đối với tập đoàn CJ, UNESCO và các đối tác khác của dự án. Ông Vũ Minh Đức cũng đề nghị “các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, Kon Tum và Ninh Thuận tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động dự án để đạt được thành tựu như giai đoạn I”.
Tập đoàn CJ tiếp tục là nhà tài trợ chính trong Giai đoạn II của dự án. “Dự án đầu tiên thành công bất chấp tình hình đại dịch COVID – 19 là nhờ sự tham gia nhiệt tình của không chỉ học sinh mà còn có thầy cô, phụ huynh, cộng đồng và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam” Bà Hee Kyung Jo Min, Phó Chủ tịch CJ CheiJedang - Giám đốc các Chương trình Cống hiến xã hội của CJ CheilJedang tại Hàn Quốc chia sẻ. “Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình để giúp đỡ nhiều trẻ em hơn tiếp cận giáo dục mà không bị phân biệt đối xử và phát triển thành những tài năng dẫn dắt tương lai của Việt Nam dựa trên triết lý chia sẻ của CJ.”
Các ca sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc và Việt Nam, Isaac Hong và Phương Mỹ Chi, đã biểu diễn tại sự kiện này như một lời kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để hỗ trợ những nỗ lực của dự án về giáo dục trẻ em gái dân tộc thiểu số.
UNESCO và các đối tác tiếp tục cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở Việt Nam.
---
Thông tin báo chí:
Nguyễn Thị Thảo, Tư vấn giáo dục
Email: tt.nguyen@unesco.com
Điện thoại: 0357438194
1 of 5
Thông cáo báo chí
28 tháng 3 2023
Chính thức ra mắt “Mô hình một cửa đầu tiên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại Thành phố Hồ Chí Minh”
Mô hình một cửa sẽ thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Thay vì phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực chỉ cần đến Mô hình “một cửa” để được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý. Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển gửi nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố, địa chỉ tại số 14 Nguyễn Văn Bảo, Phường 4, Quận Gò Vấp để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Thinh cho biết: “Việc triển khai thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” đặt tại cơ sở y tế là một giải pháp mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Kinh nghiệm ứng phó với bạo lực giới cho thấy, cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên bệnh nhân ở các nhóm độ tuổi, ngành nghề và hoàn cảnh khác nhau tìm đến. Mô hình khi vận hành sẽ tiến hành rà soát khoảng trống về chính sách, quy định riêng của các ngành tiến tới thống nhất về nguyên tắc, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ một đầu mối cho nạn nhân. Mô hình một cửa là điểm đến an toàn, là nơi can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho từng nạn nhân trên địa bàn thành phố”.
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong cuộc đời. Tuy nhiên, 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Mô hình một cửa ra đời sau hơn hai năm nghiên cứu với sự chủ trì, điều phối chuyên môn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Y tế cùng các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và sự vào cuộc trực tiếp của Bệnh viện Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong chương trình Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và sự đồng hành của Tổ chức PE&D tại Việt Nam.
Tại lễ ra mắt, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, bà Elisa Fernandez Saenz, chia sẻ: “Việc ra mắt Mô hình là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của các bên liên quan ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua, hướng đến việc cung cấp dịch vụ thiết yếu đa ngành có sự điều phối nhịp nhàng dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của họ. UN Women cam kết tiếp tục đồng hành với Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới để thực hiện thí điểm thành công Mô hình, UN Women kỳ vọng Mô hình này làm cơ sở nhân rộng Mô hình trên toàn quốc”.
Kinh phí hoạt động của Mô hình một cửa do ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm và được tổng hợp trong dự toán hằng năm của Sở Y tế và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội. Thời gian thực hiện thí điểm Mô hình một cửa trong giai đoạn 2022-2026.
1 of 5
Thông cáo báo chí
03 tháng 3 2023
Đối thoại chính sách: “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”
Sự kiện đối thoại chính sách năm nay cũng phù hợp với chủ đề toàn cầu của Ngày Quốc tế Phụ nữ “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” và hưởng ứng chủ đề ưu tiên của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW67) “Đổi mới, công nghệ, và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”, nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong đổi mới, công nghệ và giáo dục kỹ thuật số, đồng thời xác định những tác động của chuyển đổi số đối với những nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội. Sự kiện cũng nêu bật tầm quan trọng chuyển đổi số, với tiềm năng lớn, được tin rằng sẽ trở thành một “động lực thay đổi” quan trọng đối với bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới.
Tại Việt Nam, với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt ngày 03/6/2020 (Quyết định số 749/QĐ-TTg), đổi mới và công nghệ đã trở thành một ưu tiên của Chính phủ và các bộ, ngành trong những năm gần đây. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Bên cạnh đó, đổi mới và công nghệ vẫn thường được coi là lĩnh vực mà nam giới có ưu thế. Những năm gần đây, phụ nữ đang từng bước tạo dựng những lợi thế nhất định trong công nghệ, với cơ hội việc làm rộng mở. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%). Sự đa dạng về giới tính cũng là yếu tố được các hãng công nghệ tại Việt Nam quan tâm nhằm giúp họ tạo ra những sản phẩm tốt, an toàn và phù hợp với đại đa số người dùng. Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.
Có nhiều lý do dẫn đến việc tỉ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế, như còn thiếu các chính sách và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ và vẫn còn nhiều định kiến giới về phụ nữ và công nghệ. Làm thế nào để phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện cũng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam hiện nay.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định “Việc nhận thức rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này. Do đó, việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xoá bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được xem là chìa khoá để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số. Thay đổi các kỳ vọng về khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp, bao gồm cả việc thúc đẩy các hình mẫu phụ nữ tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng sẽ tạo lực đẩy thôi thúc sự tự tin của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để đảm bảo rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau.”
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh “Chủ đề ưu tiên của Ngày QTPN năm nay mang đến cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng xem xét lại các tác động về giới trong đổi mới và công nghệ, đồng thời xác định các khuyến nghị để quá trinh chuyển đổi kỹ thuật số ở Việt Nam bao trùm và bình đẳng hơn. Trong bối cảnh đó, LHQ tại Việt Nam đưa ra một số đề xuất thảo luận như sau: cần đảm bảo quan điểm giới trong các chính sách quốc gia về kỹ thuật và phân bổ nguồn lực để thực hiện đầy đủ; tăng cường giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái; dự đoán nhu cầu công việc và kỹ năng cần có trong tương lai; tăng cường thu thập dữ liệu và giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến.”
Các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng chuyển đổi số hiện nay tại Việt Nam và vai trò của phụ nữ trong trong kỷ nguyên số ở các lĩnh vực khác nhau, cũng như đề xuất các giải pháp để thu hẹp những khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và thị trường lao động liên quan tới đổi mới, công nghệ và kỹ thuật số. Vấn đề bảo vệ sự an toàn của phụ nữ và trẻ em trước các hình thức bạo lực trên môi trường mạng cũng được các đại biểu thảo luận trong sự kiện.
Các thông tin chia sẻ và khuyến nghị tại đối thoại chính sách sẽ đóng góp vào báo cáo của Việt Nam tại Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban địa vị phụ nữ được Liên Hợp Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại New York, Mỹ.
- Hết - Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ: Hoàng Bích Thảo - Cán bộ truyền thông Phòng Truyền thông Liên Hợp Quốc Điện thoại: +84 4 3850 0376 Email: hoang.thao@unwomen.org Nguyễn Việt Hải – Chuyên viên Vụ Bình đẳng giới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Điện thoại: 0983084703 Email: viethai703@gmail.com
- Hết - Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ: Hoàng Bích Thảo - Cán bộ truyền thông Phòng Truyền thông Liên Hợp Quốc Điện thoại: +84 4 3850 0376 Email: hoang.thao@unwomen.org Nguyễn Việt Hải – Chuyên viên Vụ Bình đẳng giới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Điện thoại: 0983084703 Email: viethai703@gmail.com
1 of 5
Thông cáo báo chí
20 tháng 12 2022
Truyền Tử Tế, Thắp Tự Hào - Trường học an toàn hơn cho người LGBTI
Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và các tổ chức đối tác do cộng đồng LGBTI lãnh đạo (Hà Nội Queer, Doanh nghiệp xã hội Venus và Sáng kiến Tìm tôi trong chữ) nhằm thúc đẩy trường học an toàn hơn cho những người thuộc nhóm thiểu số về giới và tính dục, hay còn thường được gọi là những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI). Chương trình có sự hỗ trợ từ Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên hợp quốc (UNFE) trên toàn cầu hướng tới thúc đẩy quyền bình đẳng và đối xử công bằng với người LGBTIQ+[1].
Với thông điệp “Truyền tử tế, thắp tự hào vì trường học an toàn hơn cho người LGBTI”, chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2022 tại Việt Nam là cơ hội để thúc đẩy giáo dục giới tính và tình dục toàn diện nhằm tạo môi trường học tập an toàn hơn, nâng cao nhận thức xã hội về sự đa dạng về xu hướng tính dục, bản dạng giới, biểu hiện giới và đặc điểm giới tính (SOGIESC), và đặc biệt là nâng cao nhận thức về quyền của các cá nhân LGBTIQ+ tại Việt Nam thông qua các cuộc khảo sát trực tuyến, chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội và sự kiện truyền thông tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào sáng 18/12/2022.
Thay mặt Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ: “Các báo cáo về bắt nạt, kỳ thị và phân biệt đối xử trong trường học dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới hoặc biểu hiện giới vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù cần thêm nhiều dữ liệu hơn, nhưng nghiên cứu cho thấy, ví dụ, mức độ học sinh LGBTI phải đối mặt với bạo lực trên cơ sở giới cao hơn so với các bạn đồng trang lứa, và các cơ sở giáo dục thường không là nơi an toàn cho các em. Dữ liệu quốc gia cho thấy các ca lây nhiễm HIV đang gia tăng ở những người đồng tính nam trẻ tuổi và những người nam có quan hệ tình dục đồng giới, cũng như với người chuyển giới nữ. Chúng tôi cũng biết rằng học sinh LGBTI phải đối mặt với những thách thức cụ thể về sức khỏe tâm thần, bao gồm phản ứng tiêu cực của gia đình đối với tính dục hoặc bản dạng giới của họ, và cả nỗi sợ bị phân biệt đối xử.”
Thông qua tham vấn với các tổ chức, cộng đồng và cá nhân đang hoạt động trên lĩnh vực quyền của cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận thấy rằng các nội dung về SOGIESC thông qua giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong trường học là một lĩnh vực cần tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh triển khai thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức.
Chiến dịch Tự do và Bình đẳng tại Việt Nam nhận thấy nhóm giáo viên và sinh viên sư phạm, với nhiều kỹ năng và chuyên môn sư phạm, là những người đóng vai trò quan trọng và là những nhân tố tạo ra sự thay đổi để lan tỏa các nội dung về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện có hiệu quả, đặc biệt là kiến thức về SOGIESC và cách tiếp cận dựa trên sự tử tế và lòng tự hào đến với nhiều thế hệ học sinh trong tương lai. Từ đó, thái độ tôn trọng sự đa dạng, tử tế và tự hào sẽ được phát huy và nuôi dưỡng. Từ đó, môi trường giáo dục và trường học an toàn cho tất cả học sinh, sinh viên sẽ được cam kết thúc đẩy và triển khai.
Trong thời gian diễn ra sự kiện, các hoạt động trưng bày, trò chơi, câu hỏi kiến thức, trao đổi và thảo luận về giới và đa dạng tính dục sẽ được tổ chức để người tham gia, bao gồm các sinh viên sư phạm, nhà giáo, các tổ chức cộng đồng LGBTIQ+, thanh thiếu niên và người trẻ có thêm hiểu biết về LGBTIQ+ cũng như chia sẻ ý kiến về hướng tiếp cận tử tế và tự hào nhằm hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho tất cả mọi người.
Bà Lesley Miller chia sẻ thêm: “Trong năm 2021, Liên hợp quốc tại Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để số hóa Chương trình Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện và biến chương trình này thành nguồn mở cho giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp. Hoạt động này góp phần thúc đẩy quyền của thanh thiếu niên và người trẻ LGBTI cũng như giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục giới tính, phá vỡ những điều cấm kị, giải quyết định kiến giới và tạo điều kiện cho các trường học trở nên thân thiện, hòa nhập hơn cho tất cả mọi người. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích mọi người truy cập các tài nguyên trực tuyến này và chủ động tiếp cận để tự trang bị kiến thức cho bản thân.”
Phát biểu trong sự kiện, bà Lesley Miller, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hôm nay, trong sự kiện thuộc khuôn khổ Chiến dịch Tự do và Bình đẳng này, chúng ta cùng khẳng định một sự thật rằng mỗi người - tất cả mọi người - bất kể xu hướng tính dục, bản dạng giới và biểu hiện giới hay bất kỳ địa vị nào khác, đều được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Và chúng ta hãy tập trung vào giáo dục như là một phương tiện chiến lược cho sự thay đổi. Liên hợp quốc hân hạnh được hợp tác với Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sự kiện này, góp phần trong nỗ lực của Nhà trường nhằm chuyển đổi đội ngũ giảng viên, tập thể sinh viên và môi trường học tập của Nhà trường. Chúng tôi hoan nghênh việc đề cao sự tôn trọng và tử tế với mục đích đảm bảo an toàn cho mọi người với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Năm 2022 là năm thứ tư của chiến dịch Tự do và Bình đẳng tại Việt Nam. Năm nay, từ phía Liên hợp quốc tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chủ trì điều phối chiến dịch, với sự phối hợp của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc. (UNESCO), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Văn phòng Điều phối viên Liên hợp quốc (RCO), liên kết với Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UEd), và ba tổ chức cộng đồng của những người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ là Hà Nội Queer, Doanh nghiệp xã hội Venus và Sáng kiến Tìm tôi trong chữ.
#############
Chương trình Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2022 được phát trực tiếp tại:
Tiếng Việt:
Trang Facebook của Liên hợp quốc tại Việt Nam: https://www.facebook.com/uninvietnam
Trang Facebook của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: https://www.facebook.com/education.vnu.edu.vn
Tiếng Anh:
Kênh Youtube của Liên hợp quốc tại Việt Nam: https://www.youtube.com/@unvietnam6889
Trang sự kiện Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2022 trên Facebook: https://fb.me/e/2Cm7zdZOS
Về Chiến dịch Tự do và Bình đẳng
Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên hợp quốc (UNFE) là một sáng kiến về chiến dịch truyền thông toàn cầu của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc từ năm 2013 nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng và đối xử công bằng với cộng đồng những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới tính và tất cả nhóm đa dạng tính dục khác (viết tắt là LGBTIQ+) ở khắp mọi nơi. Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên hợp quốc cũng đã hỗ trợ các chiến dịch và sự kiện cấp quốc gia tại hơn 40 nước trên thế giới kể từ khi ra mắt, trong đó có Việt Nam.
Trang thông tin về Chiến dịch Tự do và Bình đẳng: https://www.unfe.org/
Về Liên hợp quốc tại Việt Nam
Với mục tiêu xây dựng nhà nước bền vững và bao trùm, Liên hợp quốc đang hợp tác với Việt Nam để tăng tốc hướng đến đạt được thành tựu của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và hỗ trợ các ưu tiên phát triển quốc gia khác, tập trung vào bốn lĩnh vực chiến lược: Đầu tư vào con người; Đảm bảo chống chịu biến đổi khí hậu và bền vững môi trường; Thúc đẩy sự thịnh vượng và hợp tác; và Thúc đẩy công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.
Trang thông tin về Liên hợp quốc tại Việt Nam: https://vietnam.un.org/
Về Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục.
Trang thông tin về Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: https://education.vnu.edu.vn/
Về Hà Nội Queer
Hà Nội Queer hướng tới một Việt Nam cởi mở và bình đẳng với người LGBTQ trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và xã hội. Tổ chức Hà Nội Queer tạo dựng các không gian an toàn, lưu trữ và thúc đẩy văn hóa của cộng đồng, nâng cao năng lực và sức khỏe toàn diện cho cộng đồng LGBTQ; đồng thời nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ xã hội với người LGBTQ tại Việt Nam.
Trang thông tin về Hà Nội Queer: https://queer.vn/
Về Doanh nghiệp xã hội Venus
Doanh nghiệp xã hội (DNXH) Venus là DNXH đầu tiên tại Việt Nam do cộng đồng người chuyển giới nữ vận hành. Vào năm 2015, Venus được thành lập với tư cách là nhóm cộng đồng được dẫn dắt bởi cộng đồng chuyển giới nữ, và hoạt động vì cộng đồng chuyển giới nữ. Trong 5 năm hoạt động, Venus đã nỗ lực cung cung cấp các dịch vụ liên quan đến HIV cho cộng đồng người chuyển giới ở Hà Nội. Vào năm 2020, với sự hỗ trợ của PEPFAR thông qua dự án USAID/PATH Healthy Markets, nhóm cộng đồng Venus đã chính thức trở thành DNXH Tư vấn và Phát triển Cộng đồng Venus.
Trang thông tin về DNXH Venus: https://www.facebook.com/dnxhvenus
Về Sáng kiến Tìm tôi trong chữ
Được tài trợ từ Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia và Chương trình Aus4Skills, Sáng kiến Tìm tôi trong chữ là một dự án cộng đồng hướng tới các cá nhân nữ và người chuyển giới nam là người di cư hoặc người dân tộc thiểu số đến từ các địa phương thuộc miền Bắc của Việt Nam. Dự án tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ và thực hành viết để người nữ và người chuyển giới nam thực hành suy nghĩ về bản thể hay cái tôi của chính mình, diễn đạt và tái tạo diễn ngôn từ chính mình.
Trang thông tin về Sáng kiến Tìm tôi trong chữ: https://www.timtoitrongchu.com/
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc có yêu cầu về truyền thông, xin vui lòng liên hệ:
Trịnh Anh Tuấn, Chuyên viên cao cấp về Truyền thông và Vận động Chính sách, Văn phòng Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam (RCO), Liên hợp quốc tại Việt Nam, tuan.trinh@un.org, +84 24 3850 0193
Nguyễn Thị Thanh Hương, Cán bộ Truyền thông, UNICEF Việt Nam, ntthuong@unicef.org, +84 24 3850 225
Theo dõi tin tức của Liên hợp quốc tại Việt Nam trên Twitter @uninvietnam
./.
[1] Người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, người chuyển giới, người liên giới tính và tất cả nhóm đa dạng tính dục khác.
1 of 5
Thông cáo báo chí
13 tháng 1 2023
We Together - Âm nhạc hoà sắc cam - Chương trình âm nhạc đường phố vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em
Chương trình âm nhạc đặc sắc này do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women tại Việt Nam) tổ chức với góp mặt của nhiều nghệ sĩ trẻ đang được yêu thích như: Minh Vương M4U, Vũ Duy Khánh, Trung Trần, Nguyễn Trần Trung Quân, Duy Khoa, AlexD Music Insight, VAnh,...và nhiều tiết mục của các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố như Hệ thống trường liên cấp Vinschool, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường Đại học FPT,...
Trong không gian âm nhạc với nhiều khung bậc cảm xúc của chương trình, lời ca và điệu nhảy của các nghệ sĩ như một sợi dây đặc biệt gắn kết mọi người, truyền tải đi thông điệp ý nghĩa về sự tôn trọng, chia sẻ, quan tâm, yêu thương và đoàn kết. Chương trình âm nhạc được chia làm ba phần chính: Cô ấy (She), Chúng ta (We) và Hội ngộ (We Together). Những bài hát trong phần “Cô ấy" kể về những người phụ nữ quanh ta, họ có thể là mẹ, vợ, con gái, tri kỷ hay người yêu. Khi “Cô ấy" trưởng thành, trải qua những sóng gió, trở nên mạnh mẽ và trở thành một phần trong “Chúng ta" đầy quyền năng và kiên định, rồi “Hội ngộ” với những người cùng chí hướng để sống hết mình, hiện thực hóa mọi giấc mơ và cống hiến cho cuộc đời. Nếu như phần một Cô ấy (She) mang đến những bài hát tươi sáng, trong trẻo đầy yêu thương, phần hai “We” (Chúng ta) là lời tự sự của chúng ta trong hành trình trưởng thành, vấp ngã và tái sinh, thì phần ba “Hội Ngộ" là niềm vui, sức mạnh đoàn kết để cùng kiến tạo một thế giới bình đẳng, đầy màu sắc, an toàn và không có bạo lực.
Đặc biệt, ngoài phần biểu diễn của các nghệ sĩ, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện của UN Women cùng các nhân viên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã trình diễn tiết mục nhảy sôi động truyền đi thông điệp về những phụ nữ và bé gái mạnh mẽ, tự tin, vượt qua mọi rào cản, định kiến để hiện thực hóa các ước mơ của mình.
Chương trình âm nhạc đặc sắc này do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women tại Việt Nam) tổ chức với góp mặt của nhiều nghệ sĩ trẻ đang được yêu thích như: Minh Vương M4U, Vũ Duy Khánh, Trung Trần, Nguyễn Trần Trung Quân, Duy Khoa, AlexD Music Insight, VAnh,...và nhiều tiết mục của các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố như Hệ thống trường liên cấp Vinschool, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường Đại học FPT,...
Trong không gian âm nhạc với nhiều khung bậc cảm xúc của chương trình, lời ca và điệu nhảy của các nghệ sĩ như một sợi dây đặc biệt gắn kết mọi người, truyền tải đi thông điệp ý nghĩa về sự tôn trọng, chia sẻ, quan tâm, yêu thương và đoàn kết. Chương trình âm nhạc được chia làm ba phần chính:Cô ấy (She), Chúng ta (We) và Hội ngộ (We Together). Những bài hát trong phần “Cô ấy" kể về những người phụ nữ quanh ta, họ có thể là mẹ, vợ, con gái, tri kỷ hay người yêu. Khi “Cô ấy" trưởng thành, trải qua những sóng gió, trở nên mạnh mẽ và trở thành một phần trong “Chúng ta" đầy quyền năng và kiên định, rồi “Hội ngộ” với những người cùng chí hướng để sống hết mình, hiện thực hóa mọi giấc mơ và cống hiến cho cuộc đời. Nếu như phần một Cô ấy (She) mang đến những bài hát tươi sáng, trong trẻo đầy yêu thương, phần hai “We” (Chúng ta) là lời tự sự của chúng ta trong hành trình trưởng thành, vấp ngã và tái sinh, thì phần ba “Hội Ngộ" là niềm vui, sức mạnh đoàn kết để cùng kiến tạo một thế giới bình đẳng, đầy màu sắc, an toàn và không có bạo lực.
Đặc biệt, ngoài phần biểu diễn của các nghệ sĩ, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện của UN Women cùng các nhân viên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã trình diễn tiết mục nhảy sôi động truyền đi thông điệp về những phụ nữ và bé gái mạnh mẽ, tự tin, vượt qua mọi rào cản, định kiến để hiện thực hóa các ước mơ của mình.
Thông tin thêm cho các Biên tập viên:
Trên toàn cầu, mỗi năm có một tỷ đứa trẻ phải hứng chịu bạo lực không bằng hình thức này thì là hình thức khác. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%). Những vết sẹo này không chỉ để lại nỗi đau về thể xác mà nó còn mang lại ám ảnh dai dẳng về tinh thần đến suốt cuộc đời.
Theo như Khảo sát Quốc Gia về Bạo Lực đối với Phụ Nữ ở Việt Nam năm 2019, 62.9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát do chồng hoặc bạn tình gây ra trong cuộc đời. Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90.4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực. Thêm vào đó, những tác động của bạo lực phụ nữ ước tính tương đương với 1.81% GDP của Việt Nam năm 2018.
Chương trình “Âm nhạc hoà sắc cam”- We Together Music Concert sẽ được đăng tải thông tin trên: UN Women fanpage: https://www.facebook.com/unwomenvietnam/
1 of 5
Latest Resources
1 / 11
Nguồn lực
16 tháng 3 2023
Nguồn lực
16 tháng 3 2023
Nguồn lực
02 tháng 3 2023
Nguồn lực
07 tháng 2 2023
Nguồn lực
05 tháng 9 2022
1 / 11